.

Hiệu quả của các mô hình nâng cao chất lượng dân số

Thứ Ba, 27/01/2015, 16:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2014 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn đối với ngành Dân số tỉnh khi tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số nơi vẫn chưa có dấu hiệu giảm, nguồn nhân lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng, hệ thống các phương tiện, trang thiết bị y tế một số địa bàn vẫn thiếu... Vượt lên khó khăn đó, đội ngũ những người thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số tỉnh ta đã không ngừng nỗ lực để vừa đẩy mạnh chất lượng các mô hình, vừa tăng cường sự tiếp cận, hưởng lợi của người dân.

Bà Võ Thị Hồng Hà, Chi cục Phó Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, các mô hình nâng cao chất lượng dân số đóng một vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu quốc gia về dân số-kế hoạch hóa gia đình của tỉnh, đồng thời đây cũng là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công hay thất bại của công tác dân số tỉnh nhà. Năm 2014, các mô hình đều đạt được những chỉ tiêu đặt ra và ngày càng được hoàn thiện hơn về đội ngũ nhân lực, nhất là mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ ở cấp cơ sở, và công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát.

Đẩy mạnh tuyên truyền là một trong những hoạt động trọng tâm của các mô hình nâng cao chất lượng dân số trong năm 2015
                                   Đẩy mạnh tuyên truyền là một trong những hoạt động trọng tâm của các mô hình nâng cao                 chất lượng dân số trong năm 2015

Mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh” được duy trì triển khai tại 159 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố. Một lớp tập huấn tuyên truyền, tư vấn quản lý đối tượng cho 50 chuyên trách dân số xã và cán bộ các Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện đã được tổ chức hiệu quả. Bên cạnh đó, mô hình cũng tập trung tăng cường các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho người dân thông qua hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn. Để nhân rộng hơn sự ảnh hưởng của mô hình, ba hội nghị nói chuyện chuyên đề được tổ chức tại các xã triển khai đề án, thu hút hơn 200 chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng giữa tham gia. Theo số liệu thống kê, đến nay, 579 mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh đã được lấy và gửi tới Trung tâm sàng lọc sơ sinh miền Trung, trong đó kết quả nghi ngờ thiểu năng Giáp bẩm sinh 4 trường hợp, 7 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, yêu cầu xét nghiệm, chẩn đoán lần 2 có 2 trường hợp xác định mắc bệnh thiếu men G6PD.

Năm 2014, cũng ghi nhận nhiều thành công của mô hình “Giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 17 xã của 5/8 huyện, thị xã, thành phố. Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương tích cực tổ chức truyền thông, tư vấn cộng đồng hướng tới các đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. 17 buổi tuyên truyền, tư vấn, vận động tại cộng đồng được triển khai cho hơn 850 đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn. Mô hình đã tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ từ 15-49 tuổi tại các xã vùng cao, trong đó có 330 ca khám phụ khoa, 154 ca khám thai, 170 ca soi tươi và 214 ca bị viêm nhiễm đường sinh sản được điều trị. Mô hình duy trì 83 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh xã, đồng thời đưa chiến dịch lồng ghép giữa tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn.

Mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tuy mới triển khai trong năm 2012 nhưng cũng đạt được một số kết quả nhất định. Trong năm 2014, toàn tỉnh đã duy trì hoạt động thường xuyên của 5 câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi với hơn 14 buổi sinh hoạt và có hơn 700 thành viên tham gia. Mạng lưới tình nguyện viên hoạt động tích cực, hiệu quả tại 5 xã thí điểm, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, bệnh tật... Bên cạnh đó, mô hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật liên quan đến người cao tuổi, vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi trong mọi mặt cuộc sống và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Tuy nhiên, ngoài những hiệu quả mà các mô hình mang lại, vẫn còn đó rất nhiều thách thức đối với đội ngũ thực hiện. Đó là việc thiếu các phương tiện kỹ thuật triển khai mô hình, như: máy siêu âm 3D, máy xét nghiệm sinh hóa cho mô hình “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, thiếu trang thiết bị, dụng cụ y tế tại các xã triển khai chiến dịch lồng ghép; nguồn cung ứng các phương tiện tránh thai chưa đủ nhu cầu... Và nhất là kinh phí đầu tư cho các mô hình còn hạn chế, chưa đáp ứng được các điều kiện để duy trì và phát huy hiệu quả, mở rộng mô hình. Theo bà Võ Thị Hồng Hà, Chi cục phó Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trong năm 2015, các mô hình nâng cao chất lượng dân số sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Đồng thời, công tác tuyên truyền sẽ được tăng về số lượng và đa dạng hóa về nội dung, hình thức thể hiện. Bên cạnh đó, Chi cục sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực này để huy động sự đóng góp của cộng đồng và có sự khen thưởng, khuyến khích kịp thời các cá nhân, tập thể đạt thành tích để phát huy nhân rộng mô hình trong người dân.

P.V