.

Chuyển biến trong công tác phòng chống bệnh lao

Thứ Hai, 26/01/2015, 09:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, công tác phòng, chống lao vẫn được triển khai và duy trì tại 100% huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn. Việc quản lý, điều trị bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được bảo đảm thường xuyên, hoạt động cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã đã tạo nhiều thuận lợi cho bệnh nhân.

Năm 2014 là năm thứ 4 triển khai hoạt động Quỹ toàn cầu vòng 9, công tác phòng chống bệnh lao vì vậy được tiếp tục triển khai một cách đồng bộ. Hàng năm, trên địa bàn toàn tỉnh khám và điều trị cho hơn 800 bệnh nhân lao. Điều đó một mặt chứng tỏ những nỗ lực trong công tác phòng chống lao tại tỉnh ta đã phát huy hiệu quả, mặt khác cho thấy mục đích loại trừ bệnh lao khỏi cộng đồng vẫn là một thách thức lớn. Bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều bệnh nhân lao sống trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện được. Cùng với sự bùng phát của đại dịch HIV/AIDS cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng của bệnh lao, làm bệnh lao diễn biến phức tạp hơn, khiến quá trình quản lý và điều trị khó khăn hơn.

Để vượt qua được những khó khăn nhằm hoàn thành nhiệm vụ, khoa Lao, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội cũng như cán bộ làm công tác phòng chống lao toàn tỉnh đã nỗ lực hết mình để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, chương trình chống lao đã chủ động xây dựng, củng cố mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh, huyện đến xã, phường. Cán bộ chuyên trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời tình hình bệnh tật. Đối với công tác phòng chống lao, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là việc làm rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân, vì thế cán bộ phòng chống lao tại các trạm y tế xã đã chủ động vận động thuyết phục những người dân nghi lao trong cộng đồng đến xét nghiệm.  

Để chẩn đoán bảo đảm nguyên tắc quy định của chương trình, những trường hợp lao phổi AFB (+), lao ngoài phổi đều được chuyển lên tuyến tỉnh khám chẩn đoán và lập phác đồ điều trị.

Chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Trạm y tế Bắc Lý (Đồng Hới).
Chăm sóc cho bệnh nhân lao tại Trạm y tế Bắc Lý (Đồng Hới).

Năm 2014, các hoạt động của chương trình chống lao như công tác quản lý, điều trị bệnh nhân tại cộng đồng, cung ứng thuốc, vật tư, thống kê báo cáo, đào tạo, truyền thông, kiểm tra giám sát, tài chính và giám định tiêu bản đều được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Trong năm đã khám cho hơn 48.760/25.000 người (đạt 195% KH); phát hiện mới 961/800 người (đạt 120% KH); quản lý 1.461/1.300 người (đạt 112% KH), trong đó, AFB (+) 723/700 người (đạt 103% KH)... Đặc biệt với việc triển khai điều trị bằng hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (phương pháp DOST) cho tất cả các bệnh nhân tại các tuyến nên tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi ngày càng cao 423/438 người (đạt 96,5%). Số bệnh nhân lao điều trị thành công trong năm là  820/842 người (đạt 97,3% KH).

Trong công tác phát hiện bệnh nhân lao, xét nghiệm là khâu quan trọng không thể thiếu, vì vậy chương trình phòng chống lao đã đầu tư trang bị phương tiện cho các chuyên khoa lao tuyến huyện, thành phố để đẩy mạnh công tác xét nghiệm một cách chính xác, hiệu quả. Tại tuyến tỉnh, chương trình đã được trang cấp máy siêu âm, máy X.Quang, thực hiện có hiệu quả các máy móc hỗ trợ cho việc khám, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao để đưa vào quản lý, điều trị... Năm 2014, chương trình đã thực hiện xét nghiệm được 15.517/15.000 tiêu bản (đạt 103,4% KH).

Yếu tố quan trọng nhất trong công tác phòng chống lao là phải làm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng chống bệnh lao cho chính mình và mọi người trong cộng đồng, đồng thời phải kết hợp tốt công tác phòng chống lao với các công tác khác như: phòng chống thuốc lá, phòng chống HIV/AIDS... Chương trình đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống lao làm một trong những tiêu điểm của chương trình. Nhiều hình thức truyển thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được thực hiện trong toàn dân như: Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về kiến thức phòng bệnh thông qua các cuộc họp thôn xóm, cổ động tranh cờ biểu ngữ qua các đợt phát động phòng chống lao, phát tờ rơi, treo áp phích những nơi đông người... Nhờ các hoạt động truyền thông tư vấn trong quá trình điều trị mà nhận thức người dân tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị giảm dần.

Tuy nhiên khó khăn với chương trình phòng chống lao vẫn là tình trạng thiếu thốn về nhân lực do một số tổ chống lao huyện, xã có sự thay đổi cán bộ chuyên trách, bên cạnh đó kinh phí hỗ trợ cho hoạt động-chương trình chống lao giảm mạnh.

Do vậy, thời gian tới rất cần sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần của các cấp chính quyền và sự chia sẻ, tương trợ từ phía cộng đồng, từ đó cảm thông và tạo mọi điều kiện để có thể giúp đỡ những bệnh nhân lao. Vì trên thực tế người mắc bệnh lao đa số là người nghèo, là lao động chính trong gia đình... chỉ như vậy công tác phòng chống lao mới từng bước kiểm soát tốt hơn.

Lê Dung