.

Công tác phát triển y, dược học cổ truyền: Hành trình vượt khó

Thứ Sáu, 18/04/2014, 20:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Nền y học cổ truyền được hình thành và phát triển cùng với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam. Trải qua nhiều thế hệ, các thầy thuốc y học cổ truyền Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng đã xây dựng nền y học cổ truyền vững mạnh phục vụ sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tỉnh ta là một trong những địa phương trong cả nước có nhiều thế mạnh để phát triển nền y, dược học cổ truyền. Với đặc điểm khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều, chia thành các mùa rõ rệt nên có nhiều vùng sinh thái tự nhiên đa dạng, có nguồn dược liệu cả về cây và con để làm thuốc khá phong phú.

Theo thống kê, ở các địa phương trong toàn tỉnh có khoảng 200 loài cây có thể làm thuốc, đặc biệt có những cây thuốc quý như sâm bố chính, kê huyết đằng, hoàng đằng, hà thủ ô, trầm hương... mọc tự nhiên ở các vùng miền núi, rẻo cao và các khu vườn sinh thái, nhất là các xã thuộc Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Với những lợi thế đó, những năm qua, tỉnh ta rất chú trọng đến công tác phát triển nền y, dược học cổ truyền, nhất là việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

Để từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhằm phát triển nền y học cổ truyền, ngành Y tế đã từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý về y dược học cổ truyền từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Ngành luôn chú trọng đầu tư, mở rộng mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Qua đó, nhiều phương pháp điều trị cũng như bài thuốc cổ truyền đã được ứng dụng hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Những mô hình vườn thuốc nam như thế này đang được nhiều địa phương đầu tư, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Những mô hình vườn thuốc nam như thế này đang được nhiều địa phương đầu tư, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe.

Đặc biệt, kể từ khi Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh ra đời, công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực. Bệnh viện đã và đang được đầu tư đồng bộ có quy mô 70 giường bệnh. Song hiện tại, số giường thực kê của bệnh viện luôn vượt, có khi lên đến 120-144 giường do nhu cầu sử dụng của người dân. Bệnh viện có đội ngũ cán bộ y tế vững về chuyên môn, trong đó có nhiều bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền nên luôn đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh chuyên khoa y học cổ truyền và khám đa khoa cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, tại các bệnh viện đa khoa tuyến  huyện đều đã hình thành các khoa đông y và có bộ phận phục hồi chức năng riêng, được trang cấp đầy đủ các trang thiết bị cơ bản như tủ thuốc, máy điện châm, đèn hồng ngoại, thiết bị phục hồi chức năng, máy sắc thuốc tự động và các trang thiết  bị khác phục vụ công tác điều trị và các hoạt động bào chế, bảo quản dược liệu. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đều duy trì kết quả đạt được và ngày càng phát triển thêm các các loại hình dịch vụ dùng thuốc, không dùng thuốc, phục hồi chức năng để phục vụ cho người bệnh.

Thực tế cho thấy, việc khám, chữa bệnh theo các phương pháp cổ truyền đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho tuyến điều trị sử dụng phương pháp y học hiện đại, nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao cho bệnh nhân. Từ việc chữa trị bằng y học cổ truyền nhiều người dân mắc các  bệnh mãn tính như bệnh thần kinh, cơ xương khớp, liệt sau tai biến... được điều trị thành công, mang lại niềm tin cho người bệnh. Tại các trạm y tế xã, phường cũng có cán bộ chuyên trách trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp cổ truyền; đồng thời xây dựng được vườn thuốc nam để vừa phục vụ công tác điều trị, vừa giới thiệu, tuyên truyền cho người dân địa phương về cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 41/159  trạm y tế trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia theo bộ tiêu chí mới, trong đó có 29 xã đạt khá về thực hiện công tác y học cổ truyền; có 137/159 trạm y tế xã có vườn thuốc nam mẫu và có các  hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Cùng với hoạt động khám, chữa bệnh, công tác gieo trồng, thu hái, bảo quản cây thuốc nam được quan tâm. Thực hiện phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”, ngành Y tế và các cấp Hội đông y đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân dành diện tích đất tại vườn nhà để gieo trồng nhiều loại cây làm thuốc, đã có hàng trăm tấn dược liệu được thu hái, chế biến và đưa vào sử dụng trong điều trị. Nhiều gia đình đã biết cách trồng những cây thuốc cần thiết để điều các trị bệnh thông thường như cảm, cúm, ho, sốt, đau bụng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển y, dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác điều trị còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu đội ngũ cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền tại các tuyến, nhất là tuyến cơ sở; kinh phí phục vụ cho các hoạt động còn hạn hẹp; việc nuôi trồng, phát triển nguồn dược liệu còn nhiều hạn chế...

Để công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả tích cực, ngành Y tế và các các cấp Hội đông y đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng được ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược cũng được quan tâm đúng mức.

Hiện tại, ngành Y tế đang tập trung công tác phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, tăng cường cán bộ chuyên môn chỉ đạo cho tuyến dưới và xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao, kế thừa bằng các hình thức kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại để từ đó đáp ứng nhu cầu cán bộ cho các tuyến. 

Phát triển y học cổ truyền luôn được ngành Y tế xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy những thành quả y học dân tộc đã đạt được, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Mục tiêu của ngành trong giai đoạn 2015 -2020 sẽ nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh lên 120 -150 giường bệnh và tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn tỉnh sẽ có khoa y - dược cổ truyền, 100% trạm y tế xã, phường có cán bộ chuyên trách về y, dược cổ truyền... nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

Nhật Văn