.

Bệnh sởi và các điểm cần lưu ý

Thứ Năm, 24/04/2014, 09:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, bệnh lây qua đường hô hấp với tốc độ rất nhanh làm cho sức đề kháng của cơ thể người bệnh suy giảm dễ gây ra nhiều biến chứng nặng.

 

Trẻ được tiêm phòng vẫn có thể mắc sởi, tuy nhiên nếu được tiêm đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh giảm rõ rệt.
Trẻ được tiêm phòng vẫn có thể mắc sởi, tuy nhiên nếu được tiêm đầy đủ thì nguy cơ mắc bệnh giảm rõ rệt.

Để phòng tránh bệnh sởi và những biến chứng nặng, bảo đảm sức khỏe cho trẻ, các bậc cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên lưu ý:

- Theo dõi sát, tránh để con tiếp xúc với nguồn lây bệnh, chú ý các triệu chứng đặc trưng của sởi, dấu hiệu khởi phát có thể là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc hoặc viêm thanh quản (một trong những triệu chứng rất hay gặp ở trẻ bị sởi, trẻ sẽ khóc khàn tiếng). Khi có biểu hiện sốt phát ban cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa để được tư vấn, chăm sóc, điều trị tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.

- Đối những trường hợp mắc sởi nhẹ không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà nên cha, mẹ đừng quá lo lắng. Cần cách ly, hạn chế tiếp xúc, người lớn chưa được miễn dịch với sởi cũng có nguy cơ cao mắc bệnh nên vẫn phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

- Vì nhiều lý do, đặc biệt đã có xảy ra một số tai biến trong quá trình tiêm chủng trong thời gian gần đây, cũng có một số người quan niệm rằng tiêm vắc xin là nguy hiểm, nên nhiều cha, mẹ không cho con đi tiêm chủng đầy đủ, dẫn tới nguy cơ mắc những bệnh vốn được coi là đã được thanh toán tại nước ta trở lại là rất cao. Vì vậy, cha mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần đặc biệt lưu ý: cần cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế, tránh các quan điểm sai lầm có thể gây nguy hiểm cho trẻ sau này.

- Tiêm phòng sởi 1 mũi chưa đủ khả năng tạo miễn dịch cao cho trẻ, cần tiêm đủ 2 mũi theo chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và lần thứ hai vào 18 tháng tuổi.

- Tuổi mắc bệnh thông thường ở trẻ là từ sau 6 tháng tuổi. Nguyên nhân do trẻ ở dưới 6 tháng tuổi vẫn còn kháng thể từ mẹ truyền sang qua sữa mẹ nếu trẻ đang bú (tạo khả năng miễn dịch, tức là trẻ không bị mắc sởi), tuy nhiên trong các trường hợp trẻ mắc bệnh sởi gần đây, số trẻ mắc bệnh trong tuổi bú mẹ khá nhiều, có thể do mẹ chưa tiêm phòng sởi, chưa có đáp ứng miễn dịch với sởi nên vẫn chưa có kháng thể bảo vệ cho con.

- Mặc dù tuổi tiêm vắc xin sởi ở 9 tháng tuổi, tuy nhiên trong một số trường hợp tiêm vắc xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình Tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả các trường hợp tiêm vắc xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc xin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là 1 mũi vắc xin. Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt. Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc xin sởi do kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ con khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

Trong một số ít trường hợp sau tiêm vắc xin sởi cho trẻ có thể vẫn bị nhiễm sởi nhưng ở mức độ nhẹ và thường không gây lây nhiễm. Phản ứng sau tiêm vắc xin sởi là rất hiếm gặp. Trong các trường hợp trẻ sốt, nhiễm trùng cấp tính đang tiến triển cần tạm hoãn tiêm. Khi khỏi thì mới tiêm.

- Nếu đã tiếp xúc với người mắc bệnh sởi, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc. Việc tiêm vắc xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng do của bệnh sởi.

- Nếu không có các biến chứng thì điều trị sởi quan trọng nhất là chăm sóc cho trẻ, vệ sinh da, mắt, miệng, họng... bảo đảm đủ dinh dưỡng nâng sức đề kháng cho trẻ, dùng vitamin A tránh biến chứng về mắt do bệnh sởi gây nên, cung cấp đủ dịch và cách ly chặt chẽ trong suốt giai đoạn có viêm long đường hô hấp cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban.

BS. Nguyễn Huy Bổng