.

Vấn đề hạt nhận Triều Tiên và IS đang kéo Mỹ trở lại Biển Đông

Thứ Năm, 20/07/2017, 08:21 [GMT+7]

Đài TNHK đưa tin mặc dù mối lo ngại vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) từng là những vấn đề kéo sự chú ý của chính quyền đương nhiệm Mỹ ra khỏi Biển Đông, nhưng chính những điều này lại đang đưa Mỹ trở lại khu vực.

Đây là một số nhận định của học giả tham dự Hội nghị Biển Đông thường niên của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ hôm 18-7.

Giáo sư về khoa học chính trị của Đại học Philippines, ông Aries Arugay, nhận định nếu như trước đây, 2 vấn đề này làm mờ nhạt châu Á trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump, thì giờ đây chính quyền này lại hướng về khu vực, nhất là khối ASEAN, để tìm sự hậu thuẫn trong việc đối phó với mối lo Triều Tiên sau khi không nhận được sự đồng thuận từ Trung Quốc.

Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Gardner, Thượng nghị sỹ Cory Gardner nói Đông Nam Á đang là nơi trú ngụ mới của IS và cũng chính vì điều này mà Mỹ sẽ phải "làm mới lại sự lãnh đạo của mình ở khu vực."

Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Nguồn: Getty Images)
Tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. (Nguồn: Getty Images)

Tại hội nghị, Thượng nghị sỹ Mỹ Cory Gardner cho biết đang vận động Quốc hội Mỹ phát triển thêm chính sách về châu Á và tái khẳng định cam kết của Mỹ ở khu vực, nơi có những cường quốc hải quân mạnh nhất thế giới.

Ông cho rằng Washington cần duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đồng thời xây dựng thêm các mối quan hệ mới trong khu vực này.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nguyên Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông David Shear, cũng kêu gọi chính phủ Mỹ cần củng cố mối quan hệ với các đồng minh trong khu vực, nhấn mạnh “đó là điều mà chính quyền Trump cần làm.”

Cũng tại sự kiện này, Thượng nghị sỹ Cory Gardner cáo buộc Trung Quốc gần đây có những hành động gây mất ổn định ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, làm trái với luật lệ quốc tế và tạo ra hiểm họa xung đột trong tương lai. Ông nói: "Hành động của họ dường như trái ngược với những lời họ nói ra.”

Trong khi đó, giáo sư Aries Arugay của Đại học Philippines nói rằng dù phán xét của Tòa trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi tháng 7-2016 có làm cho mọi việc rõ ràng hơn về mặt luật pháp nhưng việc tiếp tục quân sự hóa trái phép của Trung Quốc khiến các nước quan ngại.

Để đối phó với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii khuyến nghị các quốc gia trong khu vực tiếp tục đầu tư vào chi tiêu quốc phòng, trong khi giáo sư Arugay của Đại học Philippines cho rằng các quốc gia cần tăng cường các hoạt động tuần duyên trên Biển Đông.

Theo Vietnam+