.

Châu Âu cần người di cư để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế

Thứ Năm, 09/02/2017, 15:22 [GMT+7]

Do dân số bị già hóa nên châu Âu cần người nhập cư và chỉ có thể giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư bằng cách hợp tác và không đóng cửa đối với người di cư.

Bà Federica Mogherini phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ ngày 6-2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bà Federica Mogherini phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ ngày 6-2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là tuyên bố của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini đưa ra ngày 8-2 khi phát biểu khai mạc Hội nghị Á-Âu về vấn đề người di cư tại thủ đô Valletta của Malta.

Bà Mogherini thể hiện tin tưởng rằng người châu Âu ý thức được rằng "Lục địa Già" cần người nhập cư để đáp ứng nhu cầu phát triển của các nền kinh tế thành viên do dân số các nước đang bị già hóa.

Theo bà, vấn đề người di cư chỉ có thể được giải quyết thông qua con đường hợp tác với họ.

Ngược lại, ngăn chặn người nhập cư không phải là câu trả lời hay giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư được cho là tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 này.

Cùng ngày, EU cũng cảnh báo liên minh này sẽ xem xét trừng phạt các nước thành viên trong tháng sau nếu các nước này không chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn đang bị kẹt tại Hy Lạp và Italy.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans đã chỉ trích EU phân bổ quá chậm người tị nạn khi đến nay mới chỉ tiếp nhận 12.000 trong số 160.000 người tị nạn Syria và những người tị nạn khác mà đến tháng Chín tới cần được phân bổ từ Hy Lạp và Italy đến các quốc gia khác trong EU.

Do đó, các nước thành viên EU sẽ phải chịu những hình phạt hành chính nghiêm khắc của Ủy ban châu Âu nếu vi phạm quy định của liên minh.

Hồi tháng 9-2015, các nước thành viên EU đã nhất trí phân bổ 160.000 người tị nạn từ Hy Lạp và Italy trong vòng 2 năm.

Kể từ đầu năm đến nay, khoảng 8.500 người di cư bằng đường biển đã được giải cứu trong khi ít nhất 227 người bị mất tích hoặc đã thiệt mạng.

Trong năm ngoái, ít nhất 4.500 người, chủ yếu là người châu Phi đã chết hoặc mất tích trên biển khi tìm cách đến Italy, cửa ngõ đến các nước khác ở châu Âu.

Tính từ năm 2014 đến nay, hơn 500.000 người di cư đã đến Italy và hiện gần 175.000 người đang chờ được cấp quy chế tị nạn tại nước này.

Trước tình hình này, ngày 8-2, Chính phủ Italy đã công bố hàng loạt các biện pháp nhằm hạn chế dòng người di cư đổ về nước này, gồm cả biện pháp giúp người tị nạn hòa nhập với nước sở tại.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti nhấn mạnh Italy hoan nghênh và chào đón những người tị nạn được ở lại nước này, song sẽ trục xuất những đối tượng bị từ chối quy chế tị nạn.

Theo TTXVN/Vietnam+