.

Nhìn lại thế giới 2016: Tiền đề cho Liên hợp quốc chuyển mình

Thứ Năm, 15/12/2016, 16:39 [GMT+7]

Nếu như năm 2015 là năm bản lề của Liên hợp quốc với việc thông qua hai văn kiện quan trọng là Chương trình Nghị sự Phát triển bền vững và Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, thì năm 2016 là năm đầu tiên các nước thành viên Liên hợp quốc bắt tay thực thi hai kế hoạch đầy tham vọng này.

Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại New York ngày 22-4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại New York ngày 22-4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hai kế hoạch này đều đặt ra những mục tiêu rất mới mẻ, đòi hỏi thể chế đa phương lớn nhất hành tinh này cùng các quốc gia thành viên phải thay đổi tư duy phát triển, đổi mới nguồn lực.

Do đó, có thể nói năm đầu tiên có ý nghĩa tạo bước tiền đề quan trọng cho việc cải tổ cách thức hoạt động của Liên hợp quốc.

Đẩy mạnh triển khai Mục tiêu phát triển bền vững

Trước hết phải kể đến Chương trình Nghị sự 2030. Trong năm 2016, Liên hợp quốc đã tích cực tổ chức rất nhiều hội nghị để các quốc gia cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào trong hầu hết các nghị quyết được thông qua trong năm. Tựu chung lại, các quốc gia đã công nhận mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa phát triển bền vững với hoà bình, an ninh và quyền con người.

Từ nhận thức đó, trong năm qua, các nước đã chú trọng tới việc tăng cường hợp tác, thiết lập các quan hệ đối tác mới hiệu quả để xoá đói nghèo, bất bình đẳng, quản trị tốt và xây dựng xã hội hoà bình.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cũng được đẩy nhanh một cách bất ngờ. Khi hiệp định này được các nguyên thủ quốc gia ký kết tại Paris vào tháng 12 năm ngoái, đã có không ít ý kiến hoài nghi việc hiệp định này có thể sớm có hiệu lực do còn khá nhiều bất đồng giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, ngày 4-11 vừa qua, hiệp định đã chính thức đi vào đời sống nhờ sự đồng thuận phê duyệt của đa số các quốc gia chiếm 55% lượng xả khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Quan trọng hơn là trong năm qua, Hiệp định Paris đã nhận được nhiều "cú hích" quan trọng, như cam kết của Liên minh châu Âu (EU) hay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Quỹ Ray C. Anderson cung cấp tài chính cho các giải pháp khí hậu cải tiến và nghiên cứu nhằm chống biến đổi khí hậu...

Những thành công bước đầu của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và Hiệp định Paris cho thấy các quốc gia đã nhận thức rõ rằng đây là hai công cụ giúp nhân loại tiến bước tới một thế giới an toàn hơn, công bằng hơn và hòa bình hơn cho tất cả mọi người.

Nỗ lực giải quyết các vấn đề "nóng"

Tuy nhiên, trong năm qua, Liên hợp quốc cũng rơi vào tình trạng "lực bất tòng tâm" khi nhiều thách thức của thế giới vượt quá khả năng đối phó của tổ chức này. Các cuộc xung đột vẫn diễn biến phức tạp. Số người chạy trốn chiến tranh ở mức chưa từng thấy trong lịch sử.

Cùng với đó là chủ nghĩa khủng bố lan rộng và gia tăng những thách thức phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, tăng trưởng dân số, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng, tình trạng mất an ninh lương thực, và khan hiếm nước…

Tất cả những vấn đề nóng đều có mối liên quan mật thiết với nhau, do đó từng quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được, mà phải thông qua những cơ chế đa phương như Liên hợp quốc.

Đáng tiếc là tình trạng mất đoàn kết khá nghiêm trọng giữa các quốc gia thành viên do những tính toán về lợi ích quốc gia dân tộc vượt lên trên lợi ích tập thể, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an, khiến Liên hợp quốc chưa phát huy được hiệu quả vai trò trung gian hòa giải của mình.

Đáng chú ý là một xu hướng mới đang nổi lên, đó là việc người dân các nước muốn thay đổi mạnh mẽ do mất lòng tin không chỉ đối với những thể chế hiện hành, mà cả đối với những thể chế toàn cầu như là Liên hợp quốc.

Cuộc bỏ phiếu “Brexit” tại Anh và kết quả bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về một nhà tỷ phú có tư tưởng cải cách táo bạo là hai ví dụ điển hình về mong muốn thay đổi nguyên trạng của cử tri.

Trong khi đó, những khó khăn nội tại cùng sự điều chỉnh chính sách của các chính quyền khiến không có cường quốc nào muốn gánh vác thêm trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế.

Mỹ tiếp tục có những điều chỉnh đáng kể chính sách đối ngoại theo hướng tránh can dự sâu vào các cuộc xung đột lâu dài để tránh sa lầy và hao tốn tiền của.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn đang vật lộn với thách thức nội bộ cả về chính trị, an ninh và kinh tế, cũng không tha thiết theo đuổi những cuộc phiêu lưu mới ở nước ngoài mà không nhìn rõ lợi ích thu được.

Trong bối cảnh sự hợp tác quốc tế không đủ mạnh như vậy, và hàng triệu người dân vô tội vẫn đang phải trả giá đắt cho tình trạng bất ổn trên toàn cầu, Liên hợp quốc đã thể hiện vai trò quan trọng. Mặc dù không thể dập tắt các điểm nóng, song tổ chức này đã góp phần cải thiện cuộc sống và mang lại cơ hội cho các nạn nhân của xung đột, dịch bệnh và đói nghèo.

Có thể kể tên một số thành tựu nổi bật của Liên hợp quốc trong năm qua, đó là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã viện trợ lương thực đến cho hàng trăm nghìn người dân đang sống giữa hai làn đạn ở thành phố Aleppo tại Syria.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kiểm soát thành công dịch bệnh Zika. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã giúp điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng và cung cấp những vaccine cần thiết, tạo điều kiện tiếp cận nước sạch, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu trẻ em cần trợ giúp.

Và trong bối cảnh số người vô gia cư trên thế giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cung cấp hỗ trợ tiền mặt cho 60 nước đang tiếp nhận số lượng người tị nạn lớn nhất từ Syria, đồng thời có kế hoạch mở rộng chương trình này đến hơn 15 nước vào năm tới.

Hoạt động gìn giữ hòa bình được chú trọng nhiều hơn với việc thông qua nghị quyết mở rộng khái niệm gìn giữ hòa bình để mở rộng sang cả các hoạt động thúc đẩy sự phục hồi, tái thiết và phát triển.

Sẵn sàng cho sự thay đổi

Một điểm nhấn không thể không nhắc tới trong các hoạt động của Liên hợp quốc năm nay là cuộc bầu chọn Tổng Thư ký mới thay cho Tổng Thư ký Ban Ki-moon sắp mãn nhiệm.

Đây là lần đầu tiên tiến trình bầu chọn người đứng đầu Liên hợp quốc được tiến hành một cách công khai minh bạch.

Tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu sau lễ tuyên thệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu sau lễ tuyên thệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kết quả, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres đã được Hội đồng Bảo an đề cử và toàn bộ 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn làm Tổng Thư ký thứ 9 của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh.

Là nguyên thủ quốc gia đầu tiên giữ chức vụ này, ông Guterres được kỳ vọng sẽ gây dựng lại sự đoàn kết trong đại gia đình Liên hợp quốc.

Trong phát biểu nhậm chức, ông Guterres cam kết sẽ tiến hành cuộc cải tổ khâu quản lý để đảm bảo rằng Liên hợp quốc có thể hoạt động "mau lẹ, hiệu quả, và năng suất," rút ngắn thời gian lên kế hoạch, chú trọng nhiều hơn đến con người và giảm bớt những thủ tục quan liêu.

Tân Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh ưu tiên của Liên hợp quốc là giải quyết gốc rễ của những vấn đề đang đặt ra đối với toàn bộ ba trụ cột của Liên hợp quốc là hòa bình-an ninh, phát triển bền vững và nhân quyền.

Trong năm 2017, Liên hợp quốc sẽ phải cùng các quốc gia thành viên tìm lời giải cho rất nhiều thách thức kéo dài lâu nay, như cuộc xung đột tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vấn đề biến đổi khí hậu, di cư và kiểm soát biên giới.

Đó là còn chưa kể đến những thách thức mới sẽ nảy sinh trong một thế giới đang có những biến đổi mạnh mẽ. Cách thức Liên hợp quốc đương đầu với những thách thức này sẽ quyết định vị thế của tổ chức này. Như lời tân Tổng Thư ký Guterres, giờ là lúc "Liên hợp quốc cần phải công nhận những nhược điểm và cải tổ cách thức làm việc.

Tổ chức này là nền tảng của chủ nghĩa đa phương, và trong nhiều thập niên qua đã có những đóng góp đáng kể cho hòa bình. Tuy nhiên, thách thức hiện đang vượt quá khả năng đáp ứng của chúng ta. Liên hợp quốc cần phải sẵn sàng cho sự thay đổi".

Theo Minh Nga (TTXVN/Vietnam+)