.

Ngọn nguồn mối thâm thù giữa 2 dòng Hồi giáo Sunni-Shiite

Thứ Tư, 06/01/2016, 07:36 [GMT+7]
Việc Saudi Arabia hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shiite, Sheikh Nimr al-Nimr, mới đây được giới quan sát đánh giá có thể gây căng thẳng thêm nữa trong thế giới Hồi giáo.
 
 
Tại Iran, một quốc gia chính trị thần quyền với tôn giáo chính là Hồi giáo Shiite, lãnh tụ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố trong ngày Chủ Nhật rằng Saudi Arabia, đất nước nằm dưới sự lãnh đạo của một hoàng gia theo Hồi giáo Sunni, phải đối mặt với “sự trả thù thần thánh” do đã sát hại vị giáo sĩ trên.
 
Giáo sĩ Nimr nằm trong nhóm 47 người bị Saudi Arabia hành quyết cùng một lúc. Trước khi bị hành quyết, vị giáo sĩ này đã vận động để người Hồi giáo Shiite tại Saudi Arabia và các nước xung quanh có nhiều quyền lợi chính trị hơn. Saudi Arabia đã cáo buộc ông tội kích động bạo lực chống lại nhà nước và tuyên án tử hình với ông.
Người Hồi giáo Sunni, Shiite cùng cầu nguyện tại một thánh đường ở Beirut, Liban, sau vụ giáo sĩ Nimr bị hành quyết (Nguồn: AP)

Người Hồi giáo Sunni, Shiite cùng cầu nguyện tại một thánh đường ở Beirut, Liban, sau vụ giáo sĩ Nimr bị hành quyết.

(Nguồn: AP)

Sự kiện đồng thời khiến dư luận quan tâm tới một câu hỏi: vì đâu Hồi giáo lại chia ra hai dòng chính đối đầu nhau tới vậy? Dưới đây là các đáp án được đăng tải trên tờ New York Times:
 
Nguyên nhân khiến Hồi giáo tách làm hai dòng
 
Sự chia rẽ trong Hồi giáo đã xuất hiện sau cái chết của Nhà tiên tri Muhammad vào năm 632, với nhiều tranh cãi xung quanh việc ai sẽ nắm quyền chăm lo cộng đồng tín đồ Hồi giáo đang ngày càng đông hơn.
 
Một số người tuyên bố vị lãnh tụ mới (caliph-người kế nhiệm Nhà tiên tri Mohammed) phải được lựa chọn thông qua hoạt động trưng cầu ý kiến. Số khác thì cho rằng chỉ các hậu duệ của Nhà tiên tri mới có thể trở thành lãnh tụ mới.
 
Danh hiệu lãnh tụ Hồi giáo sau đó được chuyển cho một nhân vật tin cẩn của Nhà tiên tri Mohammed là Abu Bakr. Tuy nhiên có ý kiến nói rằng nhân vật xứng đáng kế vị ông phải là con rể Ali, người đồng thời cũng là em họ.
 
Sau khi Ali bị ám sát, bằng thanh kiếm tẩm độc tại một thánh đường ở Kufa – vùng đất nay là Iraq – các con trai ông là Hasan và Hussein đã lần lượt tự nhận mình là lãnh tụ Hồi giáo mới. Nhưng Hussein và nhiều họ hàng của ông bị giết chết trong cuộc tàn sát ở Karbala, Iraq, vào năm 680.
 
Cái chết của ông trở thành giọt nước tràn ly, thành động lực để một bộ phận tín đồ Hồi giáo, với niềm tin rằng Ali mới xứng đáng là người kế nhiệm Nhà tiên tri Mohammed, tách ra thành nhóm riêng. Những người này được gọi là Hồi giáo dòng Shiite.
 
Tuy nhiên những người Hồi giáo Sunni lại xem ba lãnh tụ Hồi giáo trước Ali mới là người dẫn đường sáng suốt. Bản thân người Hồi giáo Sunni cũng xem mình là người kế thừa thực thụ Sunnah – các truyền thống của Nhà tiên tri Mohammed.
 
Các vị lãnh tụ Hồi giáo Sunni sau đó bắt đầu tiến hành hàng loạt cuộc chinh phạt quy mô lớn, mở rộng đế chế Hồi giáo (caliphate - chính quyền nằm dưới sự lãnh đạo của caliph) của họ tới tận Bắc Phi và châu Âu. Đế chế Hồi giáo cuối cùng sụp đổ cùng Đế quốc Ottoman, sau Thế chiến thứ nhất.
 
Niềm tin của họ khác nhau ra sao?
 
Hồi giáo Sunni và Shiite đều bao gồm nhiều học thuyết, quan điểm và trường tư tưởng. Hai nhánh này đồng ý với nhiều khía cạnh của Hồi giáo, nhưng vẫn có sự khác biệt đáng kể với nhau.
 
Đơn cử như người Shiite coi Ali và các lãnh đạo sau ông là lãnh tụ Hồi giáo. Phần lớn tin vào một phả hệ gồm 12 lãnh tụ Hồi giáo, với người cuối cùng – một bé trai – đã biến mất trong thế kỷ thứ 9 ở Iraq, sau khi cha đẻ của cậu bị sát hại. Tới nay, có một nhánh trong Hồi giáo Shiite vẫn mong chờ sự trở lại của vị caliph này. Trong khi đó người Sunni không chấp nhận quan điểm trên.
 
Bởi sự khác biệt về quan điểm nên người Sunni nhấn mạnh vào quyền năng của Thượng đế trong đời thực, đôi khi bao gồm cả đời sống chính trị xã hội. Trong khi đó, người Shiite lại đề cao sự hy sinh và tử vì đạo.
 
Dòng Hồi giáo nào lớn hơn và tập trung ở đâu?
 
Hơn 85% trong số 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo hiện theo dòng Sunni. Họ sống dọc theo thế giới Arab, bên cạnh một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia và Indonesia. Iran, Iraq và Bahrain chủ yếu là người Hồi giáo Shiite.
Người Shiite hành hương tới Karbala vào tháng 12 hàng năm (Nguồn: AP)
Người Shiite hành hương tới Karbala vào tháng 12 hàng năm. (Nguồn: AP)
Gia đình hoàng gia Saudi lại theo một dòng Hồi giáo Sunni rất bảo thủ, được biết tới với tên dòng Wahhabi. Họ kiểm soát một số địa điểm linh thiêng nhất trong Hồi giáo, gồm các thánh địa Mecca và Medina. Trong khi đó, Karbala, Kufa và Najaf tại Iraq lại là các vùng đất thánh với người Hồi giáo Shiite.
 
Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc với một bên là người Sunni chiếm đa số và bên kia là người Shiite nắm vị thế áp đảo, thường có quan điểm khác nhau trong những cuộc xung đột ở Trung Đông. Tại Yemen, phiến quân Houthi ở miền Bắc theo Hồi giáo Shiite và họ tìm cách lật đổ chính quyền của người Hồi giáo Sunni. Điều này đã khiến Saudi mang liên quân tới can thiệp.
 
Ở Syria, nơi người Sunni chiếm đa số, Tổng thống Bashar al-Assad lại xuất thân từ một gia tộc theo dòng Hồi giáo Shiite có tên Alawite. Cuộc nội chiến hình thành do những người Sunni muốn lật đổ chính quyền của người Shiite.
 
Và tại Iraq, những bất hòa cay đắng giữa chính quyền nằm trong tay người Hồi giáo Shiite với các cộng đồng Hồi giáo Sunni, đã dẫn tới việc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – lực lượng lớn mạnh một phần dựa trên sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni -  giành được nhiều thắng lợi quân sự.
 
Theo Linh Vũ (Vietnam+)