.

Điểm tựa nơi biên cương

Thứ Sáu, 08/04/2016, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn 10 năm gắn bó với vùng biên giới phía tây nam huyện Lệ Thuỷ, với sự nỗ lực, tinh thần và trách nhiệm của những người lính, họ đã góp phần tạo nên sự đổi thay rõ nét diện mạo vùng đất này. Những cánh rừng đã lên xanh, những con đường dẫn đến các bản làng rộng mở. Đời sống người dân, đặc biệt là các hộ dân tộc Vân Kiều đang từng ngày khởi sắc. Họ, những cán bộ, chiến sĩ và lao động Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) đã trở thành điểm tựa vững vàng cho người dân nơi biên cương.

Mô hình thử nghiệm cây dứa đã và đang phát huy hiệu quả.
Mô hình thử nghiệm cây dứa đã và đang phát huy hiệu quả.

Cùng với các đồng chí lãnh đạo Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 79, chúng tôi ra thăm một số mô hình thí điểm trồng chuối và dứa tại xã Ngân Thuỷ. Nếu những năm trước đây, để đến được địa điểm sản xuất hiện tại, người dân địa phương phải vượt qua bao khó khăn, thì hiện tại, xe ô tô đã có thể đến tận nơi.

Tháng ba, trải dài trong nắng sớm là những cánh rừng được phủ màu xanh tươi mát của cây lá. Bên cạnh những hàng cao su bắt đầu ra lá mới, cây dứa và chuối, những loại cây mới được trồng thí điểm, vẽ thành những vệt xanh thẳng tắp chạy dọc ngang sườn núi.

Trao đổi với chúng tôi, đại tá Phan Văn Vịnh, Chính uỷ Đoàn KTQP 79 cho biết: Trong tổng số 200 lao động địa phương mà đơn vị tuyển dụng, có 46 lao động là người dân tộc Vân Kiều. Với thu nhập ổn định khoảng 3 triệu đồng/tháng, năm 2015, người lao động đã yên tâm gắn bó và chung tay cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chăm sóc 1.131ha cao su; khai hoang 132ha đất mới.

Đặc biệt trong năm 2015, mặc dù phải đối mặt với điều kiện thất thường của thời tiết, cao su rớt giá, khu vực sản xuất xa khu dân cư, nhưng đơn vị đã duy trì và mở rộng diện tích cao su và các loài cây khác như sắn, chuối, dứa, phát triển và nhân rộng đàn bò cao sản...

Không chỉ ổn định sản xuất, Đoàn KTQP 79 đã có các hoạt động hỗ trợ đời sống dân sinh trên địa bàn. Nếu những năm trước đây, trẻ em đến độ tuổi mầm non phải đi học xa, một số không có điều kiện đến lớp, thì nay đơn vị đã đầu tư xây dựng các điểm trường mầm non, nhà trẻ, tuyển dụng đầy đủ cán bộ, giáo viên đứng lớp, tạo điều kiện thuận lợi con em dân bản theo học.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Lê Kim Anh, sinh năm 1986 cho biết: "Nhà trẻ đội 1 được xây dựng từ ba năm trước. Và năm nay tiếp tục được đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ trị giá gần 300 triệu đồng. 25 cháu là con em công nhân lao động của Đoàn KTQP 79 đã có nơi vui chơi, học tập, bố mẹ các cháu cũng yên tâm hơn!". Cô Anh cùng ba đồng nghiệp khác là Phan Thị Thùy Nhung (SN 1989), Trần Thị Liễu (SN 1989) và Ngô Thị Liễu (SN 1988) đều đã lập gia đình và sinh sống ổn định tại đây.

Dù đến từ những miền quê khác nhau, nhưng họ đã chọn nơi đây để "an cư lạc nghiệp", nỗ lực cùng Đoàn KTQP 79 trở thành điểm tựa vững chắc cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Và đồng hành cùng những công nhân, lao động của mình, Đoàn KTQP 79 đã hỗ trợ các gia đình định cư tại đây mỗi hộ 10 đến 25 triệu đồng để dựng nhà, ổn định cuộc sống. Để rồi giữa màu xanh cây lá, mọc lên những ngôi nhà rộn rã tiếng cười trẻ thơ và những ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương...

 Nhà trẻ đội 1 (xã Ngân Thủy) được đầu tư xây dựng khang trang.
Nhà trẻ đội 1 (xã Ngân Thủy) được đầu tư xây dựng khang trang.

Và giữa tháng 3-2016, một tin vui nữa lại đến với bà con 3 xã Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy khi Bệnh xá quân dân y với tổng vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng được khánh thành. Bệnh xá hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 79 và hàng nghìn hộ dân ba xã, trong đó có rất đông đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Trong ngày khánh thành, chị Hồ Thị Hoàng (SN 1990,  bản Rào Đá, xã Ngân Thủy) vui mừng chia sẻ: Từ nay con mình, chồng mình đau ốm đã có thêm bệnh xá và bác sĩ chăm sóc, chữa trị. Mình và bà con dân bản rất vui, rất yên tâm...

Dấu ấn của Đoàn KTQP 79 ngày càng đậm nét trong lòng người dân địa phương và miền đất phía tây nam huyện Lệ Thủy. Bản Eo Bù - Chút Mút (xã Lâm Thủy) và bản Làng Ho (Kim Thủy) đã sáng bừng ánh điện từ sự đầu tư của đơn vị với tổng nguồn vốn gần 27 tỷ đồng. Điện về bản đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân nơi đây, từng bước đưa ánh sáng văn minh về với bản làng, góp phần đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu. Và còn nhiều công trình khác như đường, cầu, nhà tái định cư... trị giá hàng chục tỷ đồng được xây dựng hoàn thành đã và đang mang lại diện mạo mới cho vùng đất này.

Dù phía trước vẫn còn nhiều những khó khăn, nhưng với quyết tâm của những người lính, Đoàn KTQP 79 vẫn luôn nỗ lực sát cánh cùng nhân dân ba xã Ngân Thủy, Lâm Thủy và Kim Thủy trên hành trình phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh biên giới. "Nuôi rừng để rừng nuôi", "lấy ngắn nuôi dài", cùng nhau "an cư lạc nghiệp", chung tay vì hạnh phúc và bình yên của nhân dân là những hướng đi mà Đoàn KTQP 79 đã lựa chọn và quyết tâm thực hiện hiệu quả, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân.

Ngọc Mai