.

Những tín hiệu vui từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng giáo xã Phúc Trạch

Thứ Năm, 24/04/2014, 08:51 [GMT+7]
Lãnh đạo Công an tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích cao trong phong Toàn dân trào bảo vệ ANTQ ở xã Phúc Trạch. Ảnh: Quang Văn
Lãnh đạo Công an tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích cao trong phong Toàn dân trào bảo vệ ANTQ ở xã Phúc Trạch. Ảnh: Quang Văn

(QBĐT) -  Phúc Trạch là một xã miền núi của huyện Bố Trạch, có 2.753 hộ với 11.428 nhân khẩu, trong đó có 96% đồng bào theo đạo Công giáo tham gia sinh hoạt tại 2 giáo xứ và 6 giáo họ.

Trên địa bàn có 2 nhánh đường Hồ Chí Minh đi qua, là tuyến đường huyết mạch phục vụ việc giao lưu, phát triển kinh tế-xã hội của 3 xã Phúc-Lâm-Xuân cũng như hoạt động khai thác du lịch của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và động Thiên Đường, đã làm cho lượng người từ nhiều nơi khác đến làm ăn, buôn bán, du lịch... ngày một đông, trong đó có không ít đối tượng phạm pháp hình sự, kinh tế hoạt động làm cho tình hình ANTT trên địa bàn xã diễn biến khá phức tạp.

Trong những năm trước đây, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở xã Phúc Trạch với mô hình "Họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận" làm điểm tựa, đã đóng góp to lớn đưa xã Phúc Trạch 7 năm liền (2000-2007) được công nhận là Đơn vị xuất sắc của tỉnh và được Bộ Công an tặng cờ "Đơn vị xuất sắc" trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, mô hình "Họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận" tạm dừng hoạt động, đã khiến cho phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ có chiều hướng đi xuống.

Trước tình hình thực tế đặt ra, muốn bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn thì phải làm tốt công tác phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó phải nghiên cứu lựa chọn những mô hình cụ thể, phù hợp để thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Vì vậy, ngày 21-6-2013, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, trong đó thống nhất củng cố và xây dựng lại mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận" và lấy khu dân cư là đơn vị cơ sở để triển khai thực hiện mô hình.

Mục đích của việc xây dựng mô hình nhằm giúp cho đồng bào công giáo trong toàn xã nâng cao nhận thức, hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với quê hương, đồng thời động viên giáo dân "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "kính chúa yêu nước", tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh không có tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, họ đạo văn hóa, thực hiện có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới bền vững.

Phải nói rằng, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và với sự chia sẻ có trách nhiệm của các vị linh mục, các vị chức sắc, chức việc, mô hình ''Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận'' được khôi phục nhanh chóng và đi vào cuộc sống. Sự hồi sinh của mô hình là sự tiếp nối và phát triển của phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; là sự kế thừa, mở rộng và phát huy những kinh nghiệm, kết quả, bài học của việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước "sống tốt đời đẹp đạo'' của đồng bào công giáo.

Hưởng ứng phong trào, chỉ trong vòng một tháng, thôn 3 Phúc Đồng đã xây dựng xong mô hình, thành lập 16 tổ nhân dân tự quản với gần 350 hộ dân tham gia. Sau đó mô hình được lan tỏa đến các khu dân cư, các họ đạo, các thôn xóm trong toàn xã. Đến nay, toàn xã đã thành lập được 104 tổ nhân dân tự quản, tại 12 thôn các tổ ANND, tổ hòa giải và tổ tuần tra đều đã được xây dựng, củng cố và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Đặc biệt, xuất phát từ thôn 2 Phúc Đồng, ''tiếng kẻng an ninh'' đã được thực hiện tại 12 thôn trong toàn xã vào thời điểm 22 giờ hằng ngày, nhằm thông báo cho nhân dân biết đêm đã về khuya, phải bảo đảm sự yên tĩnh chung cho cộng đồng và đây cũng là hiệu lệnh để tổ tuần tra của thôn triển khai công tác; việc thực hiện ''tiếng kẻng an ninh'' một cách đều đặn đã góp phần tạo ra nền nếp sinh hoạt lành mạnh, đúng mực, giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Thời, Trưởng thôn 2 Phúc Đồng cho biết "tiếng kẻng an ninh'' có nhiều tác dụng: nhắc nhở bà con kiểm tra nhà cửa, tài sản, nâng cao cảnh giác đề phòng các hiện tượng tiêu cực xảy ra; nhắc nhở các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt văn hóa đúng giờ giấc; báo động, huy động lực lượng nhanh chóng kịp thời ứng phó khi có cháy rừng và các vấn đề khác nảy sinh...

Thời gian hoạt động của mô hình ''Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận'' chưa dài, nhưng đã có những tác động tích cực đáng phấn khởi, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn xã, tình hình hoạt động của các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, các vụ việc và đối tượng giảm so với năm 2012; trong đó đáng chú ý là tinh thần đấu tranh tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên, bà con giáo dân đã mạnh dạn phát biểu đấu tranh với những trường hợp vi phạm tại các buổi họp dân, đồng thời cung cấp cho lực lượng Công an gần 50 tin báo, góp phần cùng lực lượng Công an đẩy mạnh công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ông Nguyễn Thăng Hiến, Phó Chủ tịch UBMTTQVN xã chia sẻ: Mô hình đã tạo tiền đề và điều kiện thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân bằng hình thức tự quản. Hoạt động của mô hình đã tạo sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, góp phần xây dựng lực lượng chính trị gắn bó với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị và ANTT trên địa bàn khu dân cư và các xứ, họ đạo.

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng phải khẳng định phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung, trong đó mô hình "Xứ, họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận" cần được tiếp tục củng cố, rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Xuân Hoài