.

Điểm sáng vùng biên cương

Thứ Bảy, 01/03/2014, 15:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Làng Ho đã có nhiều biện pháp giúp nhân dân 2 xã vùng biên giới huyện Lệ Thuỷ phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh. Kết quả đó là tiền đề quan trọng để nhân dân phát huy vai trò trách nhiệm cùng tham gia với Bộ đội Biên phòng bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới.

>> Vững vàng nơi biên giới

Địa bàn Đồn Biên phòng Làng Ho quản lý gồm 2 xã Kim Thủy, Lâm Thủy, huyện Lệ Thuỷ với 1.340 hộ/5.274 khẩu, trong đó dân tộc Vân kiều chiếm hơn 70%. Những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

Tuy nhiên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Bà con chủ yếu sống dựa vào rừng, chỉ có một số bản như: bản Eo Bù-Chút Mút, bản Bạch Đàn có đất biền bãi trồng hoa màu; bản Tân Ly có ruộng lúa nước, còn lại sản xuất bấp bênh, nên có trên 80% số hộ nghèo và thiếu đói thời kỳ giáp hạt phải nhờ Nhà nước trợ cấp. Từ thực tế đó đã đặt ra cho cán bộ, chiến sỹ của đơn vị trách nhiệm  giúp dân xoá đói, giảm nghèo và coi đây là nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Để làm được điều đó, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã ra nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo nhiệm vụ giúp nhân dân vùng biên giới xóa đói giảm nghèo, xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh gắn với thực hiện phong trào "Bội đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn phụ trách. Công việc đầu tiên mà đơn vị triển khai là, tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, bố trí, sắp xếp khu dân cư, để giúp dân định cư có nhà ở vững chắc, có ruộng để sản xuất. Mục tiêu mà đơn vị phấn đấu đạt được là, mọi người dân trên địa bàn ai cũng có một mái ấm, có công ăn việc làm.

Việc đầu tiên mà đơn vị chọn để thực hiện là giúp bà con ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy làm thành công mô hình ruộng lúa nước. Bản Tân Ly có 52 hộ gia đình là người Vân Kiều, xưa nay chủ yếu dựa vào rừng làm nương rẫy tự nhiên, chưa có thói quen trồng cây lúa nước, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn của bản diện tích đất có khả năng làm ruộng lúa nước tương đối nhiều, có nguồn nước suối chảy quanh năm, nhưng do tập tục của đồng bào dân tộc Vân Kiều nên lâu nay chưa ai làm.

Để thực hiện mô hình này, Ban chỉ huy Đồn đã báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, thành lập một tổ chuyên trách gồm những đồng chí có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp trực tiếp tham gia mô hình làm lúa nước cho bản. Với diện tích khai hoang canh tác 20.000m2; đơn vị đã cử lực lượng tham gia cùng nhân dân bản Tân Ly hơn 1000 ngày công, với tinh thần làm việc không quản khó khăn vất vả, "bắt tay, chỉ việc" vừa làm vừa hướng dẫn cho nhân dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trồng lúa nước.

Sau gần 6 tháng bền bỉ tổ công tác đã hướng dẫn cho người dân thực hiện thành thạo khâu làm đất, bón lót, gieo giống, chăm sóc, đến khâu thu hoạch lúa nước. Từ khi hoàn thành mô hình này, hàng năm nhân dân ở bản Tân Ly đã tổ chức sản xuất mỗi năm 2 vụ năng suất lúa đạt 4,2 tấn/ha. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, tất cả 52 hộ dân bản không còn lo bị đói vào các tháng giáp hạt nữa. Đây là công trình không những có giá trị về kinh tế, mà còn có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, từng bước làm chuyển đổi nhận thức, thói quen, tập quán canh tác của đồng bào dân tộc.

Bộ đội Biên phòng dạy chữ cho dân.
Bộ đội Biên phòng dạy chữ cho dân.

Một thành quả đáng ghi nhận nữa của Đồn Biên phòng Làng Ho là giúp dân làm nhà xóa mái tranh tre dột nát. Trước đây, bản Tân Ly là cụm dân cư sống rải rác, thưa thớt trên các sườn đồi, nhà cửa chủ yếu làm bằng tre nứa lợp tranh, khi mùa mưa bão đến, đồng bào phải chịu cảnh nhà cửa dột nát, ảnh hưởng đến, cuộc sống sinh hoạt của bà con.

Xuất phát từ cuộc vận động xóa mái nhà tranh cho đồng bào nơi biên giới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã động viên cán bộ, chiến sỹ đơn vị đề cao ý thức trách nhiệm, xác định được ý nghĩa nhân văn của chương trình xóa mái nhà tranh cho đồng bào nơi biên giới. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch thống nhất với cấp uỷ, chính quyền địa phương xã Lâm Thủy, chỉ đạo Đội vận động quần chúng tiến hành khảo sát, lựa chọn các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn trên địa bàn, lập kế hoạch dự trù kinh phí làm nhà, hồ sơ thiết kế mẫu, loại nhà phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào để đề nghị cấp trên xét duyệt, cấp kinh phí.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã thường xuyên đôn đốc, phân công cán bộ, thành lập 1 tổ gồm 5 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí chỉ huy phụ trách; tiến hành khảo sát, hợp đồng thợ mộc, quan hệ với các ban ngành có liên quan; tiến hành công tác vận động đối với các gia đình được lựa chọn hỗ trợ làm nhà và bà con, dòng họ nhằm tận dụng nguồn lực về kinh tế, công sức của gia đình, dòng họ trong việc làm nhà, tạo điều kiện cho gia đình trong diện làm nhà triển khai đúng thời gian, quy trình.

Chỉ huy đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Lệ Thủy, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện hỗ trợ kinh phí đối với việc làm Nhà đại đoàn kết. Ngoài số kinh phí hỗ trợ của UBMTTQVN tỉnh và huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo huỵên đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình 5.000.000 đồng để mua tấm lợp và các loại vật liệu khác. Đơn vị đã tiến hành giúp đỡ hơn 700 ngày công cho các hộ làm nhà, giám sát thi công, san mặt bằng, dựng nhà; quan hệ với các lâm trường và cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hộ gia đình tận dụng đủ số gỗ để làm nhà. Chỉ sau một năm đồn đã hoàn thành 29 căn nhà, với giá trị 31 triệu đồng/ nhà, mang lại niềm vui lớn cho bà con dân bản.

Nhân dân bản Làng Ho, xã Kim Thuỷ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của cho cách mạng, là nơi trung chuyển hàng hoá cho chiến trường miền Nam, là điểm di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh. Trước khi thực hiện đề án, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn về nơi ở, nơi khám chữa bệnh, nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Để giúp đồng bào bớt khó khăn vất vả và là việc làm tri ân đối với công lao đóng góp của đồng bào, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Lệ Thủy lập đề án, nguồn vốn được chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng kêu gọi, Tổng công ty Sabeco tài trợ hơn 3 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục như: xây dựng nhà văn hóa, trạm quân dân y kết hợp, hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, nhà sàn bằng gỗ cho đồng bào, hỗ trợ giống cây trồng do Đồn biên phòng Làng Ho trực tiếp thực hiện.

Quá trình triển khai thực hiện, đơn vị đã tổ chức vận động nhân dân, lấy ý kiến của nhân dân về các nội dung làm nhà, nhân dân đều nhất trí cao về cách thức làm nhà theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Bru -Vân Kiều.

Ban Chỉ huy đồn thường xuyên chỉ đạo tổ công tác tuyên truyền vận động nhân dân, gúp dân phát quang, quy hoạch vườn hộ, cán bộ, chiến sỹ đơn vị đóng góp hơn 600 ngày công giúp đồng bào làm các hạng mục. Đồn đã mua đất, thuê xe chở 485m3 đất đắp trước cổng nhà văn hóa, trạm quân dân y và làm đường nội bản từ trục đường Hồ Chí Minh xuống suối dài 135m rộng 5m và nhánh đường ngang trong bản dài 100m rộng 3m; định hướng các vị trí xây dựng công trình nhà vệ sinh hộ gia đình, làm hàng rào nhà văn hóa và trạm kết hợp quân dân y. Xây dựng 1 nhà văn hoá, 1 trạm quân dân y kết hợp. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh mua sắm trang bị cho nhà văn hóa, trạm quân dân y trị giá 40 triệu đồng, Sở Văn hoá - TT và DL cấp hệ thống loa máy trị giá 40 triệu đồng, Sở Y tế trang cấp các trang thiết bị trị giá 80 triệu đồng. Qua một năm hoạt động, Trạm kết hợp quân dân y đã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân hơn 1.300 lượt người ở 3 bản Mít, Làng Ho, Ho Rum (xã Kim Thuỷ).

Có thể nói bằng sự tận tình giúp đỡ của cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Làng Ho, cuộc sống của người dân 2 xã biên giới Kim Thuỷ, Lâm Thuỷ đã có nhiều đổi thay, khởi sắc. Đơn vị đã trở thành một điểm sáng trên vùng biên cương phía Tây tỉnh ta.

Tr.T