.

Người anh hùng thầm lặng

.
22:15, Thứ Tư, 13/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau gần 40 năm ông Nguyễn Văn Triêm về sinh sống tại quê nhà, nhiều người dân ở Sơn Trạch (Bố Trạch) sửng sốt khi biết người hàng xóm của mình là một chiến sĩ tình báo. Với những chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tháng 3-2011, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
 

Người anh hùng giữa đời thường.
Người anh hùng giữa đời thường.

Câu chuyện được bắt đầu cách đây gần nửa thế kỷ, khi người thanh niên Nguyễn Văn Triêm ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch lên đường nhập ngũ và được lựa chọn vào đội giao thông liên lạc của tình báo Bộ Quốc phòng. Kể từ đó ông biền biệt xa quê.

Năm 1957, ông được biên chế vào đội khảo sát do Tỉnh đội Quảng Bình quản lý. Năm 1962, ông được Bộ Quốc phòng rút qua làm giao liên binh trạm 12 chuyên đưa tài liệu mật từ Hà Nội sang Lào và Thái Lan. Năm 1964,  ông tiếp tục được điều vào đường 9 Nam Lào đưa và bảo vệ cán bộ cao cấp của nước ta vào miền Nam hoạt động. Bắt đầu từ năm 1965, ông đi vào hoạt động bí mật ở tỉnh Khăm Muộn (Lào). Năm 1966, Cục tình báo điều ông về đảm nhận nhiệm vụ điệp báo tại Phòng 76, chuyên đưa đón cán bộ và tài liệu đi vào các chiến trường.

Bước sang năm 1967, chiến trường miền Nam ác liệt, Mỹ leo thang đánh phá bằng không quân ra miền Bắc. Trước tình hình trên, sau Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng chỉ thị cho Cục tình báo sử dụng lực lượng điệp báo đánh vào hai căn cứ sân bay của Mỹ ở nước ngoài, đó là sân bay Uđon và Uta Pao (Thái Lan), là vị trí xuất kích gần nhất của các máy bay B52 đánh phá vào Việt Nam. Tám chiến sĩ tình báo quốc phòng cảm tử đã được lựa chọn thực hiện nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm này, trong đó có ông Nguyễn Văn Triêm. Sau ba tháng huấn luyện chiến thuật tập kích sân bay, cuối tháng 2-1968, hai tổ tập kích trong đó có ông lần lượt được cử ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Có thể nói, căn cứ sân bay Mỹ ở nước ngoài là nơi được canh phòng cẩn mật, được xem là hậu phương bất khả xâm phạm, vì thế đột nhập được vào đây đã khó, để phá hủy được máy bay chiến lược của địch càng khó gấp vạn lần. Nhưng bằng cách đánh bất ngờ, dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, hai tổ điệp báo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyễn Văn Triêm thuộc tổ điệp báo tập kích sân bay thứ hai do đồng chí Bùi Thế Sách chỉ huy. Ngày 26-7-1968, tổ của ông đã đột kích thành công và phá hủy hai máy bay F4, một máy bay vận tải C41, một máy bay lên thẳng, làm hư hỏng đường băng và tiêu diệt 42 tên lính. Thắng lợi giòn giã của trận đánh vừa có ý nghĩa chiến lược đánh thẳng vào sào huyệt của Mỹ và các nước chư hầu vừa là đòn nghi binh thu hút lực lượng địch để một tuần sau đó, tình báo Việt Nam tiếp tục đánh vào sân bay thứ nhất, phá hủy hai máy bay B52 và làm hỏng nặng 2 chiếc khác, đài chỉ huy của địch phải ngừng hoạt động trong vòng 10 ngày.

Đại tá Nguyễn Trọng Tể, hiện đang sinh sống tại tiểu khu 10, phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới), nguyên trưởng phòng điệp báo chiến lược, Cục tình báo, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, tự hào nói: "Trong đời tôi có thể nói, sung sướng nhất là được tham gia nhiệm vụ cực kỳ khó khăn như thế. Mặc dù không trực tiếp ra trận nhưng tôi là người chỉ huy vạch ra kế hoạch tác chiến, anh em chúng tôi đã làm cho máy bay B52 của địch phải tiêu tan tại sân bay U-Đon, gây thiệt hại lớn cho địch!. Hai trận đánh vào sân bay của Mỹ ở nước ngoài đã đi vào lịch sử truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Vợ chồng ông Triêm cùng tìm lại ký ức.
Vợ chồng ông Triêm cùng tìm lại ký ức.

Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, cuối năm 1975 ông Nguyễn Văn Triêm phục viên và trở về quê nhà. Trở về quê hương, ông lặng lẽ lấp hố bom, thu nhặt vật liệu nổ còn lẩn sâu trong đất, cùng bà con khai hoang, phục hóa đồng ruộng. Ông đã biến hàng trăm hố bom thành những thửa ruộng xanh tốt và khai phá hơn 6 ha đất đồi trọc và phủ xanh bằng nhiều loại cây.

Những năm gần đây, phong trào trồng cây cao su tiểu điền ở địa phương phát triển mạnh và mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, gia đình ông cũng đã mạnh dạn nhận thêm đất trồng mới 3 ha cao su và các loại cây ngắn ngày như: sắn, lạc... Đi lên từ hai bàn tay trắng, ông Triêm và gia đình phải đối diện với không ít khó khăn. Nhưng phát huy phẩm chất, bản lĩnh của người chiến sĩ tình báo quốc phòng năm xưa, ông đã mang lại màu xanh cho những cánh rừng những thửa ruộng bằng cây lúa, cây ngô, cao su và thông nhựa. Các con ông được nuôi dạy khôn lớn, trưởng thành, tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương.
Với nhiều người dân Sơn Trạch, ông Nguyễn Văn Triêm là một nhà nông dẻo dai, chí thú công việc đồng áng. Họ quý mến ông bởi lối sống giản dị, chất phác, thật thà. Khi biết ông là một chiến sĩ tình báo quốc phòng với những trận chiến đấu lừng danh,  mọi người càng thêm phần khâm phục và kính trọng.

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, cho biết: "Sức lan tỏa và những ảnh hưởng của ông Triêm rất quý giá. Người dân Sơn Trạch nói chung và các cựu chiến binh nói riêng, đều noi gương ông để nỗ lực phấn đấu. Học tập ông trong việc phát triển kinh tế, xây dựng hội, giáo dục con cháu...và nhất là trong lĩnh vực an ninh trật tự ở địa phương, công tác hòa giải cơ sở. Những công việc này, ông Triêm đều nhiệt tình đảm nhận và hoàn thành tốt!".

Những năm tháng công tác trong ngành tình báo quốc phòng và câu chuyện về trận tập kích sân bay nước ngoài tiêu diệt máy bay Mỹ, có lẽ ông Triêm sẽ giữ mãi trong ký ức cho riêng mình, nếu không có một ngày của tháng 3-2011, khi Cục 25, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng đón ông ra Hà Nội nhận danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng.

                                                            Phương Hiền



 

,