.

Những câu chuyện không quên về thủ trưởng của tôi

.
13:59, Thứ Tư, 18/07/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tôi là một công an - cảnh sát từ đầu đến chân. Hiểu theo nghĩa nào cũng được. Hơn 36 năm qua, trừ khi đi học, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tôi chủ yếu chỉ làm một nghề: Điều tra tội phạm.

Thú thực, qua các vụ án gay cấn, giải quyết các tình huống nghiệp vụ phức tạp cũng làm cho tôi  trăn trở, chiêm nghiệm. Nhưng trong tôi còn lắng sâu hơn là bài học từ câu chuyện không quên của những người Thủ trưởng đã giúp đỡ, dắt dìu và chỉ đạo Tôi trên mỗi bước đường công tác, chiến đấu.

Tôi không thể nào quên những ngày Thu năm 1981, khi đang làm việc ở Phòng Chấp pháp Công an tỉnh Bình Trị Thiên. Tôi thụ lý vụ án mà bị can chính là một phụ nữ đã ở tuổi gần về hưu. Gọi bà ta đến làm việc, hễ ngồi vào ghế là bà ta nói liền một mạch, cứ y như cái máy đã cài sẵn chương trình. Mới làm nghề điều tra, còn thiếu kinh nghiệm, tôi rất khó ngắt lời bà ta. Đôi lúc cứ để nói cho xong chuyện. Một lần, “tình cờ” thủ trưởng đơn vị đi qua, thấy tôi chỉ ngồi nghe mà không ghi chép gì. Như đoán được cái khó của tôi, thủ trưởng đi thẳng đến bàn làm việc. Tôi vội vàng đứng dậy, nhường ghế cho thủ trưởng nhưng Ông đã ra hiệu cho tôi ngồi nguyên tại chỗ. Ông đứng cạnh tôi, nghiêm nghị, hướng về phía bị can, chậm rãi nói: “Ở đây, người ngồi đối diện với chị là đại diện cho Nhà nước, pháp luật, công quyền... Chị là bị can, có thể được trình bày ý kiến nhưng trước hết là lắng nghe câu hỏi, trả lời rõ những vấn đề mà cán bộ điều tra nêu ra, án tại hồ sơ, sai phạm của Chị thể hiện trong chứng từ, tài liệu, không phải cứ thanh minh, chối tội mà bỏ hết sai phạm được...”. Dù vẫn cố giải thích thêm nhưng trước lý lẽ sắc bén, thái độ nghiêm khắc, lời lẽ ôn tồn của thủ trưởng đã làm cho chị ta chuyển thái độ, từ đó không còn bù lu bù loa nữa. Khi kết thúc điều tra, có lần con dâu bà ta gặp đồng chí trinh sát phụ trách địa bàn nói lại: “Cám ơn các anh Công an quá, không biết các anh đã làm cách gì mà mẹ chồng tôi hiền hẳn ra, gia đình yên ắng, không còn cảnh mẹ chồng lúc nào cũng ra rả dạy nàng dâu”. Biết chuyện, tôi  nghĩ thầm “công của thủ trưởng tôi đấy !”

Thực hiện Nghị định 250/CP của Chính phủ, Phòng Cảnh sát điều tra xét hỏi được thành lập. Tôi có một thủ trưởng trực tiếp mới, lúc này tôi được chọn làm cán bộ tổng hợp của phòng, cái khó nhất trong công việc là tập hợp số liệu để làm báo cáo tháng. Tỉnh dài, huyện xa, phương tiện liên lạc chủ yếu chỉ là điện thoại hữu tuyến, đến kỳ báo cáo, tôi ôm cái máy điện thoại quay tay đăng ký qua tổng đài bưu điện gọi về các huyện, có ngày, từ sáng tới chiều hò hét khan cả cổ mà chỉ lấy được số liệu ở vài đơn vị. Trong một bữa cơm, chỉ có hai người, Trưởng phòng ôn tồn nói với tôi: “Đúng ra là các huyện phải báo cáo cho mình tổng hợp, không phải điện đóm khổ cực vậy đâu, nhưng ở cơ sở nhiều việc lắm, có nơi lại không có người chuyên việc báo cáo, nên chủ yếu phải nhẹ nhàng động viên hướng dẫn, nhắc nhở họ, có khi phải nhờ họ giúp đỡ, mình ra mệnh lệnh không được đâu”. Đúng! Vì công việc, lại ỷ thế cấp tỉnh, có phần “dựa hơi” thủ trưởng nên trong lời lẽ của tôi có khẩu khí bề trên, bắt buộc, đòi hỏi, cứng nhắc... Lời thủ trưởng thật là thấm thía. Sau này cứ mỗi lần cầm máy điện thoại tôi lại có cảm giác như thủ trưởng đang đứng bên cạnh, nhất là khi gọi về cơ sở.

Năm 1986, khi làm Phó trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát, Tôi được làm việc với một thủ trưởng có chức vụ cao hơn. Nói là làm tham mưu nhưng công việc chính là làm báo cáo, đủ loại báo cáo: tuần, tháng, quý, 6 tháng, năm, chuyên đề, đột xuất... Nghĩa là cứ bò ra trên giấy mỗi ngày. Gần 30 năm đã trôi qua, tập bản thảo báo cáo năm nào với đủ loại giấy, chữ viết tay bằng mực Cửu Long bơm từ lọ thủy tinh ra bút máy nay đã ngả màu, tôi rưng rưng lật lại, có lúc không kìm được cảm xúc của lòng mình khi gặp những trang chi chít ký hiệu, ngoặc lên, ngoặc xuống... mà thủ trưởng đã sửa chữa cho tôi. Đương nhiên trong tập tài liệu ấy cũng có những bản chỉ có chữ ký của thủ trưởng với vỏn vẹn hai chữ “đánh máy”. Được vậy là đã qua một thời gian dài rèn chữ, luyện câu một cách nghiêm túc từ những ý tứ của thủ trưởng đã nêu ra trong những lần trước.

Năm tháng trôi qua, tôi có dịp được đi làm việc với đồng chí Giám đốc Công an tỉnh. Mùa hè năm ấy, có một vụ án xảy ra ở Đồng Hới, dư luận xôn xao lắm, tôi vinh dự được ngồi cùng xe với đồng chí Giám đốc từ Huế ra Đồng Hới để họp với đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong tâm trạng lo lắng đến công việc, lại có phần “sợ” vì rất ít khi ngồi gần thủ trưởng nên tôi chỉ ngồi yên không nói được câu nào. Khi xe đã qua tỉnh Quảng Trị bây giờ, bỗng thủ trưởng hỏi tôi, đại ý: Theo cậu, làm lãnh đạo như Giám đốc Công an tỉnh cần nhất là cái gì? Tuy bất ngờ, nhưng tôi cũng trả lời được vài ý theo lý luận chung. Ông bảo tôi: Cậu nói đúng, không sai, nhưng cụ thể hơn thì làm lãnh đạo là phải siêng năng, chú ý sắp xếp công việc theo kế hoạch để ngoài tham gia hội nghị, họp hành thì phải siêng để xử lý công văn tài liệu hàng ngày, giải quyết việc đột xuất, có thời gian để đi thực tế, về cơ sở...Cho đến bây giờ, hai chữ “siêng năng” mà thủ trưởng tôi giải đáp câu hỏi của chính mình đưa ra như là một mệnh lệnh cho tôi mỗi sáng thức dậy.

Chuyện mới đây thôi, có lẽ Tôi sẽ không bao giờ quên! Không, tôi phải khẳng định rằng mãi mãi không quên kỷ niệm khi tôi về làm Trưởng Công an huyện. Ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ mới, tôi ngồi cùng xe chở đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, đồng chí Giám đốc không  nói gì to lớn kiểu như làm “công tác chính trị tư tưởng” mà chỉ động viên tôi chú ý giữ gìn sức khỏe, khắc phục khó khăn khi xa nhà, phương tiện đi lại... Cảm nhận được sự chân tình sâu sắc, nhưng tôi lại nói đùa với đồng chí Trưởng phòng Tổ chức rằng tôi có cảm giác như “ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em tới trường”. Mọi người đều cười lên vui vẻ, rất nhanh sau đó xe đã đến trụ sở Công an huyện, làm việc ngay với tập thể Đảng ủy, chỉ huy Công an huyện. Sau các thủ tục hành chính thông thường, đồng chí Giám đốc dặn dò: “Để đồng chí Trưởng Công an huyện mới hoàn thành được nhiệm vụ cần rất nhiều sự ủng hộ của tập thể Đảng ủy, chỉ huy. Tuy là cán bộ luân chuyển nhưng đồng chí Trưởng Công an huyện phải là một bộ phận hữu cơ, gắn bó trong tập thể lãnh đạo ở địa phương để tổ chức thực hiện tốt mọi nhiệm vụ” . Tôi đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cũng nhờ thực hiện đúng tinh thần đó, dù bản thân ở cương vị cao nhất cơ quan, là người đưa ra ý kiến quyết định, song bài học về sự đoàn kết, lãnh đạo tập thể, dân chủ bàn bạc, động viên CBCS... của thực tiễn công tác ở địa phương luôn đưa lại giá trị thực và còn nguyên vẹn trong tôi.

Thủ trưởng của tôi, nay có người trở thành thiên cổ, người đã nghỉ hưu, người đang đương nhiệm... Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 - 20-7-2012), cho tôi được thành tâm nói lời biết ơn thủ trưởng vì đã giúp đỡ, dìu dắt, chỉ đạo tôi cũng như hàng ngàn CBCS phấn đấu, trưởng thành, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân và ngành giao phó.

                                                                          Đại tá Nguyễn Văn HIệu

                                                                         Phó Giám đốc Công an tỉnh

,