Nhân hội thảo "Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971 - Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử":

Quân dân Quảng Bình trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971

Cập nhật lúc 11:00, Thứ Hai, 12/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là từ năm 1964 - 1973, trực tiếp đối mặt với cuộc chiến trang phá hoại của đế quốc Mỹ, Quảng Bình vinh dự được cả nước tin yêu giao phó trọng trách lịch sử: làm địa bàn trung chuyển chiến lược, chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Can đảm vượt lên mọi đau thương, mất mát, bất chấp sự đánh phá khốc liệt của kẻ thù, Đảng bộ, nhân dân, LLVT Quảng Bình vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh bại các bước leo thang chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời trực tiếp đưa lực lượng vào phối hợp phục vụ chiến đấu và chiến đấu với quân dân Trị - Thiên ruột thịt, mà trong đó tiêu biểu là Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào mùa xuân năm 1971.

Sau những thất bại nặng nề trên chiến trường miền Nam buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang và thay đổi chiến lược "Chiến tranh cục bộ" bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Từ cuối năm 1969 đến nửa đầu năm 1970, đế quốc Mỹ đã có những bước phiêu lưu quân sự mới, mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Đông Dương. Đây là những thử nghiệm lớn đầu tiên điển hình của chính sách "dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương" trong chiến lược chiến tranh mới của Mỹ.

Trước sự phát triển mới của cục diện chiến tranh, ngày 19-6-1970, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp, ra nghị quyết  về "Tình hình mới ở bán đảo Đông Dương và nhiệm vụ mới của chúng ta", đề ra những chủ trương, biện pháp lãnh đạo đưa cách mạng nước ta tiến lên giành thắng lợi mới quyết định. Tiếp thu chủ trương lãnh đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, Đảng ủy- Chỉ huy Tỉnh đội đã kịp thời triển khai quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy cho Đảng bộ và toàn thể cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang để xác định tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, bổ sung quân số, biên chế đủ các tiểu đoàn, đại đội bội đội địa phương tỉnh và các huyện, thị xã, ưu tiên cho các đơn vị dự kiến sẽ vào chiến trường; bố trí lại lực lượng tại chỗ, điều chỉnh thế trận phòng thủ phù hợp, sẵn sàng đối phó với âm mưu thủ đoạn chiến tranh của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương ngay trong cả tình huống địch đánh phá lớn vào địa bàn. Đối với nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải, giao cho các huyện đội, thị đội và lực lượng công binh bộ đội địa phương trực tiếp quản lý, điều hành các bến phà, ngầm, bến vượt trên địa bàn của mình; lấy toàn dân làm lực lượng cơ bản phục vụ việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, lập nhiều kho phục vụ trong dân, giao cho nhân dân bảo vệ.

Lực lượng này do Ban chỉ huy xã đội các xã trực tiếp chỉ huy, quản lý, điều động. Riêng lực lượng hỏa tuyến đưa vào phục vụ chiến đấu trên chiến trường, Tỉnh đội chỉ đạo các Ban chỉ huy huyện, thị đội phối hợp với chính quyền các địa phương, các trường chuyên nghiệp nắm chắc nhân lực (chủ yếu là dân quân, thanh niên, học sinh), dự kiến tổ chức mỗi huyện, thị 1-2 tiểu đoàn theo hình thức quân sự hóa, bộ khung chỉ huy sẽ là cán bộ huyện đội, xã đội, bảo đảm thật chủ động, nếu có lệnh thì chậm nhất sau một tuần là lên đường được. Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, công tác chuẩn bị tư tưởng, chuẩn bị thực lực mọi mặt để sẵn sàng đón thời cơ của quân và dân Quảng Bình đã diễn ra một cách chủ động, khẩn trương, hiệu quả; tinh thần khí thế cách mạng của nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh lên cao chưa từng thấy.

Đại tướng Võ Nguyên giáp và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Miền chuẩn bị kế hoạch tác chiến chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Ảnh: T.L

Đại tướng Võ Nguyên giáp và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ tư lệnh Miền chuẩn bị kế hoạch tác chiến

chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Ảnh: T.L

Mặc dù bị thất bại nặng nề trên cả chiến trường Đông Dương, nhưng với bản chất xâm lược, ngoan cố, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục những toan tính chống phá liên minh kháng chiến của 3 nước Việt Nam - Lào - Căm pu chia. Đánh giá đúng bản chất hiếu chiến, phiêu lưu và những âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ - ngụy trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta nhận định: Trong mùa khô năm 1970-1971, địch có thể mở rộng các cuộc tiến công quy mô vừa và lớn bằng lực lượng quân ngụy là chủ yếu, đánh vào vùng Trung - Hạ Lào và vùng Đông - Bắc Căm pu chia.

Mục đích của chúng nhằm đánh phá hành lang chiến lược của ta, "Bóp nghẹt cuống họng" đường chi viện vào miền Nam Việt Nam; thử thách quân Ngụy Sài Gòn trong thực hiện công thức "Bộ binh ngụy + hỏa lực Mỹ" và lập tuyến ngăn chặn cắt đôi chiến trường Đông Dương. Nắm đúng ý đồ  và dự đoán đúng kế hoạch hành quân của địch, Bộ Chính trị quyết định: Mở một chiến  dịch phản công tiêu diệt lớn quân địch trên khu vực đường 9 - Nam Lào, giành thắng lợi lớn có ý nghĩa chiến lược, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường Đông Dương, đánh bại một bước cơ bản chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", làm thất bại âm mưu của địch đưa cuộc kháng chiến của ta tiến lên một bước mới. Là hậu phương trực tiếp và là vị trí tập kết, bàn đạp xuất phát của khối chủ lực chiến dịch, quân và dân Quảng Bình bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch trong một không khí hết sức sôi động, khẩn trương.

Chấp hành Nghị quyết của Thường vụ Quân khu ủy và chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh đội Quảng Bình đã nhanh chóng tổ chức 3 tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh (45, 46, 49) và các đại đội 361, 362, 365 bộ đội địa phương  của các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch cùng các tiểu đoàn hỏa tuyến của 6 huyện, thị xã, các trường chuyên nghiệp của tỉnh khẩn trương hành quân vào mặt trận chiến đấu, phục vụ chiến đấu; đến cuối năm 1970, một số đơn vị bộ đội, hỏa tuyến Quảng Bình đã có mặt ở khu vực Bản Đông. Tháng 10 năm 1970, Binh đoàn 70 chủ lực cơ động đầu tiên của quân đội ta được thành lập - Sở chỉ huy Binh đoàn đóng ở khu vực Tây - Nam huyện Lệ Thủy.

Nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là tiêu diệt địch ở hướng Đường 9, đồng thời phối hợp với lực lượng tại chỗ sẵn sàng đối phó tình huống địch tiến công bằng bộ binh ra nam Quân khu 4. Cũng từ cuối năm 1970 đến đầu năm 1971, các đơn vị chiến đấu khối chủ lực lần lượt hành quân vào tập kết an toàn trên địa bàn Quảng Bình.

Theo phương án phục vụ chiến dịch của Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính và cơ quan quân sự, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tự sắp xếp nhường nhà làm kho chứa hàng hóa, nhường chỗ cho bộ đội ngủ, tổ chức các điểm phục vụ nước uống, tặng quà cho các đơn vị huấn luyện diễn tập, cả trên đường quân ta hành quân đi qua; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định "phòng gian bảo mật", bảo vệ an toàn nơi bộ bội đóng quân, ngụy trang bến bãi, kho tàng..., tạo mọi điều kiện tốt nhất cả vật chất và động viên tinh thần cho bộ đội trước khi vào mặt trận.

Để đối phó với các hoạt động đánh phá của địch vào hậu phương chiến dịch, lực lượng phòng không thường trực của tỉnh gồm Tiểu đoàn 9 pháo cao xạ 37 ly, 108 phân đội súng máy cao xạ 14 ly 5, 12 ly 7 và súng máy bộ binh của bộ đội địa phương, dân quân - tự vệ được lệnh cơ động đến bố trí ở các điểm xung yếu như cầu, ngầm, kho tàng, bến bãi, trận địa tên lửa, phối hợp với bộ đội phòng không chủ lực đánh máy bay địch, bảo vệ mục tiêu. Lực lượng "tay cày, tay súng" kết hợp sản xuất với sẵn sàng đánh địch, bảo vệ nhân dân.

Trên tuyến biển, 4 đại đội pháo binh 85 ly của tỉnh và Đại đội Pháo binh nữ dân quân Ngư Thủy, Bảo Ninh kết hợp huấn luyện với sẵn sàng đánh tàu chiến địch, phối hợp với dân quân địa phương chốt giữ tuyến ven biển và nắm tình hình của địch trên vùng biển gần. Trên hai tuyến biên giới, bờ biển, lực lượng dân quân - tự vệ phối hợp với lực lượng công an nhân dân vũ trang và các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn triển khai phương án đánh gián điệp, biệt kích; hiệp đồng tuần tra bảo vệ các mục tiêu quan trọng như bến cảng, cửa lạch, kho tàng; tổ chức các vọng quan sát dọc tuyến biên giới Việt - Lào và ven biển.

Tiếp đó, Tỉnh đội đã cử 2 đoàn cán bộ về các khu vực phòng thủ trọng yếu của tỉnh ở đông - nam Lệ Thủy và khu vực nam - bắc sông Gianh nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phương án đánh địch tấn công bằng bộ binh, tổ chức diễn tập hiệp đồng chiến đấu với lực lượng cấp trên bảo vệ địa bàn. Cùng thời gian trên, các hoạt động trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải cũng diễn ra hết sức khẩn trương, sôi động. Lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hàng nghìn dân quân, thanh niên Quảng Bình (được tổ chức theo hình thức quân sự hóa, do cán bộ huyện đội, thị đội trực tiếp chỉ huy) cùng với lực lượng thanh niên xung phong của các tỉnh bạn, bộ đội công binh và lực lượng Đoàn 559, ngày đêm lao động quên mình, tiếp tục nâng cấp tuyến trục dọc (đường 15A, Quốc lộ 1A), mở mới hàng trăm ki lô mét đường ngang, hàng nghìn ki lô mét đường vòng tránh các trọng điểm. Bên cạnh đó,lực lượng phục vụ chiến dịch của Quảng Bình còn trực tiếp tham gia thi công tuyến đường ống sông Gianh - đường 10 - đường 18-Xê Băng Hiên vào đến bắc Đường 9...

Nhờ vậy, khối lượng nhiên liệu vận hành theo đường ống đến tuyến 559 trong mùa khô 1970 - 1971 tăng gấp 10 lần vận tải cơ giới trong mùa khô 1968-1969.  Ngày 30 tháng 1 năm 1971, được quân Mỹ yểm trợ phía sau, ngụy quyền Sài Gòn huy động hơn 3 vạn quân mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" tiến đánh vào khu vực đường 9 - Nam Lào. Đây là cuộc hành quân lớn nhất, điển hình nhất theo công thức "Việt Nam hóa" cuộc chiến của đế quốc Mỹ.

Ngày 31-1-1971, Trung ương Đảng ta kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sỹ trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào: Trận này là một trận có ý nghĩa về chiến lược. Quân đội ta nhất định phải đánh thắng. Quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang: tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến.

Chiến dịch phản công của quân ta trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào bắt đầu! Cùng với bộ đội toàn mặt trận, các đơn vị bội đội địa phương Quảng Bình tham gia chiến dịch đã phát huy cao độ truyền thống quê hương Hai giỏi, dũng cảm, mưu trí, phối hợp tác chiến, độc lập chiến đấu diệt nhiều sinh lực địch, lập được nhiều chiến công xuất sắc, được Bộ Tư lệnh chiến dịch điện biểu dương, khen ngợi. Bám sát lực lượng chiến đấu, các đơn vị hỏa tuyến phục vụ chiến dịch đã không quản ngại hy sinh, ác liệt, ngày đêm liên tục chuyển thương, tiếp tế đạn dược, lương thực, bảo đảm cho bộ đội duy trì sức mạnh chiến đấu trong suốt thời gian chiến dịch.

Ngày 8-3-1971, Đại đội 3 hỏa tuyến Quảng Bình (104 đồng chí) từ mặt trận gửi "Quyết tâm thư" cho Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch "xin hứa phát huy truyền thống quê hương Hai giỏi, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu" trong chiến dịch. Kèm theo thư quyết tâm là 88 chữ ký bằng máu của các đồng chí nam và 16 nắm tóc của các đồng chí nữ. Đại đội hỏa tuyến Đồng Hới làm nhiệm vụ tiếp chuyển vũ khí, lương thực cho chiến dịch đã nâng mức gùi hàng từ 20 lên 30 rồi 40 ki lô gam/một người/một chuyến; có đồng chí gùi tới 50-60 ki lô gam một chuyến, đơn vị đã hoàn thành vượt mức 85% chỉ tiêu khối lượng, tập thể đại đội và 2 đồng chí được tặng Huân chương chiến công hạng nhì, hạng ba, 12 đồng chí khác được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ".

Với những thành tích xuất sắc trong phục vụ chiến dịch, 2 đại đội hỏa tuyến Quảng Trạch (quân số 285 người) đã được Bộ Tư lệnh chiến dịch đề nghị tặng 3 Huân chương Chiến công hạng ba cho tập thể, 16 Huân chương Chiến công hạng ba cho cá nhân, 16 đồng chí được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ" và nhiều bằng khen, giấy khen cho cán bộ, chiến sỹ.  Hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng chiến đấu trên mặt trận đường 9 - Nam Lào, trong các ngày 4, 21, 22, 23 tháng 3 năm 1971, lực lượng phòng không ba thứ quân trên địa bàn tỉnh nêu cao cảnh giác, kịp thời nổ súng bắn rơi 7 máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn hậu phương chiến dịch, được Bộ tổng Tư lệnh gửi điện khen ngợi. Trên tuyến biên giới, lực lượng dân quân và công an nhân dân vũ trang tích cực tuần tra, kịp thời phát hiện, truy lùng, tiêu diệt 3 toán (6 tên) biệt kích Mỹ - ngụy xâm nhập địa bàn họat động do thám, phá hoại.

Sau 43 ngày đêm ngoan cường chiến đấu, ngày 23-3-1971, chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, một chiến dịch phản công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc thắng lợi. Trên 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu. Quân ngụy Sài Gòn, lực lượng nòng cốt thực hiện "Học thuyết Ních Xơn" bị một đòn chí mạng. Ngày 31 tháng 3, Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sỹ mặt trận Đường 9 - Nam Lào "Đánh giỏi, thắng giòn giã, đã lập công xuất sắc". Với hàng vạn người chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ hậu phương, bảo đảm chiến dịch và gần 7.000 bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp có mặt làm nhiệm vụ ngoài mặt trận, quân và dân Quảng Bình rất vinh dự, tự hào là đã được đóng góp công sức, xương máu xứng đáng vào chiến công vô cùng to lớn đó.

Hậu phương là nơi quyết định sức mạnh chiến đấu của bộ đội ngoài mặt trận. Ý thức được vai trò, vị trí chiến lược của địa bàn, quân và dân Quảng Bình quyết không bao giờ thỏa mãn với kết quả đã đạt được, ngày càng nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ hy sinh, tiếp tục làm tròn trách nhiệm hậu phương các chiến dịch quân sự lớn của quân đội ta; hoàn thành trách nhiệm lịch sử mà Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương - Bộ tổng Tư lệnh và Quân khu tin cậy giao phó, cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước tiến lên "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm quý báu về phối hợp hiệp đồng tác chiến và bảo đảm chiến đấu trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đối với lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Cùng với độ lùi của lịch sử, những bài học lớn đó cần được nghiên cứu, làm rõ hơn và cần được tổng kết một cách nghiêm túc. Trên cơ sở đó mà cấp ủy, chỉ huy quân sự các cấp tiếp thu, vận dụng sáng tạo và phù hợp với quá trình thực hiện đường lối đổi mới, bảo vệ và xây dựng quê hương, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển lý luận và ứng dụng vào thực tiễn nhiệm vụ xây dựng hậu phương, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, có chiều sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới của cách mạng.

                                                           Đại tá Nguyễn Văn Hiếu
                              Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh







,
.
.
.