.
Chào mừng 50 năm ngày truyền thống lực lượng PCCC và CNCH (4-10- 1961 - 4-10-2011):

“Nâng cao tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu PCCC trong tình hình mới”

.
15:56, Thứ Ba, 04/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN) (4/10/1961-4/10/2011); 15 năm ngày toàn dân PCCC (4/10/1996-4/10/2011), đồng chí đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã có cuộc trao đổi với  phóng viên chuyên mục An ninh-xã hội về những kết quả nổi bật trong công tác PCCC và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

* PV: Xin đồng chí Phó giám đốc cho biết những nét chính về kết quả công tác PCCC thời gian qua trên địa bàn tỉnh nhà?

- Đại tá Nguyễn Văn Hiệu: Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của công tác PCCC đối với sự phát triển của xã hội, ngày 27/9/1961, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh "Quy định về quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC". Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh số 53/LCT công bố ban hành Pháp lệnh về PCCC. Từ đó, ngày 4/10 hằng năm trở thành Ngày toàn dân PCCC và cũng là ngày truyền thống của lực lượng PCCC- Công an nhân dân Việt Nam.

Thực hiện Luật PCCC, thời gian qua, Công an tỉnh đã làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp công tác PCCC và làm nòng cốt trong xây dựng phong trào PCCC. Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh nhận thức đúng đắn vai trò trách nhiệm của mình trong công tác PCCC tại chỗ. Công tác phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC được tiến hành thường xuyên, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Phong trào toàn dân PCCC phát triển sâu rộng, xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến.

Trong 10 năm, Công an tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 928 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho hơn 50.000 lượt người tham gia; xây dựng, củng cố 2000 đội PCCC cơ sở; trang bị hàng ngàn phương tiện chữa cháy tại chỗ; tổ chức 26.893 lượt ban quản lý chợ, trung tâm thương mại, chủ hộ kinh doanh, chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp ký cam kết thực hiện Luật PCCC và các quy định an toàn PCCC.

Đối với lực lượng PCCC và CHCN, Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu bảo đảm 24 giờ hàng ngày; tăng cường công tác huấn luyện nghiệp vụ PCCC hàng năm cho CBCS để nâng cao kỹ thuật, chiến thuật và trình độ chuyên môn cũng như bản lĩnh chiến đấu, xây dựng các phương án chữa cháy như phương án phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, phương án chữa cháy chợ, chữa cháy rừng, vì vậy khả năng chiến đấu của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp cũng như khả năng hợp đồng chiến đấu của các lực lượng tham gia được nâng cao. Trong 10 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã xuất 335 lượt xe cùng 3.087 lượt CBCS tham gia cứu chữa kịp thời 144  vụ cháy đạt hiệu quả cao, không để cháy lan, cháy lớn.

* PV: Những mặt còn hạn chế trong công tác PCCC thời gian qua, thưa đồng chí?

- Đại tá Nguyễn Văn Hiệu: Tình hình cháy vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản. Theo số liệu thống kê thì 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 251 vụ cháy, làm chết 3 người, bị thương 5 người.

Lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN phối hợp với kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR. Ảnh: Ngọc Oanh.
Lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN phối hợp với kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR. Ảnh: Ngọc Oanh.

Nguyên nhân xảy ra các vụ cháy chủ yếu là do vi phạm các quy định an toàn về PCCC trong sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa, sự cố kỹ thuật trong sản xuất, cùng với việc công tác PCCC tại các cơ sở không đáp ứng kịp với tốc độ tăng trưởng mạnh của tình hình sản xuất, kinh doanh dẫn đến số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tăng. Trong 10 năm qua đã xảy ra 32 vụ nổ làm chết 38 người, bị thương 29 người và thiệt hại về tài sản hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân gây nổ chủ yếu do người dân không cẩn thận trong khi tiếp xúc với các lại bom, đạn do chiến tranh để lại; sử dụng vật liệu nổ công nghiệp không đúng quy trình kỹ thuật.

Tuy số vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm nhưng thiệt hại do cháy gây ra ngày càng tăng. Nguy cơ cháy, nổ vẫn tiền ẩn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong cộng đồng dân cư.

* PV: Thưa đồng chí, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xã hội hoá công tác PCCC, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN cần phải làm gì?

- Đại tá Nguyễn Văn Hiệu: Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát PCCC và CHCN cần thực hiện các biện pháp, giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC; hướng dẫn các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác PCCC; tuyên truyền về trách nhiệm PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tiến tới hình thành tinh thần hoàn toàn tự giác trong việc PCCC của từng cơ sở, từng người dân.

Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, chỉ đạo các cấp, ngành củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC các cấp; chấn chỉnh công tác PCCC tại cơ sở; chỉ đạo UBND các cấp huyện, xã tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng.

Nhân rộng các điển hình tiên tiến và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào quần chúng PCCC; tập trung xây dựng mới các đội dân phòng và PCCC cơ sở ở những khu dân cư và cơ sở trọng điểm. Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành và các đơn vị cơ sở tăng cường kiểm tra, phát hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC.

Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần có bản lĩnh nghề nghiệp, thực tập các phương án nhằm chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để khi có cháy bảo đảm đập tắt kịp thời, có hiệu quả, phải  nâng cao tinh thần trách nhiệm và nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu PCCC trong tình hình mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí đại tá!

                                                                       Ngọc Oanh (thực hiện)

,