.
Bộ Quốc phòng:

Hội thảo khoa học về "Đường Hồ Chí Minh trên biển"

.
15:03, Thứ Năm, 06/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị 15/CT của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961- 23/10/2011), vừa qua, tại thành phố Hải Phòng, Bộ Quốc phòng chủ trì, giao Quân chủng Hải quân phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam".

Hơn 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có biển trong cả nước; các cơ quan Bộ Quốc phòng, các Quân khu, quân, binh chủng, các nhà khoa học và hơn 30 cựu chiến binh, nguyên là cán bộ, chiến sĩ từng trực tiếp tham gia đoàn tàu không số từ năm 1961- 1975 đã tham gia. Các đồng chí Trung tướng Nguyễn Thành Cung, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Đô đốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân chủng hải quân đồng chủ trì hội thảo.

Sau khi nghe thư  của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi hội thảo và cựu chiến binh đoàn tàu không số, hội thảo đã trực tiếp nghe trên 20 nội dung trong số 75 bài gửi tham gia.

Cách đây vừa tròn 50 năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam và nhu cầu chi viện cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang trực tiếp đánh Mỹ ngày càng lớn, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã quyết định thành lập Đoàn 759 (Tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân ngày nay). Trong 15 năm xây dựng, hoạt động, chiến đấu, mặc dù phải vượt qua những khó khăn, gian khổ, nhất là việc bị địch thường xuyên đánh phá, ngăn chặn ác liệt, nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số cùng với nhân dân các tỉnh duyên hải, nơi có tuyến vận tải chiến lược đi qua, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đưa hàng vạn tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc men, hàng quân sự, hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ (trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội) vào miền Nam và từ miền Nam ra Bắc, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu trên các chiến trường miền Nam.

Từ chuyến vận tải bằng thuyền gỗ đầu tiên mang mật danh "Phương Đông I" xuất phát ngày 11/10/1962 tại bến K15 (Đồ Sơn- Hải Phòng) chở 30 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) ngày 19/10/1962 an toàn. Đến chiến dịch vận tải chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 (Đoàn tàu không số) đã thực hiện thành công hàng ngàn chuyến vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam gần 45 ngàn tấn vũ khí góp phần quan trọng cho ngày toàn thắng.

Một con tàu không số của Lữ đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng vào Nam. Ảnh tư liệu.
Một con tàu không số của Lữ đoàn 125 đang trên đường vận chuyển hàng vào Nam. Ảnh tư liệu.

Tại cuộc hội thảo, các tham luận khoa học đã đề cập nhiều nội dung về "Con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam", trong đó, đã tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề như: Đường Hồ Chí Minh trên biển, một nét sáng tạo độc đáo trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đường Hồ Chí Minh trên biển- tuyến vận tải quân sự chiến lược hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ; Đường Hồ Chí Minh trên biển- một chiến trường thử thách khắc nghiệt ý chí quyết chiến, quyết thắng và sự sáng tạo của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thành công của việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm cho kẻ thù bất ngờ, khiếp sợ và bạn bè thế giới khâm phục, kính trọng; Đường Hồ Chí Minh trên biển- những bài học kinh nghiệm quý giá cho công cuộc xây dựng LLVT bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Với chủ đề "Tập đoàn đánh cá sông Gianh với chuyến đi khởi đầu đường Hồ Chí Minh trên biển" bài tham gia hội thảo của Bộ CHQS Quảng Bình đã ôn lại sự kiện thành lập Tiểu đoàn 603, đơn vị vận tải biển đầu tiên của quân đội ta vào tháng 7/1959 ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch). Được sự chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, sau 6 tháng học tập, huấn luyện, đơn vị đã thực hiện chuyến vận tải đầu tiên, chở 5 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam vào tháng 1/1961.

Tuy chuyến đi không thành công nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho công tác tổ chức, hoạt động của tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh trên biển sau này. Đặc biệt, từ kinh nghiệm quý báu đó, noi gương các chiến sĩ tàu không số; quân dân Quảng Bình đã thực hiện thành công nhiều chuyến vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, mà trong đó tiêu biểu là vận chuyển 60 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường Trị-Thiên vào tháng 3/1968 của Đảng bộ- nhân dân và LLVT xã Cảnh Dương (Quảng Trạch).

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung khẳng định: Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công kiệt xuất thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, của quân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một chiến trường ác liệt, thể hiện quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của lực lượng hải quân, của quân dân các tỉnh nơi có tuyến đường đi qua và đường Hồ Chí Minh trên biển là sự kế thừa, phát triển tầm cao mới của nghệ thuật quân sự đặc sắc Việt Nam.

Cũng trong dịp này, các đại biểu cũng có chuyến hành hương về cội nguồn, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Đoàn tàu không số tại Bến K15 (Di tích Quốc gia), nơi xuất phát của những chuyến tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

                                                                                          Trần Hữu Phà

,