.

Những loài rắn lạ

Thứ Bảy, 16/02/2013, 17:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Các em ạ! Năm 2013 là năm Quý Tỵ - năm biểu tượng là con rắn. Rắn theo chữ Hán là "xà" (nhưng năm biểu tượng của nó là "Tỵ"), là loài bò sát có vảy, không có chân. Bò sát bắt nguồn từ loài ếch nhái cổ. Khoảng 250 triệu năm về trước, số lượng bò sát phát triển rất mạnh và rất đa dạng. Sau đó do khí hậu thay đổi đột ngột và do sự đấu tranh sinh tồn của chim và thú (động vật đẳng nhiệt), đại bộ phận bò sát đã bị tiêu diệt, chỉ còn một số ít loài còn tồn tại trong đó có rắn.

Theo truyền thuyết của Trung Quốc về việc xếp thứ tự của các con vật biểu tượng của 12 năm âm lịch, rắn là loài nhanh nhẹn nên được Ngọc Hoàng Thượng đế xếp thứ sáu.

Trên thế giới hiện nay có đến khoảng 3.000 loài rắn, trong đó có khoảng 300 loài rắn độc. Nước ta có trên 140 loài rắn khác nhau. Đặc biệt, ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều loài rắn, trong đó có một số loài rắn được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Trên thế giới có nhiều loài rắn kỳ lạ, rất thú vị, xin kể để các em nghe cho vui trong đầu năm mới.

1. Rắn bay. Ở tây nam Trung Quốc, Mozambic có loài rắn biết bay. Chúng sống ở trên cây, kiếm mồi trên cây, chúng phóng nhanh như bay trên không trung nhưng không có cánh. Nếu cần xuống đất thì nó thả mình xuống. Thức ăn của chúng chủ yếu là sâu bọ, động vật nhỏ.

2. Rắn rung chuông. Rắn là loài bò sát có máu lạnh nên nó dùng sức nóng mặt trời làm năng lượng, kiếm ăn ban đêm cho đến sáng hôm sau, thức ăn chính của nó là chuột. Đối với loài rắn rung chuông thì khi con mồi đến gần, bộ phận cảm ứng nhiệt của nó tăng và rung lên như chuông làm cho nó biết có mồi và vị trí con mồi.

3. Rắn đầu bẹt. Ở Okinawa (Nhật Bản) có hai loại rắn đầu bẹt màu vàng và màu bạc. Nếu biết được vị trí con mồi máu nóng thì do bộ phận cảm nhiệt, nó bò đến, gõ đầu vào con mồi, tiêm nọc độc và nuốt con mồi ngay. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nọc độc của nó cho biết nó có màu như nước cam. Loài rắn này "nhìn" bằng tai và lưỡi.

4. Rắn băng. Ở Irland có loài rắn băng. Mặc dù loài rắn này bị đông cứng như que kem về mùa đông, nó vẫn không bị chết. Đến mùa ấm áp, nó tỉnh và sống lại và bò đi kiếm ăn. Dân địa phương dùng loài rắn băng làm gậy ba toong. Người ta còn dùng con rắn này cuộn tròn lại làm rèm che cửa. Nó là loài rắn lành.

5. Rắn bắt chuột giữ kho. Ở Venezuela có loài rắn này. Nó dài 4 mét, là rắn lành, người ta nuôi nó ở kho để bắt chuột, giữ kho. Nó rất lưu luyến kho tàng của nó giữ, nếu đem đi nơi khác, nó sẽ bò lại về kho. Nếu chủ bán kho thì cũng bán luôn cả rắn coi kho.

6. Rắn thắp đèn. Ở Cacusa có một loài rắn chứa rất nhiều mỡ, dân địa phương đập chết nó đốt cho cháy thay đèn, còn gọi là "rắn nến". Ở núi Trường Bạch (Trung Quốc) cũng có rắn nến dài 40 cm.

7. Rắn điện. Một ngư dân ở Brazil, cách đây đã lâu, bắt được một con rắn ở sông Amazon, khi chạm tay vào nó thì bị điện giật. Người ta đo được điện thế của nó đến 450 vol. Ai bơi lội mà gặp nó thì bị điện giật rất đau.

8. Rắn có nội lực lớn. Ở Tây Ban Nha có một loài rắn có túi khí ở bụng có nội lực lớn đến nỗi ô tô dằn qua mình nó mà nó không chết.

9. Rắn sợ lửa. Ở Amazon, ban đêm người ta đốt lửa thì có một con rắn phóng đến dập tắt lửa vì nó sợ ánh sáng ban đêm.

10. Rắn vòng ngấn. Năm 1982, người ta phát hiện ở Thái Bình Dương có loài rắn có đến 1687 vòng ngấn. Con rắn này mỗi năm sinh ra một vòng ngấn, như vậy tính đến năm 1982, nó có đến 1687 năm tuổi.

11. Rắn độc vây nhỏ. Ở Australia có loài rắn có vây nhỏ rất độc gấp 20 lần so với "rắn đuôi kêu".

12. Trăn kéo bè. Trăn là một loài rắn lớn. Ở bến đò Oantanacophi cách đây khoảng 15 năm có một con trăn kéo bè, chở 1 tấn hàng qua sông hàng ngày.

Ngoài ra còn có những loài rắn kỳ lạ khác như rắn đuôi kêu do có tiếng kêu phát ra sau đuôi nó, rắn hai đầu, rắn mái chèo...

Rắn thật là phong phú, chúng là những con vật có ích, thịt nó ăn ngon và bổ, rắn cũng có công lớn trong việc bảo vệ môi trường. Rắn chỉ cắn người khi bị tấn công. Trong y dược, rắn được dùng làm thuốc chữa bệnh rất tốt. Chúng ta cần bảo vệ rắn.

                                                              Trần Thị Thạch Thảo