.

Mẹ Đức

.
10:01, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở thôn Đơn Sa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Trong ngôi nhà ấy có một người mẹ tuổi “xưa nay hiếm”, đó là mẹ Hồ Thị Đức, sinh năm 1931, thân mẫu Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Phương, người Đảo phó đảo Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa, đã cùng với đồng đội anh dũng hy sinh trong trận hải chiến không cân sức với kẻ thù dệt nên “vòng tròn bất tử” 30 năm về trước để giữ gìn trọn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Cứ đến hẹn vào dịp tháng ba, chúng tôi lại về thăm mẹ. Khách đến nhà, mẹ Đức bảo: “Các con, nếu không là đồng đội thằng Phương thì cũng con cháu của mẹ, muốn tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma năm nào chớ chi? Sau ngày thằng Phương ra Trường Sa, sau trận hải chiến Gạc Ma, mẹ không bao giờ tin con trai mẹ vĩnh viễn ngã xuống nơi biển đảo Trường Sa.

Nhà cách biển chỉ mỗi cánh đồng và doi cát hẹp, trước đây còn khỏe, nhớ thằng Phương, mẹ lại ra bên biển, biển bao dung ôm lấy con trai mẹ chẳng chịu trả lại... Bây giờ thì Phương về bên mẹ, yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc, đúng như lời hứa năm nào của hắn, con đi, con sẽ về... kịp sửa lại nếp nhà cho mẹ”.

Sau bốn năm hai tháng ở lại với đồng đội tại Quần đảo Trường Sa, tháng 5- 1992, liệt sỹ Trần Văn Phương trở về cùng với gia đình. Anh bên mẹ trọn 26 năm.

Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma hàng năm vẫn được tổ chức trang trọng trước phần mộ liệt sỹ Trần Văn Phương ở nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.
Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma hàng năm vẫn được tổ chức trang trọng trước phần mộ liệt sỹ Trần Văn Phương ở nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc.

“Thăm mẹ xong, bây ra nghĩa trang thắp nén hương cho anh bây và các anh hùng, liệt sỹ ngoài nớ nhé!”, mẹ Đức dặn dò.

Mẹ bần thần: “Tuổi cao, chuyện xưa cứ nhớ nhớ, quên quên nhưng riêng chuyện thằng Phương thì mẹ giữ trong tim nguyên vẹn. Tết Nguyên đán năm 1988, Phương nghỉ phép đón Tết cùng gia đình, đến ngày mùng 10 thì vào đơn vị, chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt ra Trường Sa. Chuyến đi gặp bão, tàu quay lại đất liền, tranh thủ thời gian này Phương viết thư gửi cho vợ.

Phương hứa rằng, sau chuyến công tác hắn sẽ về với vợ, luôn bên vợ và làm người giữ nhà cho vợ... Riêng tình cảm với gia đình, hắn cứ dặn đi dặn lại với mẹ là ba mạ ở nhà nhớ cắt toóc phơi khô, ra chuyến này đến kỳ nghỉ phép con về tranh thủ kẹp tranh sửa mái nhà cho ba mạ kẻo ở như rứa mưa dột tội lắm”.

Bức thư cuối cùng thiếu úy Phương viết tại Cam Ranh ngày 8-3-1988 gửi về cho gia đình có đoạn: “Tình hình ngoài này hiện nay rất nghiêm trọng... Tối nay hoặc tối mai con lại đi tiếp. Đối với con, nhiệm vụ lên đường bảo vệ Tổ quốc, dù có hy sinh con cũng không sợ...

Trước lúc ra đi con chỉ dặn ba mạ như thế này, khi ba mạ nhận được bức thư này thì ba mạ không phải viết thư trả lời cho con nữa. Con không nhận được đâu. Bởi vì con đi chưa biết ở chỗ nào. Không có địa chỉ và ba mạ cũng đừng trông thư con nữa...”.

Về sự kiện trận hải chiến Gạc Ma 30 năm về trước, Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam dành những dòng trang trọng ghi lại trường hợp Trần Văn Phương hy sinh: "Sáng ngày 14-3-1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp.

Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ". Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển bơi vào đảo. Khi đó trên đảo địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh".

Mẹ Đức kể tiếp: “Phương là con trai đầu lòng, sau hắn còn có ba người em. Từ nhỏ Phương rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành, luôn đùm bọc, đỡ đần các em và đặc biệt thương yêu, nghe lời ba mạ. Hầu như mọi công việc nặng nhọc trong nhà đều một tay Phương làm lụng. Học xong lớp mười, theo tiếng gọi Tổ quốc, Phương lên đường nhập ngũ.

Đầu tháng 3-1988, được bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Nhà mẹ có bốn con trai thì ba đứa mẹ động viên đi bộ đội hải quân hết. Sau thằng Phương đến Trần Văn Hồng, sau thằng Hồng đến Trần Văn Hiệp. Thằng Hiệp hoàn thành nghĩa vụ quân sự chừ về làm ruộng, sớm hôm đỡ đần mẹ. Thằng Hồng nay chuyển sang Cảnh sát biển thuộc Vùng II Cảnh sát biển, cấp bậc thiếu tá”.

Tám năm trước, danh hiệu Anh hùng LLVTND được trang trọng khắc ghi trên mộ chí liệt sỹ Trần Văn Phương. Vào dịp 14-3-2012, kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma, nhà báo Phạm Phú Thép (phóng viên Báo Văn Hóa thường trú tại Quảng Bình) cùng đồng đội Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, tuổi trẻ huyện Quảng Trạch (cũ), chính quyền xã Quảng Phúc làm một cái lễ nho nhỏ gắn danh hiệu Anh hùng LLVTND lên mộ chí của anh.

Kể từ đó vào tháng ba hàng năm, đúng ngày 14-3, lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma bên phần mộ Anh hùng LLVTND Trần Văn Phương cứ lớn dần lên, tinh thần “vòng tròn bất tử” Gạc Ma lan tỏa ra khắp tỉnh Quảng Bình và cả nước.

Lời mẹ Đức rưng rưng: “Phương hy sinh vì nước, già rồi mẹ lại có thêm rất nhiều đứa con là đồng đội Phương về hội tụ. Thằng Lê Hữu Thảo từ Hà Tĩnh vào, thằng Nguyễn Văn Thống ở xã Nhân Trạch, Bố Trạch ra và nhiều đứa nữa mẹ không nhớ hết tên...”.

Tạm biệt mẹ Hồ Thị Đức, nhớ lời mẹ, chúng tôi ra nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc thắp cho Anh hùng Trần Văn Phương nén nhang thơm. Chợt nhớ đến lời hứa CCB Lê Hữu Thảo với mẹ Đức: “Lễ tri ân năm ni chúng con về bên Phương không phải chỉ một vài người mô mạ. Mười bốn CCB và sáu vợ liệt sỹ Gạc Ma cùng sum vầy bên anh Phương, rứa là mạ mừng nghe!”

Ba mươi năm, “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma vẫn mãi lan tỏa. Ba mươi năm, người mẹ Gạc Ma Hồ Thị Đức vẫn trung trinh dang rộng vòng tay yêu thương đón lấy những người lính Gạc Ma trở về bên mình.

Ngô Thanh Long
 
 

,
  • Đồng Hới qua góc nhìn du khách

    (QBĐT) - Qua góc máy của Lộc Phạm, một du khách vốn là kỹ sư IT đến từ TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), Đồng Hới lại có thêm những trải nghiệm đầy thú vị qua một góc nhìn mới.

    27/02/2018
    .
  • Bình yên sông Gianh

    (QBĐT) - Trong giá rét ngày cuối năm, những nếp nhà bình yên nằm bên dòng sông huyền thoại, gắn bó, êm đềm như chưa từng đi qua nhọc nhằn, vất vả. Gần 600 ngày đã trôi qua từ thời điểm sông Gianh và người ven sông chịu bao sóng gió, gian nan từ sự cố môi trường biển.

    20/02/2018
    .
  • Cá lồng sông Son

    (QBĐT) - Những ngày cuối năm, người dân ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lại vào vụ thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Son. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã mang lại sự sung túc cho không ít hộ gia đình đang sinh sống nơi đây.

    19/02/2018
    .
  • "Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

    (QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: "Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!". Hùng cười hồn hậu: "Ông ấy là người sinh ra em!".

    13/02/2018
    .
  • Về quê hương hùng binh Hoàng Sa...

    (QBĐT) - Có một Lý Sơn tươi mới, rạng rỡ và thẳm sâu bên trong là khí phách ngàn đời của bao thế hệ người dân nơi đây trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương.

    09/03/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Nụ cười trong mắt trẻ vùng cao

    (QBĐT) - Những chuyến công tác lên với đồng bào vùng cao của người làm báo luôn đầy ắp kỷ niệm về tình cảm trân quý mà bà con trao gửi, kỳ vọng. Ấn tượng sâu lắng nhất, đáng nhớ nhất chính là sự hồn nhiên của trẻ nhỏ. Để khi về xuôi nhớ lại vẫn nao nao lòng. Dù còn nghèo khó, thiếu thốn trăm bề nhưng nụ cười, ánh mắt hút hồn của con trẻ vẫn sáng lên, kỳ vọng về một ngày mai tươi sáng.

    07/03/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .