.

"Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

.
17:57, Thứ Ba, 13/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: “Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!”. Hùng cười hồn hậu: “Ông ấy là người sinh ra em!”. Tôi bén duyên với bản Đá Còi trọn mười năm… Lâu chưa trở lại thăm, thương nhớ, hẹn Hồ Văn Hùng ngày tái ngộ ngay chính trong ngôi nhà ông Hồ Văn Ba mà dân bản hồn hậu xem như “cội lim già” của bản, của đồng bào dân tộc Vân Kiều phía tây huyện Lệ Thủy.

1. Không biết Hồ Văn Hùng kể gì về tôi với ông Hồ Văn Ba, vào một ngày cuối năm mưa, giá rét, điện thoại đổ chuông, phía bên kia tiếng rổn rảng: “Tao Hồ Văn Ba đây, mời nhà báo lên bản Đá Còi đi. Mai gia đình tao họp sinh hoạt cuối năm và làm mâm cơm tất niên dâng lên bàn thờ Bác Hồ, tổ tiên, ông bà”.

Mỗi khi “Tết đến, xuân về”, ông Hồ Văn Ba lại soạn sửa bàn thờ Bác Hồ để chuẩn bị cho đại gia đình báo công dâng Bác.
Mỗi khi “Tết đến, xuân về”, ông Hồ Văn Ba lại soạn sửa bàn thờ Bác Hồ để chuẩn bị cho đại gia đình báo công dâng Bác.

Từ đường 10, bám dọc theo lối đi quanh co ven hồ Rào Đá, không còn cảnh lầy lội như xưa, đường vào bản Đá Còi rộng thênh thênh, một nửa đường tính ở bản ra được láng bê tông phẳng lì. Vợ chồng ông Hồ Văn Ba đón tôi ngay chân cầu thang ngôi nhà sàn to, đẹp nhất bản, có khác chăng nếp nhà sàn cũ đi, trầm tịch theo thời gian, tuổi người, tuổi bản. Hồ Văn Ba vẫn thế, chân tình, hồn hậu, mến khách. Trong nhà đã thấy tập trung đầy đủ con cháu, dâu, rể.

Sau khi ông Hồ Văn Ba thắp nén nhang lên bàn thờ có ảnh Bác Hồ đặt trang trọng ngay căn chính giữa ngôi nhà sàn, buổi sinh hoạt gia đình bắt đầu. Vợ chồng Hồ Văn Ba là người đầu tiên tiến hành kiểm điểm, “phê bình và tự phê bình” những gì ông bà làm được trong năm qua cho bản thân, cho con cháu. Kế tiếp là các con, dâu, rể và cuối cùng đến các cháu...

Tôi có cảm giác là lạ về buổi sinh hoạt gia đình dưới sự “cầm chịch” của Hồ Văn Ba. Ở góc độ gia đình thấy ấm cúng, cởi mở và bình đẳng. Những thành viên trong gia đình bình đẳng góp ý cho nhau, thậm chí “phê bình” một cách đến nơi đến chốn khuyết điểm của nhau trên tinh thần xây dựng. Về góc độ xã hội, buổi sinh hoạt như một tổ chức đoàn thể thu nhỏ, có tính chất đúc kết để rồi mở ra hướng đi mới cho tương lai.

Phần cuối buổi sinh hoạt là phần công bố quỹ khuyến học, khuyến tài gia đình, tuyên dương, phát thưởng cho con cháu đạt thành tích cao trong lao động, học tập năm qua. Khi buổi sinh hoạt gia đình kết thúc, nén nhang trên bàn thờ Bác Hồ, tổ tiên cũng sắp tàn, mâm cổ cúng dọn xuống, bày ra, bố mẹ, con cháu, dâu rể quây quần hưởng lộc.

2. Ông Hồ Văn Ba nên duyên chồng vợ với bà Hồ Thị Thừa năm 1971, thời điểm chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Ông Ba sinh năm 1949, bà Thừa sinh năm 1953. Năm 1969, khi ông Ba đang theo học lớp kế toán ngân hàng tại Sen Bàng (Bố Trạch) thì nghe tin Bác Hồ mất, ông quay về bản cùng đồng bào Vân Kiều xã Ngân Thủy chịu tang Bác- Người cha già dân tộc đã cho người Vân Kiều Quảng Bình, Quảng Trị cái họ của mình.

Đồng bào Vân Kiều chuẩn bị đồng ruộng cho vụ mùa mới.
Đồng bào Vân Kiều chuẩn bị đồng ruộng cho vụ mùa mới.

Dịp đó, ông Hồ Văn Ba gặp bà Hồ Thị Thừa, học viên lớp đào tạo y sỹ ở Lộc Đại (xã Lộc Ninh) lên. Cưới nhau xong, ông Hồ Văn Ba vào bộ đội thuộc Tiểu đoàn 42. Năm 1973, ông hoàn thành xong nghĩa vụ về địa phương và đảm nhận nhiều cương vị: Chủ nhiệm HTX, Trưởng ban quản lý thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Đá Còi...

Vợ chồng ông Hồ Văn Ba có 8 người con: Hồ Văn Toàn, Hồ Văn Bôn, Hồ Văn Hôn, Hồ Văn Hùng, Hồ Thị Nhung, Hồ Thị Nhiệt, Hồ Huy và Hồ Thị Hoàng và hơn 20 đứa cháu, trong đó Hồ Văn Bôn là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, Hồ Văn Hùng làm Chủ tịch UBND xã, Hồ Huy chiến sỹ Công an huyện Lệ Thủy, Hồ Thị Hoàng tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp Huế đang làm công nhân viên cho Đoàn kinh tế quốc phòng 79.

Tất cả các con của ông bà đều trưởng thành, kinh tế ổn định. Được sống giữa tình yêu thương, sự dạy dỗ nghiêm khắc từ bố mẹ, những người con của ông Hồ Văn Ba đều trở thành hạt nhân trong các phong trào phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở xã Ngân Thủy.

3. “Cội lim già” Hồ Văn Ba đã làm gì cho khu vực Rào Đá nơi ông sống, ở khu vực Hang Còi và cả bản Đá Còi bây giờ. “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, tao về bản. Khu vực Rào Đá nơi tao và đồng bào sống lau lách điệp trùng, không đường, không điện, không trường, không trạm, cái ăn, cái mặc hàng ngày chỉ trông chờ vào sản xuất nương, rẫy. Đá Còi nghèo lắm! Dân bản tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm hợp tác xã, tao hỏi: “Bà con có tin tôi không?”.

Thi công đường vào bản Đá Còi để đồng bào có thêm niềm vui mới khi “Tết đến, xuân về”.
Thi công đường vào bản Đá Còi để đồng bào có thêm niềm vui mới khi “Tết đến, xuân về”.

Họ đồng thanh “Có”. “Tin thì làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước nhé và làm theo lời tôi”. Tao vận động bà con ngăn ngọn suối Nước Lạnh đắp thành đập thủy lợi, sản xuất lúa nước. Ấy là vào năm 1982, lúc đó khoảng 3ha. Lúa nước đạt năng suất khá, cái bụng dân bản ấm dần. Kế tiếp tao bàn chuyện làm nhà định canh định cư như chủ trương nhất quán mà cán bộ tỉnh, huyện vận động. Đồng bào cũng gật đầu.

Bản mới hình thành, con em trong bản không có nơi học con chữ Bác Hồ, tao lại vận động từng nhà góp công sức làm trường, đón thầy giáo dưới xuôi lên, vậy là việc xóa mù, dạy con chữ khởi sắc từ đó. Tiếp... một thân tao cùng với cái rựa sắc cắt rừng, vạch lối đi nối bản với đường 10. Bản Đá Còi cứ thế xích lại gần hơn với  miền xuôi”.

Kể lại những việc mình cống hiến cho bản, cho người Vân Kiều Đá Còi, “cội lim già” Hồ Văn Ba “say” trong câu chuyện. Hiện tại, khu vực Rào Đá nơi ông sống có 32 hộ đồng bào Vân Kiều, diện tích ruộng nước tăng lên 8ha, điện sáng, đường bê tông, trường học... được đầu tư kiên cố, khang trang.

Bữa cơm tất niên dưới nếp nhà ông Hồ Văn Ba vẫn đang đầm ấm, đại gia đình ông chúc nhau chén rượu nồng, tràn tình, trọn nghĩa. Bản Đá Còi như sáng lên, ấm hơn khi thêm một năm mới nữa lại gần kề.

Ngô Thanh Long



 

,
  • Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

    (QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

    22/01/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .