.

Cá lồng sông Son

.
09:11, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày cuối năm, người dân ở thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) lại vào vụ thu hoạch cá lồng nuôi trên sông Son. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã mang lại sự sung túc cho không ít hộ gia đình đang sinh sống nơi đây. Và không phải ai cũng biết rằng, một trong những người “khai sinh” nghề nuôi cá lồng và cá chình là ông Hoàng Văn Thái, người góp phần tạo nên một thương hiệu ẩm thực độc đáo ở vùng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng: Cá lồng sông Son.

Dấu ấn ẩm thực cho du khách

Sơn Trạch là địa bàn có hai nhánh sông Chày, sông Son chảy qua với chiều dài gần 12km. Hai con sông hiện hữu đã tạo điều kiện khá thuận lợi để bà con bản địa phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông. Những năm trước đây, người dân Sơn Trạch sống chủ yếu dựa vào rừng do thiếu đất sản xuất.

Để giải quyết công ăn việc làm cho bà con nông dân thiếu đất, năm 2000, UBND huyện Bố Trạch đã có đề án khuyến khích người dân thiếu đất sản xuất ở các xã dọc sông Son như Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch... phát triển nghề nuôi cá lồng.

Ở thời điểm đó, cũng chỉ có một số hộ dân ở Sơn Trạch manh nha nuôi cá lồng, vì đây là một nghề mới, người dân còn rất bỡ ngỡ. Các loại giống cá truyền thống được bà con nuôi chủ yếu, như: cá trắm cỏ, cá mè, cá rô phi...

Khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và hoạt động du lịch phát triển mạnh thì nghề nuôi cá lồng ở Sơn Trạch cũng thực sự có những khởi sắc. Một trong những người đi tiên phong nuôi cá lồng trên sông Son là ông Hoàng Văn Thái, trong đó có cá chình, một loại cá “đặc sản” ở miền di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.

David Vann, một du khách người Mỹ tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi trở lại Quảng Bình để tiếp tục được khám phá du lịch hang động diệu kỳ. Ngoài tìm hiểu mảnh đất và con người nơi đây, điều níu giữ chân tôi trở lại phải nói đến là các món ăn quyến rũ được chế biến từ cá lồng. Cá ở đây được nuôi trên dòng chảy của sông nên rất sạch. Từ cá, người ta chế biến ra rất nhiều món ngon, hấp, um, kho, nướng... đặc biệt có món cá chình nướng, hương vị khá đậm đà, hơi cay nhưng rất tuyệt.”

 Vợ chồng ông Hoàng Văn Thái bên những lồng cá đang đến mùa thu hoạch.
Vợ chồng ông Hoàng Văn Thái bên những lồng cá đang đến mùa thu hoạch.

“Khẩu vị ăn của người phương Tây rất khác với người phương Đông, tuy nhiên đối với những du khách thích khám phá thì sự “tương phản” lại tạo sự kích thích, thu hút họ thưởng thức”- chị Nguyễn Thị Thùy Trang, bạn gái của David Vann chia sẻ.

Chị Trang còn cho biết thêm, Quảng Bình có con sông Son rất đẹp, người dân nuôi cá lồng rất nhiều vậy nhưng tại sao họ không tận dụng được thế mạnh này để xây dựng sản phẩm du lịch thưởng ngoạn làng cá lồng. Khách vừa ngắm được sông nước hữu tình, vừa được câu cá, thưởng thức món cá đặc sản nơi đây theo hương vị đặc thù của vùng miền này.

Câu chuyện người trong cuộc

Ai đã từng đặt chân đến hệ thống sông ngầm Phong Nha (đầu nguồn của sông Son) cũng đều biết đến loại cá chình nổi tiếng. Nhiều người cho rằng, đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mà chưa thưởng thức loại cá da trơn đặc sản này thì coi như chưa đến.

Phong Nha - Kẻ Bàng được biết đến là quê hương của loài cá chình ngon nổi tiếng, nhưng hiện nay lượng cá tự nhiên bị sụt giảm nghiêm trọng do nhiều người đánh bắt theo lối tận diệt. Nhất là từ khi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đưa cá chình vào danh sách các loại động vật cần được bảo tồn thì việc khai thác loại cá này bị nghiêm cấm.

Vì vậy, cá chình trên thị trường khan hiếm và đắt hơn, lúc cao điểm giá cá chình lên tới 500 - 600 nghìn đồng/kg. Để nguồn cá chình này được bảo tồn và phát triển, ông Hoàng Văn Thái, người có thâm niên nuôi cá lồng giỏi và lâu năm của xã Sơn Trạch chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Con sông Son tuy dài là thế, nhưng khúc sông chảy qua đoạn xã Sơn Trạch là điểm có nhiều vực sâu, nước sông trong mát chính là môi trường sống rất phù hợp của loài cá chình. Chính điều này đã giúp tôi có ý tưởng ngoài nuôi cá lồng thông thường sẽ phát triển thêm nuôi cá chình dọc sông Son”.

Ý tưởng nuôi cá chình đã được ông Hoàng Văn Thái nhen nhóm từ khá lâu nhưng mãi đến cuối cuối năm 2011, khi xã Sơn Trạch tổ chức đoàn cán bộ chủ chốt của xã cùng một số hộ điển hình trong nuôi cá lồng đi tham quan mấy mô hình nuôi cá chình ở các tỉnh bạn thì ý tưởng mới thành hiện thực. Sau chuyến đi, ông Thái chính thức bắt tay vào nuôi cá chình, lúc ấy là đầu năm 2012.

Ông đã bắt từng con cá chình con trên sông Son đưa về nuôi trong lồng và cho ăn bằng nguồn thức ăn từ cá vụn, giun đất, cua đồng, ếch, nhái. Cá chình chỉ ăn thức ăn trong ngày chứ không dùng thức ăn để lâu. Lứa đầu nuôi cá chình cũng bị thất bại, vì chuột cắn lưới nilon, tạo lỗ hổng nên cá “lọt” hết ra ngoài.

Không chịu thua, ông Thái lại hàn lồng nuôi bằng kẽm nguyên tấm dày, xung quanh lồng được khoan nhiều lỗ tròn, to bằng đầu chiếc đũa bởi cá chình là giống ưa sống trong tối. Tuy phải tốn thời gian nuôi kéo dài, nhưng bù lại giá cá chình cao hơn gấp 5 lần so với cá trắm cỏ và ít bị dịch bệnh. Hiện gia đình ông Thái nuôi 3 lồng cá chình, mỗi năm ông thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Nhờ tiên phong nuôi cá lồng thành công, ông Thái đã tận tình chỉ dẫn cho bà con trong làng. Hiện nay, nghề nuôi cá lồng trên sông Son đã phát triển mạnh với 379 hộ, 667 lồng cá, tập trung chủ yếu ở các thôn: Xuân Tiến, Na, Trằm Mé...

Mặc dù nuôi cá lồng trên sông Son chỉ là nghề phụ, nhưng đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình ở Sơn Trạch từ nhiều năm nay. Đầu ra cho sản phẩm cá lồng rất ổn định, thị trường tiêu thụ chủ yếu phục vụ khách du lịch, vì thế ông Thái cùng nhiều hộ dân đang tìm kiếm thêm các giống cá nuôi khác để dần thay thế loại cá thông thường, nhằm đa dạng hóa con nuôi đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch cho biết, ông Hoàng Văn Thái là một trong những hộ cung cấp cá lồng lớn nhất cho các nhà hàng tại các điểm du lịch, ông Thái có cá lồng được bán quanh năm, đây là một trong những ưu điểm nổi bật mà không phải người nuôi cá lồng nào cũng làm được.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Son không đơn giản chỉ là cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho du khách trong tỉnh mà còn là một sản phẩm du lịch sinh thái được du khách thập phương mong muốn khám phá.

Từ những con thuyền rồng đang tiến về cửa động, du khách có thể ngắm nhìn hàng trăm lồng cá được bà con nuôi hai bên sông trong khung cảnh sông nước yên bình. Nếu khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh này, thì những lồng cá sẽ vừa tạo nguồn thủy sản cung cấp cho nhu cầu thị trường, vừa tạo cảnh quan đẹp trên sông thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước khi về với điểm du lịch nổi tiếng Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hiền Phương



 

,
  • Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

    (QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

    22/01/2018
    .
  • "Cội lim già" phía đầu nguồn Rào Đá

    (QBĐT) - Hồ Văn Hùng, sinh năm 1980, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy, Lệ Thủy giới thiệu với tôi mình người ở bản Đá Còi. Tôi hỏi: "Ở Đá Còi, chắc Chủ tịch biết ông Hồ Văn Ba chứ!". Hùng cười hồn hậu: "Ông ấy là người sinh ra em!".

    13/02/2018
    .
  • Rộn ràng không khí đưa ông Táo về trời

    (QBĐT) - Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Ngay từ sáng sớm ngày đưa ông Táo về trời năm nay, một không khí rộn rã diễn ra tại các chợ lớn, nhỏ và các tuyến đường chính trên địa bàn TP. Đồng Hới khi người dân nô nức sắm sửa lễ vật cho ngày giỗ ông Táo.

    08/02/2018
    .
  • Tết sớm biên cương

    (QBĐT) - Khi những cánh đào rừng bắt đầu hé nụ báo hiệu một mùa xuân mới lại về, chúng tôi đã có những chuyến ngược rừng cùng các nhà thiện nguyện mang quà Tết cho bà con người Mày, người Khùa (Dân Hóa, Minh Hóa), người A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) và người Vân Kiều (Trường Sơn, Quảng Ninh).

    04/02/2018
    .