.

Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

.
08:35, Thứ Hai, 22/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cách nhau cả mấy thế kỷ, nhưng không hẹn mà nên, họ đều yên nghỉ trên vùng đất này của xã Trường Thủy (Lệ Thủy). Đó là sự ngẫu nhiên hay là sự sắp đặt của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy...

>> Bài 1: Nơi âm vang bài ca

>> Bài 2: Kỳ bí nơi ngã ba sông

Vượt qua Thác Tre, chúng tôi lên bờ tìm về nơi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh yên nghỉ. Và chỉ sau hơn chục phút đi bộ, chúng tôi đã đến nơi người mở cõi yên nghỉ vĩnh hằng. Đây thuộc địa phận thôn Đại Thủy, xã Trường Thủy.

Trong không khí thanh bình tĩnh lặng của vùng bán sơn địa, tôi nghe như có tiếng gươm khua ngựa hý của vị tướng trận mạc đã kéo muôn dân đi mở mang bờ cõi đất Việt về phía Nam... Sử sách đã ghi, Nguyễn Hữu Cảnh là một trong những người có công lao lớn nhất trong việc mở mang bờ cõi, tổ chức di dân, tạo lập thôn ấp ở Nam Bộ, trong đó lực lượng di dân người Quảng Bình chiếm một số lượng rất lớn.

Ông đã sử dụng tên làng, tên xóm cũ ở Quảng Bình để đặt làm tên làng, tên xóm nơi quê hương mới. Bởi vậy, đến tận ngày nay, chữ “Bình” thường có trong nhiều địa danh ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác ở Nam Bộ.

Ông sinh năm 1650 tại xã Chương Tính, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Ông mất năm 1700. Kính trọng, biết ơn người mở cõi, nhân dân mọi miền đất nước, đặc biệt những nơi ông có công khai sáng đều lập đền thờ ông. Nhớ lại, năm 2003, chúng tôi đã được các đồng nghiệp ở Báo Đồng Nai dẫn đến dâng hương đền thờ ông ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong sự thành kính và cả tự hào khi ông là người con Quảng Bình...

Nơi đây thật đẹp về phong thủy, không gian thoáng rộng. Phía trước mộ là một quả đồi nhỏ và xa xa là núi An Mã uy nghi. Chợt nhớ ra câu: “Thượng An Mã, hạ Đùng Đùng, trung trung nhất huyệt” có lẽ muốn nói về vị trí huyệt mộ của Lễ Thành hầu là trung tâm giữa núi An Mã và... sông Kiến Giang chăng?

Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy.
Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy.

Cũng thật tình cờ, chúng tôi được nghe câu chuyện khá ly kỳ về việc tìm mộ Lễ Thành hầu. Anh Hoàng Đại Hữu, nguyên là Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy lúc bấy giờ kể lại, Vào năm 1997-1998, anh đã nhiều lần dẫn giáo sư Trần Quốc Vượng vào đây tìm kiếm mộ Lễ Thành hầu. Giáo sư Trần Quốc Vượng là một trong “tứ trụ” của sử học nước ta, ông là nhà sử học, nhà khảo cổ học danh tiếng.

Dựa vào những tài liệu lúc bấy giờ, giáo sư chỉ biết Nguyễn Hữu Cảnh táng ở xã Trường Thủy nhưng không biết cụ thể ở đâu. Lúc đầu, cụ đoán là gần núi An Mã. Sau nhiều chuyến vào Lệ Thủy thị sát khắp vùng Trường Thủy nhưng vẫn biệt vô âm tính.

Chuyến đi cuối cùng khi qua đò ở Thác Tre, ông chèo đò hỏi mấy chú đi mô, mấy người trong đoàn nói đi tìm mộ Nguyễn Hữu Cảnh, ông lái đò nói bên kia sông có mộ ông nào to lắm. Lần theo hướng dẫn của ông chèo đò, đoàn đã tìm ra được nơi an nghỉ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Anh Hữu nói mộ đất nhưng rất to, cả bụi chạc chìu phủ dầy lên trên, đầu mộ có tấm bia bằng đá.

Theo đường liên xã bằng bê tông đi quá nơi yên nghỉ của Lễ Thành hầu khoảng 500 mét là nơi an táng Tiến sỹ Quận Công Hoàng Hối Khanh (1362-1407). Ông là vị tướng tài ba, có công mở mang làm trù phú vùng đất Lệ Thủy khi đưa 12 dòng họ từ phía bắc vào đây khai khẩn, lập ấp...

Cũng trên vùng đất Trường Thủy, phía tả ngạn dòng Kiến Giang, ở xóm Cồn Thi, cách lăng mộ người mở cõi vài trăm mét, có một vị quan nức tiếng thanh liêm yên nghỉ, ông là Hiệp biện Đại học sỹ Võ Trọng Bình (1808-1898) quê ở Mỹ Lộc, xã An Thủy.

Cách nhau mấy thế kỷ, họ lại cùng yên nghỉ trên vùng đất chưa đến một km vuông. Sự ngẫu nhiên hay có sự sắp đặt linh thiêng của trời đất? Gọi vùng đất linh thiêng là vậy.

Chỉ tiếc rằng nơi vùng đất linh thiêng này đang thiếu những tuyến đường kết nối thuận tiện với những khu du lịch khác. Chẳng hạn, du khách từ chùa Hoằng Phúc (Mỹ Thủy) lên đây phải đi vòng vèo, thiếu biển báo đường, nhiều đoạn đường xấu (đoạn qua xã Mỹ Thủy, đoạn từ xã Văn Thủy qua xã Trường Thủy). Ở đây chưa có bến sông nào để du khách có thể đi bằng đường sông lên vùng đất thiêng này.

Mặt khác, thiếu những điểm du lịch để tạo thành cụm, “tour” du lịch. Khu vực này có suối nước khoáng Bang nhưng gần một thập kỷ nay nó “ngủ yên” và không khéo đã bị “bỏ qua” trong bản đồ của các tour du lịch tên tuổi.

Bởi thế, nhiều lần chúng tôi đã đến đây nhưng không khí khá trầm lắng, du khách chỉ lác đác. Một điều cũng cần nói nữa là việc chăm sóc khu vực này chưa được tốt, cỏ mọc đầy khuôn viên, mặc dù lúc này là ngay sau Tết Dương lịch...

Rời vùng đất thiêng, chúng tôi tiếp tục ngược dòng lên thượng nguồn. Trước mắt chúng tôi là những cái thác đã có “thương hiệu” với người dân Lệ Thủy, như thác Thủy Văn, thác Lổm Chổm. Đi ngược lên gọi là vượt thác, mọi người xuống níu kéo đò nhích lên từng tý một chứ không thể chèo chống được vì nước chảy xiết. Nhưng lúc đi xuống mới thực sự nguy hiểm vì đò đầy, nước chảy xiết, đá lởm chởm,  quê tôi gọi là chạy thác.

Phải có kinh nghiệm, bản lĩnh mới chạy thác thành công. Có bao chuyến đò về xuôi chở theo sắn, củi... đã lật chìm ở những con thác này, khó mà kể hết. Trong chiến tranh công binh Đoàn 559 đã cho nổ mìn để giảm bớt sự hung dữ của thác Lổm Chổm...

Chuyến đi ngược lên thượng nguồn Kiến Giang của chúng tôi mới được một quãng chưa dài, phải dừng lại trước dòng nước chảy xiết, thuyền khó lên. Lâu lắm rồi chúng tôi mới có chuyến ngược dòng sông này bằng thuyền, chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc.

Ý nghĩ về hình thành một tuyến du lịch dọc theo dòng Kiến Giang là việc đáng làm, nên làm. Trên chuyến du lịch này, điểm đầu tiên sẽ là chùa Hoằng Phúc ở xã Mỹ Thủy, tiếp đến là Miếu Bà trên núi An Sinh xã Văn Thủy, tiếp lên vùng đất thiêng viếng người mở cõi...

Sẽ là trải nghiệm thú vị cho những ai có chút mạo hiểm khi tiếp tục đi để vượt thác Lổm Chổm, thác Thủy Văn. Lên nữa sẽ là suối nước nóng có độ sôi 105 độ C, điểm du lịch kỳ thú giữa đại ngàn Trường Sơn đang được gấp rút thi công để hoàn tất đón khách trong nay mai...

Trong suốt chuyến đi sẽ âm vang những điệu hò khoan Lệ Thủy- điệu hò không trộn lẫn của xứ Lệ, sông Kiến đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm ngoái...

Văn Hoàng




 

,