.

Lệ Thủy miền tây ký sự - Bài 2: Kỳ bí nơi ngã ba sông

.
08:32, Chủ Nhật, 21/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trên mọi miền của đất nước nơi nào cũng gắn với những huyền thoại trong đấu tranh giữ nước. Nơi đây cũng không ngoại lệ, ngã ba sông có tên gọi An Sinh...

>> Bài 1: Nơi âm vang bài ca

Sông Kiến Giang khá hiền hòa, nhưng hướng chảy của nó thì quả là phức tạp và đôi chút dữ dằn khi lên thượng nguồn. Nó liên tục đổi hướng và có nhiều đoạn hướng chảy của nó ngược với quy luật chung của các dòng sông ở miền Trung là hướng chảy Tây- Đông. Có phải lên thượng nguồn núi non hiểm trở nên nó “đành” uốn lượn quanh co và thác ghềnh liên tiếp?

Với riêng ngã ba sông này thì điều đó là chính xác. Sông Kiến Giang đoạn này là hợp lưu giữa hai nhánh là Rào Mệ và Rào Con. Nhánh sông Rào Con lên Bến Tiến như các phần trước đã nói. Nhánh chính của Kiến Giang là Rào Mệ chảy từ nguồn về theo hướng Tây - Đông. Có lẽ tên gọi này cũng đã thể hiện “đẳng cấp” của nó với dòng Kiến Giang. Nhưng, khi đến ngã ba sông này, dòng chảy đã vấp phải một dãy núi không cao lớn lắm nhưng cũng đủ chặn đứng dòng chảy vì thế nó đành khuất phục và thay đổi dòng chảy về xuôi theo hướng Nam- Bắc.

Những dòng nước hung dữ về mùa lũ đã tạo nên vực sâu ở đây, được gọi là Trốc Vực,  ngã ba Trốc Vực, cũng có khi gọi là ngã ba An Sinh, vực An Sinh. Vực sâu, nước trong xanh thăm thẳm và ở đây còn có không khí huyền bí, thâm u...

Miếu bà ở trên núi An Sinh.
Miếu bà ở trên núi An Sinh.

Vực này nước sâu, đấy là dễ hiểu vì đây là nơi hai dòng chảy rất mạnh cùng dồn vào chân núi và đào mãi thành vực sâu. Nhưng sâu đến mức người ta đồn đại thành huyền thoại, rằng khi nước chảy xiết thả quả bưởi ở đây có thể ra đến Bàu Sen (Sen Thủy) lại nổi lên; rồi Vực này còn thông với cả Bàu Tró ở Đồng Hới (theo cụ Nguyễn Tú trong sách “Quảng Bình nước non và lịch sử”).

Còn theo những người già trong làng An Sinh thì vực này thiêng lắm, bởi vậy, khi chèo đò qua đây mọi người luôn nhắc nhau tuyệt đối im lặng, không nói to, không cười đùa quá lớn...

Cũng theo cụ Nguyễn Tú như sách đã dẫn thì: “Tục truyền khi Hàm Nghi xuất bôn, cánh quân vận chuyển tiền bạc, kho tàng của Triều đình đi trước. Khi ra đến vực An Sinh nghe tin kinh đô thất thủ, đoàn đã bỏ bớt một số đài (thùng, kiện) vàng xuống vực này cho nhẹ bớt để đi nhanh ra bắc.

Lại có truyền tụng rằng số vàng này đoàn vận chuyển của nhà vua đã gửi lại nhờ ông Võ Trọng Bình, một vị quan nổi tiếng thanh liêm quê ở Mỹ Lộc (An Thủy) cất giữ. Về sau khi Pháp chiếm tỉnh thành Động Hải (Đồng Hới), ông Võ đã thả các đài vàng xuống vực An Sinh để khỏi rơi vào tay Pháp.

Đấy là những lưu truyền trong dân gian, sự thực thế nào thì cũng chưa có kiểm chứng. Còn theo anh Hoàng Đại Hữu, nguyên Trưởng phòng văn hóa - thông tin huyện Lệ Thủy, hàng năm vào 23 tháng chạp, người ta lên chính giữa ngã ba vực lấy nước về chùa Hoằng Phúc để làm các nghi lễ nhà chùa.

Dãy núi chặn dòng sông này không quá lớn, cao chừng 50-70 mét so với mặt nước nhưng thế đứng vững chãi, ngày xưa cây cối rậm rạp, có cả thú dữ, người dân địa phương gọi là lòi An Sinh. Trên núi nơi đối diện với vực An Sinh có một cái miếu nhỏ, như người dân nói là rất linh thiêng, hàng năm vào dịp lễ, tết người dân trong vùng đều đến dâng hương.

Thời gian cùng với chiến tranh đã làm cho cái miếu này hoang tàn. Năm 2017, một doanh nghiệp tại địa phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để tôn tạo lại miếu ngay chỗ cũ, lấy tên là Miếu Bà. Miếu khá uy nghi, mặt hướng về ngã ba sông (hướng tây- bắc). Từ phía xã Trường Thủy cách xa hơn dăm bảy cây số vẫn nhìn thấy rất rõ ngôi miếu này trong xanh thẳm của rừng thông.

Tuy nhiên, để nơi đây thành nơi người dân thể hiện tín ngưỡng của mình được đàng hoàng hơn, cũng cần có những đầu tư thêm. Đó là đoạn đường từ đường liên xã lên núi khoảng 200 mét chưa được cứng hóa, bậc lên xuống sông cũng đang là vực đất hiểm trở, dốc đứng... Rồi rừng thông cũng nên “tỉa tót” đôi chút cho nó thoáng về tầm nhìn về các phía, đặc biệt phía hạ nguồn đang bị cây cối bịt kín...

Dưới chân núi là làng An Sinh thuộc xã Văn Thủy, nay đổi thành làng Văn Minh. Theo lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy, nơi đây trong các ngày 4-6 tháng 7-1945, đồng chí Đoàn Khuê chủ trì hội nghị thành lập Tổng bộ Việt Minh Quảng Bình, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945. Và cũng là nơi lá cờ đỏ sao vàng được xuất hiện đầu tiên ở tỉnh ta.

Từ Miếu Bà nhìn ra phía bắc là nơi dòng Kiến Giang quẹo trái đột ngột, tạo thành một doi đất khá cao. Lúc trước nơi đây là rừng rậm, bây giờ là rừng trồng, cây cối xanh mướt, ẩn hiện là căn nhà cũ của trạm kiểm soát lâm sản của lực lượng kiểm lâm. Khi mà vận chuyển lâm sản chủ yếu bằng đường sông thì vị trí này được coi là “tử huyệt”, trạm đóng ở đây sẽ kiểm soát tất cả các hoạt động trên sông từ thượng nguồn về.

Những năm sau chiến tranh thì chưa có khái niệm phá rừng, chỉ có khái niệm khai thác tài nguyên rừng. Trạm sẽ thu phí khai thác tài nguyên rừng. Từ bó củi dâu dâu đến súc gỗ cả dăm bảy người khiêng đều bị thu phí. Phí lớn nhỏ tùy sự ước lượng của kiểm lâm viên. Nay trạm này đã dời đi chỗ khác.

Rời ngã ba sông với những huyền bí mang lên theo thượng nguồn Kiến Giang. Những đoạn sông êm đềm, bình lặng đã ở lại phía sau, ngược lên thượng nguồn dòng Kiến Giang bắt đầu những thác ghềnh nối tiếp. Đó là thác Tre, thác Lục Sơn, thác Lổm Chổm... đang chờ đón đoàn chúng tôi. Đây cũng là hướng đi của những đoàn quân khai phá miền tây các địa phương phía tả ngạn dòng Kiến Giang. Những hiểm trở của dòng sông như báo hiệu nhiều điều kỳ thú đang ở phía trước...

Văn Hoàng

Bài cuối: Về vùng đất linh thiêng

 

,