.

Rừng gỗ quý của lão nông huyện Tuyên

Chủ Nhật, 10/09/2017, 15:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Sở hữu một khu rừng rộng 3ha, trồng toàn giống cây gỗ rừng bản địa quý như: lim, huỵnh, trầm gió…, ông Đinh Hữu Sinh (50 tuổi) ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa chỉ cần thu những sản phẩm phụ dưới tán rừng cũng đã có cuộc sống sung túc…

“Của…để dành!”

Chỉ rộng chừng 3ha nhưng khi vào thăm khu rừng của ông Sinh, chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm loại cây rừng thẳng tắp cao hàng chục mét, xanh ngút tầm mắt...

Những cây gỗ huỵnh vừa được ông Sinh trồng chưa đầy 1 năm đã phát triển rất tốt.
Những cây gỗ huỵnh vừa được ông Sinh trồng chưa đầy 1 năm đã phát triển rất tốt.

Ông Sinh kể, trước đây cũng như bao người dân xã Cao Quảng khác, ông vốn là một “lâm tặc”, bởi cuộc sống của gia đình đều dựa cả vào việc vô rừng khai thác lâm sản trái phép của ông. Cao Quảng quê ông nằm giữa bốn bề là rừng, những cánh rừng bạt ngàn tưởng chừng như bất tận như thế mà cũng đến ngày bị cạn kiệt bởi sự khai thác của con người, trong đó có ông và những người anh em của ông. “Nhiều đêm đi rừng về dù rất mệt nhưng tôi vẫn không tài nào ngủ được.

Cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những cây rừng bị đốn hạ và những khu rừng vốn ken dày gỗ bị tàn phá đến hoang tàn cứ mồn một hiện về, làm tôi dằn vặt mãi. Cuối cùng tôi quyết định từ giã nghề “lâm tặc” - ông Sinh tâm sự.

Theo lời ông Sinh, năm 1992, khi Nhà nước kêu gọi người dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông đã chuyển cả gia đình từ trung tâm xã vào sát bìa rừng nhận đất trồng rừng và để tiện cho việc trồng rừng. Khi được Nhà nước giao 3ha đất rừng, khác với mọi người ở thời điểm đó đều trồng rừng bằng các giống keo, tràm, ông Sinh quyết định đi kiếm các giống cây rừng bản địa về để trồng.

Ông Sinh cho biết, để có khu rừng toàn cây gỗ bản địa như hôm nay, ông đã mất gần 20 năm trồng và chăm sóc.“Chú trọng trồng các loại cây gỗ rừng bản địa, trong đó có nhiều loài gỗ quý như sưa, lim, vàng tim, huỵnh... Ngoài lợi ích kinh tế, tôi còn muốn giữ lại cho muôn đời sau một cánh rừng tự nhiên như vốn có, dù đó chỉ là một khu rừng rất nhỏ...” - ông Sinh chia sẻ.

Hiện trong khu rừng của ông có nhiều cây gỗ như: lim, huỵnh... mà nếu cưa lấy gỗ bán cũng đã thu được từ 30 đến 50 triệu đồng/cây. Nhiều người chơi cây cảnh cổ thụ đến khu rừng của ông Sinh cũng muốn mua những cậy lội, cây sưa với giá hàng chục triệu đồngmỗi cây.

Dù có giá trị lớn như vậy, nhưng ông Sinh chưa hề nghĩ đến việc khai thác hoặc bứng những cây gỗ rừng để bán. Những lần như thế, ông Sinh thường khéo léo trả lời những người hỏi mua: “Đó là của hồi môn mà tui muốn để dành cho con cháu mai sau!”.

Sống tốt nhờ thu sản phẩm phụ

“Việc trồng và chăm sóc tốt những loại cây dược liệu, cây dứa dưới tán rừng  đã giúp gia đình có nguồn thu, giúp tôi theo đuổi việc trồng rừng cây gỗ bản địa.

Bởi với việc trồng rừng cây gỗ bản địa phải mất nhiều thời gian, có khi cả đời người mới có thu hoạch, chứ không phải như trồng keo, tràm, chỉ 5 năm là có thu rồi...” - ông Sinh chia sẻ.

Tuy không bán gỗ rừng, nhưng nhiều năm qua gia đình ông Sinh cũng đã sống tốt từ việc thu sản phẩm phụ của khu rừng. Ông Sinh cho biết, nhiều năm nay, dưới tán khu rừng, ông đưa giống cây dứa (thơm) vào trồng. Đây là loại cây mà theo ông Sinh trồng dưới tán rừng rất phù hợp, vừa giữ đất khỏi bị xói lở, tránh cây dại nhưng mỗi năm cũng đưa vềcho gia đình ông nguồn thu hơn 10 triệu đồng...

Bên cạnh đó, để giữ đất và không mất công phát cỏ, cây dại, ông Sinh còn vào rừng đào những cây dược liệu như: giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, bổ cốt toái, cây lá vằng; các loại cây có thể sử dụng làm rau như: lá trơng, lá bứa, rau tớn... về trồng và chăm sóc. Những loại cây này ít mất công chăm sóc, nhưng hàng năm cũng đưa về cho gia đình ông một nguồn thu đáng kể. Sản phẩm được các thương lái tìm đến nhà mua với số lượng không hạn chế.

Chưa hết, trong khu rừng của ông Sinh còn có các sản phẩm phụ khác như: Nấm lim, mật ong rừng, đặc biệt là với với việc sở hữu hàng chục cây dẻ cổ thụ, mỗi mùa hạt dẻ, ông Sinh cũng thu được tiền triệu từ việc nhặt hạt bán.

Ngoài việc trồng rừng, tận dụng vườn rộng, ông Sinh còn chăn nuôi thêm bò, gà thả vườn và trồng nhiều loại cây ăn quả như: cam, mít... giúp gia đình ông Sinh có thêm nguồn thu nhập, sống tốt mà không cần nghỉ đến việc phải bán gỗ rừng...

Mở một hướng đi mới về trồng rừng

Từ chỗ được mệnh danh là một xã “lâm tặc”, những năm gần đây người dân Cao Quảng đã dần dần từ bỏ việc khai thác rừng để chuyển sang trồng rừng phát triển kinh tế với diện tích lên đến hàng ngàn héc ta. Tuy nhiên, theo ông Mai Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, người dân Cao Quảng chủ yếu trồng các giống cây rừng kinh tế đơn thuần như keo, tràm...

Ông Sinh trong khu rừng với nhiều loài cây gỗ quý của mình.
Ông Sinh trong khu rừng với nhiều loài cây gỗ quý của mình.

“Việc ông Đinh Hữu Sinh trồng và khoanh nuôi thành công một khu rừng gỗ quý toàn cây bản địa đã gợi mở một hướng đi, cánh nhìn mới về trồng rừng phát triển kinh tế của địa phương chúng tôi trong thời gian tới.” - ông Tuyên nói.

Theo ông Tuyên, trồng rừng cây bản địa thì thời gian để có thể khai thác thường dài gấp đôi rừng trồng các loại giống cây nguyên liệu như: keo, tràm... tuy nhiên từ thực tế mô hình của gia đình ông Sinh có thể thấy rằng hiệu quả kinh tế của nó mang lại là gấp vài chục lần. Đặc biệt hơn, với việc trồng rừng cây bản địa không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá, lâu dài cho bà con mà còn góp phần bảo vệ tốt môi trường và bảo tồn nhiều giống cây rừng quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

“Hiện nay nhiều giống cây rừng bản địa đã được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh ta gieo ươm thành công như giống huỵnh, sưa, trầm gió, vàng tim... nên việc trồng rừng bằng các giống cây bản địa này trở nên dễ dàng hơn đối với bà con nông dân ở xã Cao Quảng... Và chắc chắn việc trồng rừng với các giống bản địa là một hướng đi tốt, đầy triển vọng của địa phương chúng tôi” - ông Tuyên khẳng định.

Phan Phương