.

An dân để vững chắc vùng biên - Bài 2: Xây dựng thế trận lòng dân

Thứ Bảy, 30/09/2017, 10:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, biên giới có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Dù thực tế vẫn còn nhiều gian khó nhưng thế trận lòng dân luôn giữ vững và được phát huy cả trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trong xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định.

>> Bài 1: Xóa đói giảm nghèo ở vùng biên

Mặc dù đã có nhiều đổi thay, nhưng nhìn một cách tổng thể, khu vực biên giới, miền núi tỉnh ta vẫn tồn tại những khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao với 4.671 hộ, chiếm 79,96%; số hộ cận nghèo 529 hộ, chiếm 9,06%. Sản xuất tại nhiều địa phương chậm phát triển; phương thức canh tác còn mang tính tự túc, chặt - đốt - cốt- trỉa; năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế thấp...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo giúp đồng bào khắc phục nhà ở bị hư hỏng sau cơn bão số 10 vừa qua.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cha Lo giúp đồng bào khắc phục nhà ở bị hư hỏng sau cơn bão số 10 vừa qua.

Tình trạng thiếu đất sản xuất, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép về cơ bản đã hạn chế, nhưng vẫn còn diễn ra ở một số nơi. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu địa bàn vùng sâu, vùng xa đang thiếu và yếu, nhất là giao thông, thủy lợi. Nhiều hộ đồng bào DTTS đang còn khó khăn lớn về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Nhiều nơi, đồng bào chưa được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo lớn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Bản sắc văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng các DTTS bị mai một dần; tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan có xu hướng tăng.

Đặc biệt các bản vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn như bản A Ky, Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch); bản Dốc Mây, PLoang, Rìn Rìn (xã Trường Sơn); vùng Loòm (xã Trọng Hóa); bản Ka Ai (xã Dân Hóa)... 

Theo ông Phan Công Khánh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh, để tiếp tục nâng cao đời sống người dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, cấp ủy địa phương cần chủ động hơn trong thực hiện các giải pháp an sinh bền vững; khơi dậy tính tự chủ trong cộng đồng đồng bào DTTS; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng biên giới vững mạnh toàn diện.

Bên cạnh các giải pháp tại chỗ, sự phối hợp hiệu quả của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng biên giới chính là một giải pháp quan trọng cần phát huy nhằm tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân nơi biên cương Tổ quốc.

Trên thực tế, xây dựng thế trận lòng dân tại khu vực miền núi, biên giới luôn mang đậm dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh. Trong giai đoạn từ năm 2011-2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Đề án "Tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy phụ trách cơ sở, giới thiệu đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt đảng tại một số chi bộ bản các xã biên giới phía tây của tỉnh".

Đến nay, có 4 đảng viên giữ chức danh phó bí thư đảng uỷ và 41 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 39 chi bộ bản. Đảng viên, cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường về cho các xã biên giới có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác quốc phòng - an ninh, công tác bảo vệ biên giới, phối hợp chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở.

Họ còn cùng với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đảng bộ các xã biên giới tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội. Cán bộ Bộ đội biên phòng đã vận động đồng bào phát huy thế mạnh tại chỗ, đẩy mạnh sản xuất vươn lên thoát nghèo, đồng thời, xây dựng một số mô hình khoanh nuôi, trồng, bảo vệ rừng, góp phần tạo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng góp phần thực hiện hiệu quả các Chương trình 134, 135, Quyết định 167-QĐ/TTg, Nghị quyết 30a/CP bằng việc hoàn thành hàng chục dự án lớn, vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng; thực hiện nhiều công trình phục vụ quốc phòng- an ninh và dân sinh như: nâng cấp đường 20 - Quyết Thắng từ km 46 đến km 61, kinh phí 66 tỷ đồng; đường vào 3 bản đồng bào Rục xã Thượng Hóa, kinh phí 760 triệu đồng...

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo"; kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm tài trợ, ủng hộ kinh phí, xây dựng và bàn giao đưa vào sử dụng 258 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, 15 nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc Mày ở bản Ka Ai, xã Dân Hoá trị giá 675 triệu đồng.

Bên cạnh đó, những người lính mang quân hàm xanh đã duy trì hiệu quả các trạm xá quân dân y kết hợp tại các bản 61, Làng Ho, Bãi Dinh nhằm chăm sóc điều trị sức khỏe ban đầu cho đồng bào DTTS; quy hoạch, xây dựng cụm dân cư bản Làng Ho với kinh phí gần 3 tỷ đồng bao gồm các hạng mục chính: nhà văn hóa, trạm xá quân dân y, hệ thống nước sạch sinh hoạt và làm mới 37 nhà ở, quy hoạch vườn hộ, hỗ trợ sản xuất cho nhân dân.

Cán bộ biên phòng luôn sâu sát tình hình đời sống của đồng bào DTTS.
Cán bộ biên phòng luôn sâu sát tình hình đời sống của đồng bào DTTS.

Các mô hình kinh tế do Bộ đội Biên phòng đầu tư mang lại hiệu quả cao. Nổi bật nhất là 2 công trình lúa nước Rục Làn và Ka Ai, với tổng kinh phí đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Đây là các dự án  kinh tế có ý nghĩa to lớn giúp đồng bào Rục xã Thượng Hoá và đồng bào Mày xã Dân Hoá ổn định nguồn lương thực tại chỗ, thay đổi phương thức sản xuất canh tác, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ cấp của Nhà nước, góp phần ổn định, nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Đại tá Phạm Xuân Diệu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhấn mạnh: "Xác định an dân để là vững chắc vùng biên, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên tuyến biên giới đã tập trung đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Qua đó nâng cao trình độ nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp quần chúng nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển về kinh tế, ổn định về an ninh chính trị, trât tự an toàn xã hội".

Ông Đinh Hợp, Chủ tịch UBND xã biên giới Thượng Trạch chia sẻ: "Địa bàn của xã có 2 đồn biên phòng đứng chân, Đồn Cà Roòng và Đồn Cồn Roàng. Bộ đội Biên phòng thực sự là niềm tin của người Ma Coong, dọc 18 bản ở xã Thượng Trạch, không nơi nào bộ đội không đặt chân đến. Bộ đội giúp dân từ cái ăn, cái mặc, dạy chữ xóa mù đến bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho dân... Người Ma Coong tin và nghe theo bộ đội. Thế trận lòng dân vì thế càng thêm củng cố, vững chắc".

Hương Trà