.

An dân để vững chắc vùng biên - Bài 1: Xóa đói giảm nghèo ở vùng biên

Thứ Sáu, 29/09/2017, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện là vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định đến việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Bằng sự huy động tổng lực từ các chương trình, dự án, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có những khởi sắc, nhờ đó thế trận lòng dân ngày càng vững bền.

Lên với địa bàn miền núi Quảng Bình hôm nay, điều dễ nhận thấy là tình trạng đất trống, đồi trọc, đồi lau lách không còn mà thay vào đó là các vườn đồi, vườn cao su, rừng keo, tràm... xanh tốt. Người dân bám bản sản xuất, ổn định đời sống, không còn tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế...

Những công trình dân sinh được chú trọng đầu tư ở các khu vực miền núi, biên giới.
Những công trình dân sinh được chú trọng đầu tư ở các khu vực miền núi, biên giới.

Tỉnh ta hiện có 5.840 hộ, 24.499 khẩu là đồng bào DTTS, sống tập trung tại 107 thôn bản của 17 xã vùng cao, biên giới thuộc địa bàn 5 huyện. Trong đó dân tộc Bru-Vân Kiều có trên 4.000 hộ với 17.000 khẩu, chiếm 71%; dân tộc Chứt 1.591 hộ, 6.417 khẩu, chiếm 26%. Ngoài ra còn có 162 hộ, 759 khẩu thuộc thành phần các dân tộc khác như: Thái, Mường, Thổ, Tày, Nùng, Pa cô, Ca rai... chiếm 3%.

Ông Phan Công Khánh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, tỉnh ta đã chú trọng ưu tiên các nguồn lực tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, biên giới.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương huy động các nguồn lực, cũng như lồng ghép dự án trên địa bàn với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, như: Chương trình 30A, Chương trình 135 về phát triển kinh tế- xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... 

Tỉnh cũng có các chính sách như hỗ trợ trực tiếp cho người dân vùng khó khăn; cho vay vốn sản xuất đối với hộ DTTS nghèo, hộ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn và một số chính sách ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi khác trên địa bàn... Bên cạnh các chính sách đầu tư của Trung ương, của tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, huy động lồng ghép các nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ để đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, miền núi.

Tại xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), chính sách giao đất, giao rừng về từng hộ và cộng đồng bản làng quản lý từng bước phát huy quyền làm chủ của người dân. Theo chủ trương giao đất, giao rừng của UBND tỉnh, xã Trường Sơn được nhận trên 3.800 ha đất rừng từ các lâm trường chuyển sang.

Đến nay, xã đã nhận 367,5 ha. Sau khi được cán bộ xã hướng dẫn, bà con phát huy hết lợi thế trên diện tích đất được giao. Nhiều hộ đồng bào biết trồng và phát huy lợi thế từ cây lúa nước; trồng và chăm sóc rừng keo, tràm. Trung bình mỗi năm, đồng bào dân tộc Vân Kiều, xã Trường Sơn thu hoạch được gần 40 ha keo, trừ các khoản chi phí, mỗi ha cho thu nhập 20 triệu đồng.

Ngoài ra, người dân xã Trường Sơn cũng được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ rừng cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã có 5 bản được giao quản lý 1.313 ha rừng cộng đồng, gồm Long Sơn, Trung Sơn, Cổ Tràng, Sắt và Khe Cát.

"Việc giao đất giao rừng cho đồng bào Vân Kiều quản lý, sản xuất không những tạo việc làm, tạo nguồn thu nhập giúp trang trải cuộc sống vốn đang còn nhiều khó khăn mà còn tạo được niềm tin cho nhân dân. Bà con yên tâm định canh định cư, tình trạng phá rừng làm nương rẫy hầu như không còn, công tác bảo vệ rừng từ đó được nâng cao"- ông Lê Văn Diên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quảng Ninh chia sẻ.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng tập trung củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng dân tộc miền núi vững mạnh. Trong đó, tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, năng lực vận động, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đặc biệt Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Mặc khác các địa phương quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế, nâng cao điều kiện sinh hoạt của nhân dân, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở vùng dân tộc miền núi.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc nên diện mạo vùng miền núi, biên giới của tỉnh từng bước đổi mới về mọi mặt. Đến nay, 100% các xã khu vực miền núi, biên giới trên toàn tỉnh có đường ô tô thông suốt; trên 80% địa bàn phủ sóng truyền hình; gần 100% số xã có trường tiểu học; mạng lưới y tế phát triển rộng khắp, ngay cả các thôn, bản đặc biệt khó khăn; 100% số xã có trạm y tế, trong đó trên 31,25% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% số người nghèo hưởng lợi từ bảo hiểm y tế...

Đặc biệt, đồng bào DTTS bám bản sản xuất, ổn định đời sống, không còn tình trạng du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy. Người dân vùng biên giới đã biết tổ chức sản xuất lúa nước, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế... Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.

Phát triển chăn nuôi bò ở bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh).
Phát triển chăn nuôi bò ở bản Dốc Mây (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh).

Khởi sắc của các xã khu vực miền núi, biên giới nói chung và trong đời sống của đồng bào DTTS, đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị vùng dân tộc miền núi, xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị ở khu vực biên giới. Các địa phương chủ động nắm chắc tình hình địa bàn trọng điểm; phòng ngừa, đấu tranh và giải quyết các vụ việc nổi cộm phát sinh ngay từ cơ sở, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ gây ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội. Đồng bào DTTS luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù nhiều hộ đồng bào vẫn còn thiếu đất sản xuất nhưng thời gian qua không có tình trạng lấn chiếm, phá rừng lấy đất sản xuất tạo thành điểm nóng. Việc khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép cơ bản không còn xảy ra. Đồng bào có ý thức, trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, phát triển rừng, cung cấp các nguồn tin có giá trị cho Bộ đội Biên phòng.

Các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng DTTS còn phối hợp với các lực lượng chức năng  luôn bám sát cơ sở, chủ động nắm bắt tình hình, triển khai thực hiện các kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đồng thời, nắm chắc tình hình nội biên, ngoại biên, thực hiện các phương án bảo vệ biên giới quốc gia, phòng chống vượt biên, xâm nhập và hoạt động của tổ chức phản động, không để bị động bất ngờ. Chính vì vậy, an ninh biên giới quốc gia, mối quan hệ nhân dân vùng biên giới trên địa bàn tỉnh luôn ổn định và giữ vững tình hữu nghị.

Hương Trà

Bài 2: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc