.

Mỏi mòn... nước sạch - Bài 1: Những vùng đất... "khát"!

Thứ Tư, 28/06/2017, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực trạng thiếu nước sạch sinh hoạt luôn là đề tài nóng tại không ít địa phương ở tỉnh ta, nhất là vùng nông thôn, miền núi, ven biển. Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 13% người dân nông thôn không được sử dụng nước hợp vệ sinh. Quảng Bình đang bước vào mùa khô với những ngày nắng nóng khắc nghiệt, chính vì vậy, việc thiếu nước sạch đang thực sự là nỗi ám ảnh của không ít người dân, dù đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Những năm gần đây, vấn đề nước sạch ở các vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ người dân vùng nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 86,85%. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt vẫn đang diễn ra hàng ngày tại không ít địa phương, nhất là các xã miền núi, ven biển. Xã miền núi Thuận Hóa (Tuyên Hóa) là một trường hợp điển hình.

Nhiều người dân ở các vùng khan nước sạch phải lặn lội hàng cây số để mua nước về dùng.
Nhiều người dân ở các vùng khan nước sạch phải lặn lội hàng cây số để mua nước về dùng.

Cả xã có 7 thôn nhưng chỉ có 3 thôn là Xuân Canh, Thuận Tiến, Thượng Lào được dùng nước sạch; thôn Ba Tâm có đường ống kéo nước suối trong rừng về dùng, còn lại 3 thôn Đồng Lào, Trung Lào, Hạ Lào thì quanh năm chịu khát. “Hầu như tất cả các giếng nước trong làng đều bị nhiễm phèn nên bà con không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Mọi người chỉ có thể dùng nước đó để tắm, giặt, rửa ráy chứ không thể dùng ăn uống. Ấy vậy mà vào mùa hè, ruộng khô thì giếng cũng khô, đến nước phèn cũng trở nên khan hiếm. Bà con lấy nước sông Gianh để ăn uống.

Mặc dù biết không hợp vệ sinh nhưng vẫn phải dùng”, anh Lê Hồng Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Thuận Hóa chia sẻ. Sống chung với tình trạng khát nước sạch triền miên nên người dân Thuận Hóa lúc nào cũng mong trời mưa để hứng nước dùng. Ở đây, hầu như nhà nào cũng sắm rất nhiều xô, chậu, xây bể chứa để đựng nước mưa. Với họ, cơn mưa dường như đã trở thành niềm mong đợi thường trực. Năm nào mưa nhiều thì bà con nơi đây bớt khổ vì thiếu nước. Năm nào mưa ít thì họ phải chịu cảnh lao đao.

Cũng như Thuận Hóa, người dân xã miền núi Lâm Thủy (Lệ Thủy) đang phải vật lộn với cơn khát nước sạch từ nhiều năm nay, nhất là vào những ngày nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay. Gia đình anh Bùi Văn Thiên (bản Tăng Ký) những ngày này chắt chiu từng giọt nước. Nước rửa rau, vo gạo được tận dụng để rửa bát hoặc cho lợn, gà uống. Mặc dù bản Tăng Ký cùng với hai bản khác là Bạch Đàn, Xà Khía đã có đường ống dẫn nước từ đầu nguồn rạch nhỏ về để dùng nhưng vẫn không đủ để phục vụ cho nhu cầu của bà con.

Và để đối phó với những ngày nắng nóng, khô hạn, họ phải lấy nước từ sông Long Đại về dùng. “Nhưng thế còn đỡ, 3 bản còn lại là Eo Bù Chút Mút, Tân Ly, Bản Mới chưa có công trình nước sạch nối về nên quanh năm phải dùng nước khe, suối. Khi nước khe, suối khô cạn thì họ phải đi hơn 1 km để lấy nước sông Long Đại rất vất vả”, ông Hoàng Lý, Chủ tịch UBND xã Lâm Thủy cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ với Thuận Hóa, Lâm Thủy là làng biển Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn). Nhiềunăm nay, dân Quảng Phúc không thể dùng nguồn nước ngầm tại chỗ vì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Cả phường có 1.964 hộ thì 202 hộ ở xóm Chòm Nam, Chòm Tây (tổ dân phố Đơn Sa), 229 hộ xóm Phúc Cựu (Diên Phúc), 116 hộ xóm Đồng (tổ dân phố Mỹ Hòa) và 220 hộ ở tổ dân phố Xuân Lộc đang phải sống trong cảnh thiếu nước sạch vì nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn. Để có đủ nguồn nước dùng cho sinh hoạt, hàng tháng người dân phải bỏ ra một khoản tiền để mua nước.

 Thiếu nước sạch sinh hoạt, những cơn mưa đã trở thành nỗi mong mỏi của người dân Thuận Hóa (Tuyên Hóa).
Thiếu nước sạch sinh hoạt, những cơn mưa đã trở thành nỗi mong mỏi của người dân Thuận Hóa (Tuyên Hóa).

Năm 2004, xã được đầu tư trạm xử lý nước sạch phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, do khoan ở khu vực đồi cát nên sau một quá trình sử dụng, 1 trong 3 giếng ngầm của địa phương bị cát lấp, không thể sử dụng được. Năm 2012, chính quyền địa phương trích từ quỹ phúc lợi đầu tư gần 100 triệu đồng cho việc khoan thêm 1 giếng ngầm phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con. Thế nhưng, với con số 720/1.964 hộ được sử dụng nguồn nước sạch thì rõ ràng bài toán nước sạch của Quảng Phúc đang gặp vướng do “cầu vượt quá cung”.

Ông Trần Tiến Thành, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Phúc cho biết: “Quảng Phúc là 1 trong 20 xã nằm trong dự án cấp nước của nhà máy nước huyện Quảng Trạch. Dự án này được chia ra làm hai giai đoạn và Quảng Phúc nằm ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, những năm gần đây do khó khăn về kinh tế nên nhà máy chỉ mới tiến hành khởi công thực hiện giai đoạn 1, còn đối với những địa phương nằm ở giai đoạn 2 như xã chúng tôi thì nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của hàng trăm người dân vẫn chưa có hồi kết”.

Thuận Hóa, Lâm Thủy và Quảng Phúc chỉ là ba trong số rất nhiều địa phương ở tỉnh ta đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Theo quy định tại Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để đạt tiêu chí môi trường, mỗi địa phương phải có ít nhất 60% dân số được sử dụng nước sạch. Do đó, việc thiếu nước sạch sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của các địa phương mà còn đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Tâm An

Bài 2: Để công trình nước sạch phát huy hiệu quả