.

Lênh đênh "phận lục bình" - Kỳ 2: Chòng chành theo con nước

Thứ Hai, 22/05/2017, 08:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay phía chân cầu Gianh, những chiếc thuyền của xóm vạn chài cứ dập dềnh theo từng con nước. Trên bờ, những đứa trẻ mặt đen nhẻm vô tư chạy nhảy khi được ra khỏi không gian vốn chật hẹp chỉ cần đứng thẳng người là đầu chúng va côm cốp vào “nóc nhà”. 10 năm nay, cuộc sống của những hộ dân vạn chài cứ chảy trôi như thế nhưng cái đói, cái nghèo thì vẫn cứ bám riết lấy bao đời cháu con họ.

>> Kỳ 1: Chuyện của Hà

Không chỉ riêng gia đình của Hà, trên dòng sông Gianh đoạn đi qua thị xã Ba Đồn vừa là nơi mưu sinh, vừa là chỗ nương náu của hàng chục hộ dân vạn chài. Phía dưới cầu Gianh hiện có 10 hộ gia đình cũng đang sống tạm bợ, “gạo chợ, nước sông” không biết đâu là bến bờ.

Cuộc sống của họ chỉ quẩn quanh trên bến, dưới thuyền, đói no phụ thuộc vào từng hôm buông lưới. Ở xóm vạn chài này, rất khó để đánh giá ai nghèo khổ hơn ai. Bởi, tất thảy chục hộ gia đình với hàng chục con người già, trẻ đều như nhau, sống bám vào sông, no đói cũng tùy thuộc vào sông.

Xóm vạn chài sinh sống ngay dưới chân cầu Gianh (thị xã Ba Đồn).
Xóm vạn chài sinh sống ngay dưới chân cầu Gianh (thị xã Ba Đồn).

Đêm đêm, trên những con thuyền mỏng manh, họ lại ngược theo dòng nước để buông lưới, thả rập, bỏ lại sau lưng những đứa con thơ lầm lũi bên ngọn đèn dầu leo lét, chông chênh trên sóng nước. Bình minh vừa hửng, những con thuyền ấy lại trở về, tụ tập phía chân cầu này. Cuộc sống cứ thế hết ngày này qua tháng khác.

Những chiếc thuyền của họ đều đã cũ, chỗ chắp, chỗ vá. Thường thì họ dùng vài tấm tôn dựng thành mái vòm, cao hơn 1m, lấy tấm bạt bao quanh che mưa, chắn nắng. Nhà khá giả chút thì có hai chiếc thuyền: một để đi làm cá, một để sinh hoạt. Còn lại hầu hết đều vừa là nhà, vừa là phương tiện đánh bắt cá hằng đêm. Suốt chục năm nay, xóm vạn chài phía chân cầu Gianh dường như sống biệt lập với cuộc sống nhộn nhịp bên ngoài. Tiếng xe cộ qua lại phía trên cầu vẫn không đủ sức xóa toạc đi sự tĩnh mịch trong chính cuộc sống của người dân nơi đây.

Người dân của xóm vạn chài đã quen với tính khí thất thường của dòng sông Gianh. Ngày thường, dòng sông Gianh yên ả, đẹp đến lạ. Nhưng cũng dòng sông ấy, vào mùa mưa lũ, nước đục ngầu, cuộn sóng, hung hãn và giận dữ như thể muốn nhấn chìm, nuốt chửng những gì mong manh đang cố néo lại trên mặt sông. Mỗi khi trời gió rét, chiếc thuyền co ro giữa cái lạnh se sắt của đất trời. Có gia đình 9, 10 người chia nhau từng chỗ ngồi khô ráo hiếm hoi còn sót lại, rồi đánh cược sinh mạng mình với sự dữ dằn của thiên nhiên.

Vợ chồng anh Mai Thiên và Phạm Thị Lài quê ở Cồn Sẻ (Quảng Lộc). Cả gia đình nội ngoại nhiều đời làm nghề chài lưới trên sông nên như vòng tròn bất tận của số phận, hai vợ chồng lại tiếp tục sống đời duyên nợ cùng sông. Chị Lài kể, thời cha mẹ chị, người quê chị và vùng thượng nguồn sông Gianh kéo nhau vào đây mưu sinh nhiều vô kể nhưng rồi, tháng năm trôi đi, hầu hết họ đều rời thuyền, bỏ bến, trở về quê nhà.

Chỉ còn ngần ấy hộ dân là bám trụ lại nơi này, còn câu chuyện lên bờ định cư mãi mãi không biết hồi kết. “Nghề nghiệp không có, nhà lại đông con, mình không bám thuyền mà làm nghề thì lên bờ biết lấy chi ăn”, chị Lài thở dài thườn thượt trong ánh chiều vàng úa ngả trên mặt sông.

Ngồi bên cạnh, chị Nguyễn Thị Tiệm (25 tuổi, quê ở Châu Hóa, Tuyên Hóa) cũng thêm vào: “Hồi trước chưa có nước sạch nên từ rửa rau, vo gạo đều bằng nước mặn hết. Bữa Tết tới giờ đã xin bắt được nước máy nên đỡ hơn nhiều. Chỉ có điện là không có thôi”.

Điều khiến chúng tôi ám ảnh nhất mỗi khi đến xóm vạn chài nghèo xơ xác như thế này là những ánh mắt nhiều xúc cảm của những đứa trẻ - những ánh mắt không có màu của nắng. Mùa hè, những đứa trẻ xóm cầu Gianh không mấy khi mặc áo quần, cứ thế tồng ngồng từ ngày này qua tháng khác.

Mẹ chúng bảo, áo quần đều rách bươm cả. Thỉnh thoảng lại có người thương tình cho ít quần áo, vậy là mấy chục con người chia nhau từng cái áo, cái quần cũ mà mừng như thể đồ mới mua. Nhưng như đã quen sống cuộc sống tự nhiên như thế, mấy đứa trẻ lại chẳng mấy khi hào hứng, vẫn cứ nhông nhông, trần truồng chạy nhảy hết trên bến đến dưới thuyền.

Những đứa trẻ xóm vạn chài.
Những đứa trẻ xóm vạn chài.

Xóm vạn chài cầu Gianh nhà nào cũng đông con. Vì sợ cuộc sống của con cũng sẽ bế tắc khi không biết chữ như bố mẹ chúng nên những hộ dân nơi đây vẫn quyết tâm cho con đi học. Đứa lớn thì gửi về quê, đứa nhỏ thì ở lại thuyền. Giờ cả xóm có 11 đứa trẻ con, hai đứa lớn đang theo học ở Quảng Thuận, còn lại đều rất nhỏ. Đêm đêm, chúng lại theo bố mẹ đi buông lưới, thả rập nên chuyện trẻ con xóm cầu Gianh rơi xuống nước là chuyện bình thường nhưng như chị Tiệm nói là “trời thương nên chưa có đứa mô bị chết đuối cả”.

Biết sự khắc nghiệt của cuộc sống “ở đậu” bến sông nên những hộ dân nơi đây đều yêu thương, giúp đỡ nhau như cùng một gia đình, san sẻ từng miếng ngon, tấm áo và giúp nhau mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Sự gắn bó ấy thể hiện rõ nhất mỗi khi đến mùa mưa lũ. Không có chỗ nương náu, 10 chiếc thuyền kết lại thành bè lớn, cùng dập dềnh theo từng con nước. “Có rứa mới vực lại được mưa to, gió lớn nếu không thì bão nhấn chìm hết rồi”, anh Mai Thiên ném ánh nhìn trầm đục ra giữa dòng sông, giọng buồn buồn.

Có nhiều nỗi niềm là thế nhưng khi chia tay, người dân xóm vạn chài cầu Gianh vẫn khoe rằng họ đã đăng ký tạm trú ở phường Quảng Thuận và một năm sau sự cố môi trường biển, người dân đã ăn cá, tôm trở lại. Vậy là đã hết những tháng ngày thiếu nước đủ bề, đã vơi bớt đi những thấp thỏm trước những buổi đặt chân đến chợ. Cuộc sống của những “thân phận lục bình” ấy cứ thế lạc quan, bình thản sống như dòng Gianh mỗi độ xuân về. Dẫu phía trước, giấc mơ lên bờ vẫn còn xa vời vợi.

Diệu Hương