.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017):

Tình yêu thời chiến trận

Chủ Nhật, 30/04/2017, 14:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiến trường Cửa Việt, Quảng Trị, giai đoạn 1972-1973, giữa cuộc chiến giành dân, giữ đất giữa ta và địch, trong căn hầm chữ A chật hẹp có hai người lính giải phóng đang trú ẩn. Một người bảo: "Mình có đứa em gái, hòa bình nếu còn sống, về quê mình gả cho. Người còn lại cười hạnh phúc: "Phải sống trở về chứ, để được làm em rể anh". Theo những cánh quân thần tốc hướng vào Nam, họ đã có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.    

Bốn mươi hai năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong ngôi nhà nhỏ khiêm nhường ở tổ dân phố 7, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, cựu chiến binh Trần Mạnh Thao (sinh năm 1942, quê quán xã Đồng Hoá, huyện Tuyên Hóa), người lính trong căn hầm nơi chiến trường Cửa Việt thuở nào vui chuyện cùng chúng tôi bên người vợ thảo hiền, bà Lê Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1948, quê quán xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh).

Bà Hạnh là em gái của đại tá, họa sỹ Lê Duy Ứng. Đại tá Lê Duy Ứng chính là người đã hứa gả em gái cho người đồng đội của mình giữa chiến trường bom đạn khốc liệt. Dù qua tuổi thất thập nhưng kỷ niệm về chiến trường, về tình đồng chí, đồng đội, về tình yêu người lính trong ông bà Thao-Hạnh vẫn mãi mãi vẹn nguyên cùng năm tháng.

Ông Trần Mạnh Thao, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Ông nhập ngũ tháng 4-1963, lúc tròn 21 tuổi, biên chế vào bộ đội chủ lực Tiểu đoàn 929, Quân khu 4. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đơn vị sang chiến đấu tại chiến trường Lào. Năm 1966, ông tham gia khóa trung đội trưởng cối 82 ly tại Thanh Chương, Nghệ An, sau đó tăng cường về làm Trung đội trưởng Trung đội cối 82 ly, Đại đội 2 độc lập thuộc Khu đội Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Nhớ lại cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, ông Thao kể: "Trong khí thế hừng hực "Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, quyết thắng", chúng tôi nằm trong đội hình Sư đoàn 325 cơ động tấn công địch, chia cắt Huế, Đà Nẵng.

Sau khi giải phóng Huế, Đà Nẵng, tôi được cấp trên điều trở lại làm Chính trị viên Tiểu đoàn 1 đánh thọc sâu giải phóng các tỉnh Phan Rang, Ninh Thuận. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Tiểu đoàn 1 đánh chiếm thị xã Long Thành, Đồng Nai. 7 giờ sáng ngày 30-4-1975, đơn vị vượt phà Cát Lái tiến về Sài Gòn. Đến 10 giờ, Tiểu đoàn 1 tấn công vào khu vực quận 9, Sài Gòn".

Bước sang tuổi thất thập nhưng kỷ niệm về chiến trường, về tình đồng chí, đồng đội và tình yêu trong ông bà Thao-Hạnh mãi vẹn nguyên cùng năm tháng.
Bước sang tuổi thất thập nhưng kỷ niệm về chiến trường, về tình đồng chí, đồng đội và tình yêu trong ông bà Thao-Hạnh mãi vẹn nguyên cùng năm tháng.

Nhắc lại câu chuyện tình yêu đầy chất lính của mình, ông Trần Mạnh Thao bảo rằng: "Người lính thời chiến như chúng tôi vào sinh ra tử, lên đường nhập ngũ luôn đặt nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc làm đầu. Tôi nên duyên vợ chồng với bà nhà, trăm sự ngàn sự đều nhờ anh Ứng (Anh hùng LLVT nhân dân, đại tá, hoạ sỹ, nhà điêu khắc Lê Duy Ứng).

Năm 1972, khi cùng trú ẩn trong căn hầm chữ A, anh Ứng khoe rằng mình có cô em gái. Mai mốt hòa bình, nếu còn sống trở về sẽ gả cho. Qua câu chuyện anh Ứng, tôi biết em gái anh đang là sinh viên sư phạm học ở Trường đại học sư phạm Vinh, Nghệ An. Thế thôi, rồi chiến tranh cuốn chúng tôi đi một người một nơi"...

Bà Lê Thị Hồng Hạnh nhớ như in mối lương duyên thật đẹp của mình: "Khi tôi đang học tại Trường đại học sư phạm Vinh, một lần nhận thư anh Lê Duy Ứng, trong thư còn kèm thêm trang giấy nhỏ ghi vội mấy dòng: anh là bạn với anh trai em, vậy cho anh nhận làm anh xưng em gái nhé!, rồi ký tên. Đó là lần đầu tiên tôi biết về anh Thao qua nét chữ thật đẹp, chất chứa tình cảm.

Tháng 7-1974, anh ấy tìm đường về nhà tôi ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh với vai trò người mang thư (thật ra đều là “mưu kế” do anh Lê Duy Ứng bày cả). Đường về nhà theo lời anh Thao khá vất vả, từ Cửa Việt ra Đông Hà xin xe ô tô về Đồng Hới, xuống Đồng Hới, đón xe đò tuyến Đồng Hới- Lệ Thủy dọc theo đường 15, ngang qua cầu Long Đại thì xuống xe, cuốc bộ khoảng ba cây số tới chợ Cổ Hiền và hỏi nhà".

Bà Lê Thị Hồng Hạnh đang dạy học tại Lệ Thủy, linh tính mách bảo thế nào, hôm ấy bà xin nghỉ về nhà. Đến nhà thấy có chú bộ đội, ngờ ngợ hồi lâu nhưng chẳng dám hỏi. Thấy cái mũ cối đặt bên, bà Hạnh lén tìm cách lật ra, bắt gặp hai chữ Mạnh Thao viết trong vành mũ. Đích xác là chủ nhân những lá thư trao đổi qua lại từ trước đến nay. Bà Hạnh hồi hộp không nói được gì, vội vàng ra chợ Cổ Hiền mua vài thứ về làm cơm đãi khách...

Hai ngày sau, ông Lê Duy Ứng cũng ghé qua nhà. Ông Thao, bà Hạnh như những đứa trẻ ngoan ngoãn, răm rắp tuân theo lời anh Ứng: "Hạnh nấu cơm, Thao viết lý lịch trích ngang của Hạnh gửi vào đơn vị thẩm tra gấp"...

Tháng 12-1974, cách lần gặp mặt đầu tiên khoảng bốn tháng, ông Thao về quê bảo mẹ lên Cổ Hiền xin cưới bà Hạnh. Cưới nhau xong, đằng gái về nhà chồng tại xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, thời gian mất hai ngày đường.

Đôi vợ chồng trẻ bên nhau chưa đầy tuần, chiến trường miền Nam thế thắng như chẻ tre. Giây phút quyết định của thời khắc giải phóng miền Nam đã xác định. Ông Thao nhận lệnh cấp trên vội vã trở lại đơn vị, sau đó hút theo bước tiến quân thần tốc vào sâu phía Nam. Đích cuối cùng của cả dân tộc theo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có những người lính như ông Trần Mạnh Thao đã chốt, hội ngộ giữa Sài Gòn ngày 30-4-1975.

Đi qua chiến tranh, nên duyên với nhau trọn nghĩa vẹn tình, đôi vợ chồng Trần Mạnh Thao, Lê Thị Hồng Hạnh sống hạnh phúc bên nhau đến đầu bạc răng long. Họ có với nhau bốn người con, ba gái, một trai. Các con nay trưởng thành, yên bề gia thất. Nhớ về kỷ niệm chiến tranh, về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhớ cả tình yêu đẹp thời chiến trận, hai mái đầu bạc tựa vào nhau, mạch trào hạnh phúc.

Hương Trà