.

Đời Hàu - Bài 2: Xây dựng thương hiệu hàu

Thứ Hai, 03/04/2017, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở Quán Hàu, đời sông, đời người và đời hàu cứ thế quấn quyện chẳng rời. Người Quán Hàu gắn bó cùng dòng Nhật Lệ, nhiều người sống bằng nghề hàu và khấm khá lên cũng nhờ đó. Nhưng sự đãi ngộ của thiên nhiên không phải là điều bất tận, người Quán Hàu vẫn mơ có một ngày, con hàu sẽ là một lối thoát bền vững cho cuộc mưu sinh.

>> Bài 1: Lặn hàu đáy sông

“Bát cháo hàu ngọt mát những mùa xuân”

Nhờ những yếu tố đặc biệt về địa lý, địa chất tự nhiên, nguồn phù du trong nước phong phú, đã đem lại cho con hàu ở Quán Hàu có vị ngon đặc biệt không nơi nào sánh được. Thế nên người nơi đây vẫn tự hào bởi sản vật mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất neo mình bên sông Nhật Lệ suốt hàng trăm năm qua.

Người xóm hàu mong muốn nghề hàu sẽ được phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững.
Người xóm hàu mong muốn nghề hàu sẽ được phát triển nuôi trồng theo hướng bền vững.

Theo lý giải của ông Lê Bá Chương (Tiểu khu 4, Quán Hàu), nguyên là Đoàn trưởng Đoàn Địa chất 406 thì chính bởi hàu sống thường bám vào các bãi đá giàn hoặc đá cuội rời ra mà đặc điểm địa chất đáy sông vùng này chủ yếu là đá giàn tổ ong, cuội latirit, phong hóa từ đá phiến sét nằm ở đáy sông thành giàn hay thành đá cuội rời, do vậy diện tích hàu ở đây, phân bố nằm trọn trong phạm vi của thị trấn Quán Hàu.

Đó là một đặc điểm hiếm có, chưa kể đến nguồn phù du trong nước vùng này tạo nguồn thức ăn phong phú cho hàu, nên chất lượng con hàu ở Quán Hàu ngon, mang hương vị đặc biệt nổi tiếng xưa nay của một vùng đất.

Năm 2005, lần đầu tham dự Hội chợ ẩm thực Toàn quốc tại thủ đô Hà Nội, con hàu ngọt mát của dòng Nhật Lệ đã vượt qua nhiều của ngon, vật lạ trong cả nước để đạt huy chương Vàng. Tiếp đến là năm 2010, tại Lễ hội kỷ niệm 310 năm ngày mất của Thượng đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, con hàu đã vượt hơn cả ngàn cây số dự “Lễ hội ẩm thực Quảng Bình giữa lòng Phương Nam” và đã được du khách trong và ngoài nước biết đến.

Phải chăng là vì kết tinh từ sự hòa quyện giữa hai dòng nước mặn, ngọt nên hàu Quán Hàu có vị ngọt, thanh mát đặc biệt. Từ con hàu có thể nấu thành nhiều món ngon khác nhau như nấu cháo gạo, xào với hành kẹp bánh tráng, nấu canh chua, canh rau hoặc nướng tùy theo sở thích của mỗi người.

Từ nhiều năm trước, người Quán Hàu bắt đầu sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng máy.

Vậy là từ hàu to, hàu nhỏ, còn sống hay đã chết đều khó lòng lọt lưới.

Nhiều người lo ngại, nếu cứ tiếp tục đánh bắt như hiện nay, thì trong nay mai sẽ không tránh khỏi việc cạn kiệt nguồn đặc sản quý mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.

Đặc biệt, cháo hàu là món được nhiều người dân địa phương và khách thập phương yêu thích nhất. Dọc trên tuyến đường thiên lý Bắc Nam, quán cháo hàu O Mai trở thành một trong những điểm dừng chân thú vị của khách du lịch phương xa ghé lại.

Gần 20 năm mở quán, bà chủ quán Lê Thị Mai luôn hiểu đây không chỉ là phương kế mưu sinh mà còn là để cách quảng bá cho món ăn đặc sản của quê hương mình.

Vậy nên, hàu của quán phải đích thực là hàu được khai thác tại đây, dù giá cao hơn một chút nhưng đúng vị ngọt ngon của hàu Quán Hàu. Bà Mai bảo, chỉ có hàu nơi này mới có vị ngọt đặc trưng như thế nên muốn giữ được mùi vị ấy, bà thường có cách chế biến rất riêng.

Đó là thay vì ăn cháo theo kiểu um sẵn thì khách có thể đợi làm hàu tươi sống rồi ướp gia vị và đổ vào nồi cháo đang sôi. Bát cháo thơm lừng mùi gạo mới, mùi hành và vị ngọt, đậm đà của hàu. Cứ thế, quán cháo hàu O Mai luôn có sức hút mạnh mẽ đối với những bước chân phương xa một lần ghé lại mảnh đất này, muốn thưởng thức món đặc sản làm nên tên tuổi vùng đất bên dòng Nhật Lệ.

Phương kế dài lâu

Diện tích vùng nước có hàu ngon, chất lượng trên sông Nhật Lệ nằm rải rác từ rạn đá ngang thôn Trúc Ly thuộc xã Võ Ninh, xuôi về đến tận thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, chiều dài khoảng 4km. Nhưng khu vực tập trung nhiều nhất là ở phía bờ bắc thuộc địa phận thị trấn Quán Hàu. Bởi theo giải thích của ông Lê Bá Chương thì do đáy sông đoạn này chủ yếu là đá giàn tổ ong, đá cuội latirit rất thuận lợi cho việc sinh sản phát triển của hàu.

Đoạn sông đi qua đây có chiều dài khoảng 1,5 km, diện tích dự kiến trên 30 ha. Từ nhiều năm trước, người Quán Hàu bắt đầu sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng máy. Vậy là từ hàu to, hàu nhỏ, còn sống hay đã chết đều khó lòng lọt lưới. Nhiều người lo ngại, nếu cứ tiếp tục đánh bắt như hiện nay, thì trong nay mai sẽ không tránh khỏi việc cạn kiệt nguồn đặc sản quý mà thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này.

Theo ông Lê Bá Trưng, Chủ tịch UBND thị trấn Quán Hàu, từ nhiều năm trước, chính quyền và người dân nơi đây cũng đã nghĩ đến việc phát triển mô hình nuôi trồng hàu, tạo phương kế ổn định và dài lâu.

Khai thác bằng hình thức cào máy dễ dẫn đến nguy cơ nguồn hàu bị tận diệt.
Khai thác bằng hình thức cào máy dễ dẫn đến nguy cơ nguồn hàu bị tận diệt.

Trong năm 2008, UBND thị trấn đã giao cho hai hộ dân địa phương 3 ha diện tích mặt nước để tiến hành quây lưới, phát triển vùng nuôi hàu tự nhiên. Thế nhưng, theo ông Chủ tịch UBND thị trấn, năm đó, do mưa lũ xảy ra liên miên nên những dự án bước đầu ấy không thành công.

Tiếp đến, năm 2011, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh đã cho thử nghiệm giống hàu đại dương từ Nha Trang đưa ra và tiến hành nuôi ngay tại sông Nhật Lệ. Nhưng do giống hàu đại dương không phù hợp nuôi trồng ở vùng nước lợ nên hàu phát triển kém, bị chết nhiều. Người dân lại tiếp tục với mô hình nuôi thử với giống hàu tự nhiên, với mong muốn bảo đảm hiệu quả kinh tế lâu dài và bảo tồn được nguồn giống.

Thế nhưng, theo ông Võ Đại Thắng, một trong ba hộ nuôi thử nghiệm thì mô hình này sau đó cũng không thành công khi số hàu thu được sau vài tháng chăm nuôi nhỏ và hiệu quả kinh tế không cao.

Có lẽ đã đến lúc, chính quyền và các ban, ngành chuyên môn cần có những nghiên cứu sâu hơn, sự đầu tư dài hơi hơn, nghiên cứu kỹ những đặc trưng của nguồn nước, đặc tính của con hàu tự nhiên, lựa chọn được vùng khoanh nuôi phù hợp. Nhưng điều trước tiên là cần có những định hướng đánh bắt hợp lý để tránh việc khai thác đến tận diệt nguồn hàu tự nhiên.

Bên cạnh việc chú trọng công tác nuôi trồng, bảo tồn nguồn giống hàu Nhật Lệ, chính quyền địa phương cũng cần tập trung đầu tư đến việc phát triển thương hiệu hàu Quán Hàu, xây dựng thành một điểm dừng chân du lịch gắn với với đặc sản ngọt mát này.

Diệu Hương