.

"Làng Seoul" bên chân sóng

Thứ Bảy, 18/03/2017, 17:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ thành phố Đồng Hới theo đường Trương Pháp nối dài chạy dọc biển, qua hết địa giới xã Quang Phú sẽ đến xã Nhân Trạch (Bố Trạch). Phía đầu xã có một ngôi làng mới “chất ngất” nhà cao tầng. Hỏi nhiều người dân Nhân Trạch, họ bảo: “Làng Seoul Hàn Quốc đó”. Ngạc nhiên vì cái tên làng… chúng tôi đi tìm câu trả lời.

Làng xuất khẩu lao động

Hóa ra người Nhân Trạch quen gọi là “Làng Seoul” Hàn Quốc, không phải vì ngôi làng có người Hàn Quốc sinh sống hay vì những đặc điểm kiến trúc, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giống thủ đô Seoul của đất nước xứ Kim Chi mà vì trong làng nhà cửa khang trang, người làng giàu có nhờ xuất khẩu lao động. Phần lớn cư dân làng chọn xứ Hàn để “đất lành chim đậu”.

“Làng Seoul” chiếm khoảng một nửa diện tích thôn Nhân Quang. Đi sâu vào trong ngôi làng này, chúng tôi bất ngờ vì ở một vùng cát ven biển, đất toàn cát trắng nhưng lại mọc lên hàng chục ngôi nhà khang trang, kiến trúc hiện đại nằm san sát nhau, tựa như một khu đô thị mới quy hoạch chỉnh chu, đang kỳ đầu tư phát triển mạnh.

Anh Dương Quang Cường, 47 tuổi, một trong những người đầu tiên đặt gạch xây nhà, lập làng nhớ lại: “Khoảng những năm 1998, vùng đất này còn nghèo lắm, người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề biển. Nghề biển chỉ đủ ăn, thậm chí nhiều gia đình lâm vào cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai. Mưu sinh, lo việc học hành cho con cái còn khó khăn, nói chi đến xây nhà, cất tầng. Hồi đó, vợ chồng tôi làm nghề thợ may. Nhà gần trung tâm xã rất chật chội, chưa đầy 12 mét vuông làm chỗ chui ra chui vào cho 4 người”.

Một góc “Làng Seoul”.
Một góc “Làng Seoul”.

“Đất trong khu dân cư không còn, phía tây giáp với xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới có một khu đất trống toàn cát trắng mênh mông. UBND xã Nhân Trạch khuyến khích và cấp đất cho những đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng đến đây định cư. Theo chủ trương này, vợ chồng tôi chuyển đến đất mới. Năm 1999, xã Nhân Trạch vận động người dân trong xã tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Thời thế khó khăn, ở nhà làm mãi không đủ tiền nuôi vợ con, tôi quyết định đăng ký đi Hàn Quốc”.

Sau 5 năm lao động cực nhọc nơi đất khách quê người, Dương Quang Cường về quê, lận lưng chút vốn, anh cất căn nhà 2 tầng. “Thời điểm đó, cả khu đất bây giờ hay gọi “Làng Seoul” này mới chỉ có nhà tôi và căn nhà cấp bốn của người em trai. Ở thế thôi chứ buồn lắm. Tuyến đường chạy song song dọc bờ biển vào xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới, bây giờ đường nhựa, chứ lúc đó còn là đường đất đỏ, mỗi mùa mưa bão qua, cát lại lấp đầy. Khó khăn chất chồng”, anh Cường cho biết thêm.

Đến khoảng năm 2009 trở về sau, khu đất mới trở nên đông đúc. Gia đình nào chuyển đến đây ở đều xây nhà từ hai đến ba tầng, chủ nhân phần lớn đi xuất khẩu lao động nước ngoài về.

Làng phần lớn người già, phụ nữ

Hiện tại, “Làng Seoul” vẫn tiếp tục thêm nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại đang được xây dựng. Nhà cao, cửa rộng cất lên chính nhờ con em trong xã Nhân Trạch xuất khẩu lao động nước ngoài gửi tiền về, phần lớn từ Hàn Quốc.

Ông Lê Văn Trúc, 60 tuổi, ở thôn 1, xã Nhân Trạch cho biết: “Trước đây người dân Nhân Trạch sống bằng nghề biển, chết sống gì cũng dựa vào biển. Cuộc sống khó khăn, nghèo khổ. Nhiều gia đình có ba đến bốn người bám biển vẫn không đủ ăn, nói gì đến chuyện xây nhà cao cửa rộng. Rồi từ khi đi xuất khẩu lao động nước ngoài, mới đầu ít người đi, sau đó, thấy họ trở về làm ăn được, kinh tế khá giả, xây được nhà cao tầng. Từ đó ở Nhân Trạch, lớp trẻ đua nhau đi xuất khẩu lao động. Bây giờ xã biển phần đa người già, trẻ em, phụ nữ có gia đình, thanh niên chủ yếu đi nước ngoài hết”.

Anh Phạm Quang Tuyên, thôn Nhân Quang kể: “Trước đây tôi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc 7 năm, sau đó về nước và mua đất, cất nhà nơi khu đất mới. Vợ chồng tôi sinh sống tại làng này được 3 năm. Bây giờ nhà cửa mọc lên san sát, hiện đại lắm. Cái tên “Làng Seoul” do người dân gọi chơi thôi, gọi riết thành quen nên mới có cái tên như vậy”.

Ông Phạm Văn Khiến, trưởng thôn Nhân Quang cho biết: “Toàn thôn Nhân Quang hiện nay có trên 150 người đang lao động tại nhiều nước khác nhau, mà chủ yếu đi Hàn Quốc. Khu vực được người dân gọi “Làng Seoul” khoảng 100 hộ dân, nhiều gia đình vẫn tiếp tục lựa chọn xuất khẩu lao động nước ngoài như một cách làm giàu chính đáng”.

“Làng Seoul” của xã biển Nhân Trạch sẽ tiếp tục mọc lên nhiều ngôi nhà cao tầng mới, và quy mô làng cũng mở rộng ra hơn so với bây giờ. Vì nam thanh, nữ tú xã biển Nhân Trạch vẫn chọn cho mình hướng xuất khẩu lao động để làm giàu. Khi trở về, họ nên đôi, nên lứa… và chắc chắn họ sẽ lựa chọn hướng định cư tại “Làng Seoul”.

Phan Thủy-Thanh Long