.

Những miền quê đã qua...

Thứ Sáu, 30/12/2016, 13:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi chạm vào năm mới 2017 là trọn nửa thế kỷ kể từ ngày chúng tôi “trường chinh” suốt chiều dài của tỉnh theo trường sơ tán ra phía bắc. Có dịp trở lại những miền quê đã qua, ngày ấy... bây giờ có bao đổi thay theo hành trình đi lên của đất nước...

Năm 1967, khi khói lửa chiến tranh ngút trời miền Trung, hơn 600 học sinh Trường cấp 3 Lệ Thủy, ba lô trên lưng hành quân ra phía bắc mà điểm đến là xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa. Để tránh những tổn thất lớn, cuộc di chuyển được tổ chức thành từng tốp nhỏ, lẻ, thời gian xuất phát rải ra trong mấy ngày... Nhóm chúng tôi được “biên chế” gồm 5 người trong xóm.

Trong chuyến đi “xuyên tỉnh” năm ấy có bao điều mới lạ, có những nơi đã để lại những ấn tượng đi mãi cùng năm tháng trong tôi. Xin được điểm lại vài nơi, ngày ấy... bây giờ.

Sau gần một ngày đi qua những cánh đồng, chúng tôi chạm đến bến đò ngang đầu tiên, bến đò Trung Quán. Hồi ấy, những bến đò ngang là mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ, bởi vậy đã được người lớn “điểm mặt” và tính toán thời điểm qua đò cho chúng tôi khá kỹ để tránh giờ cao điểm máy bay Mỹ bắn phá. Bến đò Trung Quán và Trúc Ly là hai bến đò được tính đến trước hết. Điều thắc mắc của chúng tôi lúc đó là tại sao có đến hai bến đò khá gần nhau mà lại chỉ qua một dòng sông? Mãi đến sau này, khi được xuôi dòng Kiến Giang về hạ nguồn, tôi mới biết đến sự vòng vo của dòng sông và cả sự hợp long của một nhánh sông khác đã “phát sinh” thêm những chuyến đò ngang và làm cho những miền quê trở nên biệt lập...

Năm tháng trôi qua, những chuyến đò ngang cũng dần biến mất khi có những cây cầu vươn qua dòng sông. Nhưng đò Trung Quán và một bến đò ngang khác như anh em sinh đôi mang tên Quảng Xá vẫn chưa mất đi. Mãi đến năm 2010, cầu Trung Quán được khởi công xây dựng. Niềm vui bất tận với người dân đôi bờ, đặc biệt là với bờ nam, các xã Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh...Mấy năm sau, tháng 4-2014, lễ thông xe cầu Trung Quán được tổ chức gọn nhẹ mà tưng bừng bởi sự kiện quá lớn với người dân trong vùng, vĩnh viễn xóa đi những con đò ngang  chất chứa bao hiểm nguy trong mùa bão lũ. Cây cầu đã làm gần lại với huyện lỵ, tỉnh lỵ, là điểm nhấn để cả một vùng lúa phía nam huyện Quảng Ninh có những bứt phá trong hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Mấy năm trước đó, “hồ trên núi” Rào Đá chính thức tích nước và cung cấp nước tưới cho vùng nam huyện. Đặc biệt là hệ thống ống ngầm “chui” qua dòng Kiến Giang vươn qua vùng “tử địa” để làm xanh lại những cánh đồng lâu nay hoang hóa, chỉ có một vụ lúa ở Duy Ninh, Hàm Ninh... Có thể nói đấy là những “cú hích” cho vùng lúa phía nam huyện Quảng Ninh có những khởi sắc. Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được hình như vẫn còn đó những trăn trở.

Bình yên trên sông Long Đại (Quảng Ninh)
Bình yên trên sông Long Đại (Quảng Ninh)

Năm kia, cũng trên những cánh đồng lúa này, ông Nguyễn Duy Viên, chủ nhiệm HTX Thống Nhất xã An Ninh đã khao khát về một cơ chế thích hợp để những nông dân làm ăn giỏi tích tụ ruộng đất và làm giàu, từ đó níu kéo bà con cùng làm ăn, cùng khá lên trên đồng đất. Mà một khi có nhiều “đại nông dân” trở thành những doanh nghiệp trên đồng ruộng thì những nông dân không có điều kiện làm ăn lớn sẽ là thành viên của doanh nghiệp và chuyện nông dân có lương hưu không còn viễn vông nữa... Lúc này tôi trộm nghĩ, nông dân có lương hưu là khát vọng và cũng là đòi hỏi tất yếu trong giai đoạn mới chăng? Vâng, còn bao nhiêu điều cần nói nữa nhưng xin được dừng ở đây và đến với những miền quê khác.

Những ngày tiếp theo đoàn chúng tôi đi theo đường rừng. Đến buổi trưa ngày thứ năm, chúng tôi dừng lại bên một bến sông. Lại sông, lại bến đò, ai đó trong đoàn thốt lên đầy lo lắng. Trước mắt chúng tôi là một dòng sông lớn, nước trong xanh và rất đỗi hiền hòa. Vục nước vào mặt và nuốt vội vài ngụm cho đỡ cơn khát sau mấy tiếng đồng hồ qua “Dốc Lâm Lang nắng thiêu lửa đốt”. Nhưng quái lạ, thứ nước không thể uống được. Lần đầu tiên tôi mới biết đến... nước lợ, thứ nước khác hẳn với nước sông quê hương tôi. Đấy là thượng nguồn dòng Gianh và bến đò ngang cuối cùng trong chuyến đi mà chúng tôi phải vượt qua. Xa xa bên kia là “đèo Mồng Gà biển bạc bốn bề sương” và qua đèo là đến nơi trường chọn để tiếp tục sự nghiệp trồng người, Ngư Hóa...

Qua đò, khung cảnh hoàn toàn lạ lẫm, khác hẳn với vùng đồng bằng quê tôi. Những khối núi đá vôi cao sừng sững, có cảm giác như nó di chuyển theo bước chân bé nhỏ của chúng tôi, những xóm làng heo hút xa xa... Chúng tôi cùng chung ý nghĩ, dân ở đây còn nghèo và buồn hơn cả quê tôi.

Mấy năm trước trở lại bên bến sông này, trở lại vùng đất này, trước mắt là một cây cầu vững chãi, đẹp đẽ vươn qua dòng sông, cầu Châu Hóa. Trong ngày vui khánh thành cầu, tôi đã gặp lại bao người quen trong đó có Trung tướng Cao Ngọc Oánh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an. Ông là khách mời nhưng cũng là con người của quê hương Châu Hóa. Ông đã tâm sự: dòng sông gắn bó với tuổi thơ cùng bao kỷ niệm êm đềm và dữ dội, hình ảnh người cha với những chuyến đò chở bộ đội qua sông trong chiến tranh vẫn in đậm trong ký ức và ước vọng một cây cầu nối đôi bờ luôn day dứt trong lòng...

Mấy năm sau, một cây cầu hiện đại khác hiện diện  phía thượng nguồn, cầu Văn Hóa. Những cây cầu này đã làm gần lại những miền quê lâu nay gần như biệt lập bởi sự cách sông, trở đò và gợi mở những ý tưởng, thức dậy những tiềm năng còn ngủ yên ở đây.

Có lẽ mở đầu cho một thời kỳ mới trên vùng đất này kể từ khi một nhà máy hiện đại có tầm vóc quốc gia được khởi công xây dựng ở đây vào đầu thế kỷ 21. Đó là nhà máy xi măng Sông Gianh, với vốn đầu tư “khủng”, 3.200 tỷ đồng, có công suất thiết kế 1,4 triệu tấn/ năm. Những núi đá vôi vô tri vô giác trong mắt chúng tôi ngày xưa nay đã được biến thành... tiền. Giấc mơ có thật trên miền quê này.

Cầu Châu Hóa qua sông Gianh.
Cầu Châu Hóa qua sông Gianh.

Nhiều cái “đúng” với nhà máy hiện đại, lớn vào bậc nhất nước thời điểm này. Đó là chủ đầu tư đã lựa chọn dây chuyền và công nghệ của hãng POLYSIUS- Cộng hòa Liên bang Đức mà không phải của các nước trong khu vực như nhiều dự án xi măng sau này; các chuyên gia từ các nước tiên tiến là cường quốc xi măng trên thế giới được mời về để làm giàu cho trí tuệ của đội ngũ cán bộ, kỹ sư ở đây trong quá trình sản xuất... Và còn một cái “đúng” nữa, là Tổng công ty Miền Trung đã chọn đất này - Tiến Hóa, Tuyên Hóa, nơi thượng nguồn sông gianh để “cắm sào” và sử dụng nguyên liệu từ những núi đá vôi bên dòng Gianh.

Nhắc lại những cái “đúng” ấy không chỉ để... biết. Có điều gì đó thật cao quý mà ta phải khắc ghi và trân trọng, bởi cũng trong giai đoạn đó biết bao công trình dự án cũng tầm cỡ như xi măng Sông Gianh nhưng lại chọn công nghệ trong khu vực, công nghệ không tiên tiến... để rồi nay đang “đắp chiếu” hoặc càng sản xuất càng lỗ, những khoản lỗ khủng, mà Nhà máy Đạm Ninh Bình là một ví dụ. Còn gần đây và ngay trong tỉnh ta là nhà máy xi măng Áng Sơn 1. Để có cái “đúng” ấy ngoài tầm nhìn xa rộng là tấm lòng trong sáng, trách nhiệm với đất nước với quê hương của những người có trọng trách trong dự án này.

Những cái “đúng” ấy đã kết tinh nên những điều kỳ diệu, sau một thập kỷ đi vào hoạt động, công suất của nhà máy đã vượt mức thiết kế; sản phẩm là một thương hiệu mạnh, đạt đẳng cấp quốc tế, chiếm hơn 25% thị phần trong khu vực miền Trung- Tây nguyên... Nhưng cũng không thể không nhắc lại những tháng ngày “bĩ cực”. Nằm trong vùng đất thiên tai bão lũ triền miên nên nó cũng bị “vạ lây”. Những năm tháng đất nước khăn khó khăn về năng lượng, nhà máy liên tục bị cắt điện. Và cả những điều ngồ ngộ, là công nghệ tiên tiến cũng sinh ra những phiền phức trong chế ngự nó ở giai đoạn ban đầu, có thể ví von như cô gái đẹp thường... khó tính. Nhưng rồi tất cả cũng đã ở lại phía sau, những trắc trở đã làm phong phú thêm hành trình vượt khó của tập thể cán bộ, công nhân nhà máy non trẻ này. Trong quá trình sản xuất, Xi măng Sông Gianh đã đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển không những trên quê hương Quảng Bình mà cả miền Trung và Tây nguyên. Và một điều quan trọng nữa, Xi măng Sông Gianh đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất. Bao con em trong khu vực đã trở thành những kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân lành nghề trong nhà máy này để có một tương lai tốt đẹp hơn. Tiến Hóa và những vùng lân cận bây giờ không còn nghèo và buồn như thuở chúng tôi đi qua nữa và có lẽ đã vượt trội hơn nhiều vùng quê khác...

Bao vùng quê mến yêu mà chúng tôi đã đến trong chuyến đi này, trong đó có “Ngư Hóa lòng dân dựng lại mái trường” đã dung dưỡng chúng tôi, những đứa học trò xa quê, học hành để thành người. Nhưng trong khuôn khổ bài viết đầu năm mới không thể nói hết, xin hẹn một dịp khác.        

Văn Hoàng