.

Gượng dậy sau lũ...

Thứ Sáu, 18/11/2016, 10:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Cơn lũ lịch sử hồi trung tuần tháng 10 vừa qua đã đẩy không ít trang trại trên địa bàn tỉnh ta rơi vào cảnh trắng tay và nợ nần chồng chất. Sau lũ, một số trang trại đã chủ động vay mượn để khắc phục thiệt hại, tiếp tục đầu tư tái đàn, song cũng có không ít trang trại gần như "kiệt sức", không thể gượng dậy nổi. Họ thực sự đang rất cần sự chung tay giúp sức của cả cộng đồng...

Thiệt hại hàng tỷ đồng

Gần 1 tháng trôi qua sau ngày cơn lũ diễn ra, trên bức tường của trang trại chị Đặng Thị Ánh ở Thuận Đức (TP.Đồng Hới) vẫn còn lại dấu vết mớn nước cao gần 1,5m do cơn lũ ngày 15-10 để lại. Con đường dẫn từ cổng vào đến khu chăn nuôi lợn năm dãy chuồng khép kín có điều hòa vẫn còn trắng xóa dấu vôi khử trùng. Mua lại trang trại của người khác, sau gần 4 năm đầu tư xây dựng, cải tạo lại, với số tiền hơn 3 tỷ đồng, trang trại của chị Ánh trở thành trang trại quy mô nhất TP. Đồng Hới.

Trước đợt lũ, trang trại có đến 1.350 con lợn và 500 con gà đồi, ao cá. Vậy nhưng, chỉ sau mấy giờ đồng hồ mưa lũ diễn ra, gần như tất cả số lợn, gà, cá của trang trại bị "xóa sổ": 1.200 con lợn sắp xuất chuồng bị chết, toàn bộ 500 con gà, ao cá bị cuốn trôi theo dòng lũ, 300 tấn thức ăn bị hỏng. Tổng thiệt hại, gần 8 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Đức Hoàng Ngọc Lâm kể: "Sau lũ chính quyền địa phương đã huy động đến 30 người trong lực lượng phòng chống lụt bão đến trang trại của chị Ánh để khắc phục. Gọi là khắc phục, chứ đến đây chúng tôi chỉ có mỗi việc thu gom lợn, gà chết để đi tiêu hủy. Nhìn hơn một ngàn con lợn chết nằm ngổn ngang, chúng tôi ai cũng ngao ngán. Nhiều con lợn nặng hơn 1,5 tạ bị ngâm nước trương phình lên, không thể dùng sức người vận chuyển, mà phải thuê máy xúc đưa lên xe chở đi tiêu hủy".

Một tháng trôi qua, giờ đây, dẫu đã phần nào gượng qua được những mất mát do thiên tai để lại, thế nhưng chị Ánh cũng không tránh khỏi những lo lắng: "Không còn sức để đau nữa chú à. Giờ phải tự mình đứng dậy lo tính đường để khắc phục thôi. Bởi, nếu bỏ trống chuồng thêm ngày nào là thiệt hại thêm này đó".

 Mặc dù gắng gượng hết sức, nhưng cũng phải 1,5 năm nữa, trang trại của chị Đặng Thị Ánh ở Thuận Đức (TP.Đồng Hới) mới được phục hồi như trước.
Mặc dù gắng gượng hết sức, nhưng cũng phải 1,5 năm nữa, trang trại của chị Đặng Thị Ánh ở Thuận Đức (TP.Đồng Hới) mới được phục hồi như trước.

Chính vì vậy mà suốt gần cả tháng nay, chị Ánh chạy vạy khắp mọi nơi, vay mượn anh em, bạn bè, thậm chí cầu cứu cả bạn bè đang lao động ở nước ngoài để mượn tiền. Chuồng trại cơ bản đã khắc phục xong. Hệ thống điều hòa cho 5 dãy chuồng lợn khép kín, chị phải gọi thợ từ Nghệ An vào sửa chữa. Hơn 300 con lợn giống cũng đã được nhập về chuồng để tái đàn.

Cần thời gian bao lâu để trang trại phục hồi lại như cũ? "Chắc cũng phải mất thêm 1 năm rưỡi nữa", không cần nhẫm tính, chị trả lời luôn. Song điều chị lo lắng lúc này chính là số nợ hơn 4 tỷ đồng của ngân hàng không biết đến bao giờ mới trả được, chị Ánh nói với giọng gần như cầu cứu.

Anh Hoàng Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Đức cho hay: "Ở một xã phía tây TP. Đồng Hới như Thuận Đức, có lũ là một chuyện lạ. Lạ hơn nữa, mấy chục năm qua chưa có trận lũ nào lớn và bất ngờ như vừa qua.

Toàn xã có 11 trang trại thì có đến 9 trang trại bị thiệt hại do lũ, trong đó có 5 trang trại bị thiệt hại rất nặng, có trang trại mất trắng hàng tỷ đồng. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương chỉ có thể động viên bà con chủ động và cố gắng khắc phục thiệt hại, chứ không biết làm thế nào".

Nợ chồng nợ

Toàn bộ hơn 7.000 con gà, 600 con vịt, ngan, vịt trời sắp đến ngày xuất chuồng và 0,5ha ao cá (tổng trị giá gần 400 triệu đồng) của chủ trang trại chăn nuôi Nguyễn Trọng Cơ, ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy cũng bị cơn lũ ngày 15-10 "cướp sạch".

Ngồi nhìn dãy chuồng trại trống trơ, anh Cơ thẩn thờ chia sẻ: "Hai vợ chồng đi lên từ 2 bàn tay trắng. Có được quy mô trang trại như ngày hôm nay, đó là công sức, mồ hôi nước mắt của 2 vợ chồng ki cóp suốt 5 năm trời. Mấy năm nay có khi mô lũ lên nhanh và dữ như thế này đâu. Lại thêm nước lên nhanh vào ban đêm, nên chúng tôi không kịp trở tay".

Sau gần 1 tháng lũ rút, thế nhưng trang trại của anh Cơ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Thở dài một tiếng, anh tâm sự tiếp: "Bắt đầu từ đâu bây giờ, cả trăm triệu đồng vay ngân hàng đến tháng 2 năm 2017 là tới hạn trả, rồi số tiền thức ăn còn nợ gần 300 triệu đồng nữa. Nói là trang trại nhưng chẳng có dư dả vốn liếng gì cả đâu chú à. Tất cả là tiền vay mượn của ngân hàng và anh em, bạn bè cả. Tui đang tính, mượn sổ đỏ của bà con anh em vay mượn tiếp để đầu tư chăn nuôi lại từ đầu".

Không chỉ trang trại của anh Cơ, mà có đến 6/7 trang trại trên địa bàn xã Tân Thủy cũng bị thiệt hại nặng và lâm vào tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, thiệt hại do cơn lũ vừa qua gây ra cho các trang trại trên địa bàn huyện là rất lớn.

Theo thống kê, có khoảng 108 trang trại bị thiệt hại, với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Phần lớn các trang trại đều có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, vốn liếng đầu tư đều do tích lũy trong nhiều năm hoặc vay nợ mà có, nên khả năng tự phục hồi với họ rất yếu. Giờ đây, muốn phục hồi sản xuất, họ lại phải vay mượn, vì vậy, nợ chồng nợ là điều khó có thể tránh khỏi. Trong khi nguồn lực của huyện cũng hạn chế nên chưa có khoản hỗ trợ nào khác.

“Để các trang trại khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, giờ đây, bà con rất cần sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng, chứ một mình họ thì không đủ sức đâu. Trước mắt, bà con rất cần sự hỗ trợ về con giống, còn về lâu dài, các ngân hàng nên giãn nợ, khoanh nợ và có thể cho họ vay vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất. Có như vậy, họ mới đủ sức gượng dậy sau lũ”, ông Vương nói.

Dương Công Hợp