.

Gian nan giữ nghề chổi đót Quảng Phong

Thứ Bảy, 15/10/2016, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lịch sử gần một trăm năm tuổi, nghề làm chổi đót Quảng Phong (phường Quảng Phong, thị xã Ba Đồn) đã trải qua biết bao biến thiên, thăng trầm của cuộc sống. Vào giai đoạn cực thịnh, nghề là niềm tự hào, là “cần câu cơm” góp phần cải thiện cuộc sống của biết bao người dân nơi đây. Thế nhưng hiện nay, trong cơ chế thị trường, làng nghề chổi đót Quảng Phong đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức và nguy cơ bị mai một hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kịp thời tìm được giải pháp “cứu cánh”.

Làng nghề nức tiếng một thời...

Nghề làm chổi đót xuất hiện ở Quảng Phong đích xác từ lúc nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Nhiều người kể rằng, từ những ngày còn “cởi truồng tắm mưa” họ đã thấy người dân quê mình miệt mài với công việc làm chổi đót. Một số vị cao niên trong làng mang máng rằng nghề du nhập vào địa phương khoảng gần 100 năm.

Vào thời ấy, một số hộ gia đình ở Quảng Phong cứ vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân thường lên các xã vùng cao của huyện miền núi Minh Hóa, Tuyên Hóa để lấy cây đót về làm chổi bán, kiếm thêm thu nhập. Khi mới hình thành số hộ làm nghề này vẫn còn ít, chỉ lác đác một vài hộ. Hơn nữa, do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ nên nghề của làng đã bị gián đoạn. Mãi đến sau năm 1975, chổi đót Quảng Phong mới được khôi phục và phát triển. Đây được xem là giai đoạn cực thịnh của làng nghề. Thời điểm ấy, đi đến đâu người ta cũng bắt gặp cảnh người người làm chổi, nhà nhà làm chổi.

Làm chổi đót đã từng là nghề “cứu đói, cứu bần” cho nhiều hộ dân ở Quảng Phong.
Làm chổi đót đã từng là nghề “cứu đói, cứu bần” cho nhiều hộ dân ở Quảng Phong.

Mặc dù là một nghề phụ nhưng làm chổi đót đã thu hút mọi lứa tuổi lao động ở địa phương. Nói về nghề của làng, nhiều cụ cao tuổi cho biết, ngày xưa người dân Quảng Phong, nhất là ở tổ dân phố 5 bây giờ, người làm nghề nhiều lắm. Hễ cứ xong mùa vụ, là nhà nhà bày đót ra làm chổi. Ngoài nghề làm ruộng thì làm chổi đót là nghề phụ và cũng là nghề truyền thống của người dân trong làng, đây cũng là một nguồn thu nhập của bà con.

“Làm chổi đót không khó nhưng để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp thì cần phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn, đặc biệt là công đoạn vào cán và bện. Bông đót để làm chổi cũng yêu cầu khi thu hái phải được nắng, có màu trắng xanh, dài thì chổi mới bền”, ông Nguyễn Văn Tân, thợ làm chổi đót lâu năm ở Quảng Phong chia sẻ.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, ở Quảng Phong, nhà nào có làm chổi đót thì mức sống ổn định hơn. “Tuy thu nhập không cao nhưng nhờ chổi đót người dân quê tôi cũng kiếm thêm thu nhập để trang trải cho những sinh hoạt trong gia đình. Với một người thợ lành nghề, trung bình cũng làm được 15-20 sản phẩm/ngày, thu nhập khoảng 50.000-60.000 đồng. Tuy khó có thể làm giàu nhưng với nghề làm chổi đót trong tay, người dân làng nghề Quảng Phong ngày trước không phải lo đến việc đói ăn, thiếu mặc.

Bởi quanh năm hầu như không lúc nào là không có việc; sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Ngoài thị trường tiêu thụ trong xã, trong huyện rồi trong tỉnh, chổi đót Quảng Phong còn tỏa đi muôn nơi để phục vụ cho nhu cầu của bà con. Cái thời ấy đúng là thời “hoàng kim” của làng nghề”, ông Nguyễn Văn Hệ, Tổ trưởng tổ dân phố 5 tâm sự.

...Đang dần bị mai một

Xưa, nghề làm chổi đót là niềm tự hào của không ít người dân Quảng Phong, bởi nó là cứu cánh giúp họ vượt qua biết bao khó khăn, bĩ cực. Nhưng nay, có một thực tế hết sức phủ phàng là không ít người dân nơi đây đang dần “quay lưng” lại với nghề truyền thống của ông cha. Làm chổi đót không còn là niềm tự hào của họ, tất cả là vì thu nhập từ nghề chẳng đáng là bao, sản phẩm làm ra lại khó tìm được đầu ra ổn định.

“Trước đây nguồn nguyên liệu dồi dào. Bà con trong làng tự đi bẻ đót về làm chổi, không phải mất tiền mua nguyên liệu nên thu nhập cũng ổn định, trang trải được nhiều khoản chi tiêu trong gia đình. Hiện nay, nguyên liệu bị thiếu hụt, không thể tự khai thác được nên bà con phải mua với giá khá cao.

Theo giá cả hiện nay, chổi quét vôi được bán với giá khoảng 7.000 đồng/cái nhưng riêng tiền nguyên liệu đã mất 5.000 đồng; chổi quyét nhà 20.000 đồng/cái, tiền nguyên liệu khoảng 15.000 đồng. Một người làm lành nghề bình quân mỗi ngày làm được 15-20 cái, kiếm được chưa đến 30.000 đồng tiền lãi. Với mức sống, giá cả sinh hoạt như hiện nay, thu nhập từ nghề làm chổi đót như rứa là quá “bèo bọt”.

Chẳng trách nhiều người không còn mặn mà với nghề.  Và do không bảo đảm được mức sống, nhiều lao động đã giải nghệ, xoay sang tìm việc làm khác có mức thu nhập cao hơn như: nghề mộc, xây dựng, chăn nuôi hay buôn bán nhỏ”, ông Nguyễn Văn Hệ thở dài cho biết.

Một cơ sở thu mua chổi ở Quảng Phong.
Một cơ sở thu mua chổi ở Quảng Phong.

Thiếu nguyên liệu không phải là rào cản duy nhất trong việc giữ gìn, phát triển nghề làm chổi đót ở Quảng Phong. Đầu ra cho sản phẩm cũng đang là vấn đề làm “đau đầu” những người còn tâm huyết với nghề truyền thống. Nếu trước đây, thị trường tiêu thụ chổi đót Quảng Phong khá rộng, không chỉ ở khắp các vùng trong huyện, trong tỉnh mà còn vươn ra các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội... thì nay chổi của làng chỉ được bán lẻ tẻ ở chợ địa phương với sức mua khá ảm đạm.

Lý giải cho thực trạng này, ông Hệ cho biết, đó là do chất lượng, mẫu mã của chổi đót Quảng Phong chậm được cải tiến. “Thị hiếu người tiêu dùng đang ngày càng thay đổi, yêu cầu chất lượng hàng hoá ngày càng khắc khe hơn, trong khi đó, sản phẩm chổi đót của làng lại không đáp ứng được.

Lâu nay, do không được tập huấn kỹ thuật, người làng tôi chỉ quen làm chổi theo cách thức thủ công truyền thống của bao đời trước nên cây chổi khá thô, không mấy đẹp mắt. Chính điều này đang là rào cản để chổi đót Quảng Phong vượt thoát khỏi chợ địa phương, vươn ra các thị trường lớn hơn”, ông Hệ nói.

Chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa được cải tiến, giá thành thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh khiến việc “giữ chân” các lao động làm nghề chổi đót ở Quảng Phong trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Không đủ trang trải cuộc sống nên dù rất muốn gắn bó với nghề nhưng không ít người đành chấp nhận chuyển hướng sản xuất, tìm phương kế sinh nhai khác.

Nếu trước đây, đa số các hộ dân trong làng đều làm chổi thì hiện tại con số đó đang “rơi rụng” dần, chỉ còn sót lại mấy chục hộ. Và đa số những người còn bám trụ với nghề đều là người già cả, lớp thanh niên gần như rất hiếm người tỏ ra mặn mà với nghề.

Rõ ràng, với việc loay hoay tìm giải pháp khắc phục khó khăn trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, thực trạng mai một nghề làm chổi đót ở Quảng Phong đang hiện rõ.

“Điều mà người dân cần nhất lúc này là được chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng quan tâm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm chổi, tạo điều kiện cho chúng tôi đi học hỏi mô hình làm chổi ở những nơi khác.Đồng thời hỗ trợ chúng tôi xác định hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của ngành nghề, giúp bà con có thể thoát khỏi cuộc sống bấp bênh bằng chính nghề truyền thống đã gắn với làng từ hàng chục năm qua”, ông Hệ kết thúc câu chuyện.

Tâm An