.

Văn Thủy ngút ngàn xanh

Thứ Sáu, 30/09/2016, 09:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Làm việc với Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thuỷ, tôi được đồng chí Nguyễn Văn Vương, Huyện uỷ viên, Trưởng phòng giới thiệu về một địa phương điển hình có phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là xã Văn Thủy.

Từ thị trấn Kiến Giang, vượt qua quảng đường chừng 15km, tôi đến với xã Văn Thủy, nằm về phía miền Tây của huyện Lệ Thủy. Nơi đây, ngày 4-7-1945 lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình được thành lập tại miếu An Sinh thôn Văn Minh, từ đó lớn mạnh và trưởng thành qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Bên kia sông là xã Trường Thủy nơi có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, đó là lăng mộ Hoàng Hối Khanh và lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, những người có công với nước, với dân. Những năm 1990, xã Trường Thủy được Chính phủ cho tách ra 2 xã mang tên Văn Thủy và Trường Thủy để phù hợp với điều kiện tự nhiện, dân cư.

Trụ sở UBND xã Văn Thủy đóng sát gần dãy núi Yên Ngựa, nhà hai tầng khang trang, cách khoảng 3km về phía nam là hồ chứa nước An Mã được đưa vào sử dụng năm 2000, tưới mát cho 2 cánh đồng Lệ Thủy, Quảng Ninh 2 vụ lúa đông - xuân, hè - thu chắc ăn.

Giữa xã Văn Thủy là nguồn Rào Con bắt đầu từ rừng Ba Kiềng, Ba Núc của sơn hệ Trường Sơn phía nam Quảng Bình chảy theo hướng Nam Bắc đến vực Sanh thì gặp Rào Nậy đổ về cùng hợp thành sông Kiến Giang, chảy về phá Hạc Hải, sông Nhật Lệ rồi đổ ra biển Đông.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, Bí thư Đảng ủy Cao Xuân Phùng và Chủ tịch UBND xã Phạm Xuân Thuỷ vui vẻ hỏi:

- Nhà văn, nhà báo về cơ sở chắc có chuyện vui?

Không để cho bí thư Cao Xuân Phùng nói hết lời, tôi tiếp luôn: Nghe tin xã mình có phong trào trồng cây gây rừng dẫn đầu trong toàn huyện, tôi định viết bài tuyên truyền có được không?

- Thế thì tốt quá – Phùng trả lời.

Uống hết cốc trà xanh và những câu chuyện xã giao ngoài lề vui vẻ, Cao Xuân Phùng mở tủ lấy sổ sách cười và nói vui:

- Nói có sách mách có chứng anh ạ!. Toàn  xã có 7 thôn, với 936 hộ. Thực hiện sự nghiệp đổi mới của Đảng, chúng tôi tập trung phát triển kinh tế mà mũi nhọn là rừng trồng tạo môi trường xanh, vừa cho thu nhập cao. Toàn xã có trên 90% hộ có rừng, chăm sóc bảo vệ 654ha rừng, trong đó có 228ha thông nhựa đã cho khai thác.

Bây giờ về xã Văn Thủy không còn chỗ nào còn đất trống đồi trọc. Phùng nói vui: Xã Văn Thủy chúng tôi như bài hát “Tình cây và đất. Đất vắng cây đất ngừng ngừng hơi thở/ Cây thiếu đất cây sống sống với ai/... ôi đẹp làm sao tình cây và đất/ Đem đến môi sinh mạch sống cho đời”.

- 1ha rừng khi đến kỳ thu hoạch được bao nhiêu. Tôi hỏi:
- 25 đến 30 triệu đồng. Phùng trả lời.

Xanh ngát rừng trồng ở Lệ Thủy. Ảnh: P.V
Xanh ngát rừng trồng ở Lệ Thủy. Ảnh: P.V

Bình quân mỗi năm toàn xã khai thác trên 150ha rừng, đây là nguồn lợi kinh tế lớn. Khai thác xong là trồng rừng mới ngay không để đất nghỉ. Hộ có rừng trồng nhiều nhất như anh Trần Công Thận 30ha, Phạm Thị Sen 25ha, Nguyễn Văn Lợi 15ha, Phạm Quang Toàn 9ha, Trần Minh Trầm 8ha, Phan Thanh Hằng 9ha...

Bí thư Đảng ủy Cao Xuân Phùng cũng có 28ha, anh cũng say mê miệt mài với nghề trồng rừng. Mới đây qua kiểm tra, UBND huyện Lệ Thủy cấp giấy chứng nhận cho 2 trang trại trồng rừng đạt hiệu quả, đó là mô hình của anh Trần Công Thận và Cao Xuân Phùng. Hằng năm xã có 75% hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm trở lên, người cao nhất trên 300 triệu.

Tai nghe không bằng mắt thấy, tôi cùng bí thư và chủ tịch rời trụ sở UBND xã rảo quanh một vòng phong cảnh hữu tình, cây xanh rợp mát, đường làng phong quang, nhiều nhà cao tầng nhấp nhô trên những ngọn đồi chen lẫn dưới các hàng cây. Trường tiểu học, trường mầm non, trường THCS của xã khang trang có sân bóng chuyền, bóng đá sân khấu biểu diễn văn nghệ trong những ngày lễ hội.

Đến với làng Xuân Giang, chúng tôi rẽ đến thăm nhà chị Phạm Thị Sen một người phụ nữ làm ăn giỏi của xã, chị năm nay đã 70 tuổi nước da hồng hào ngăm đen, dáng đi nhanh nhẹn vừa nói vừa cười nên ai bắt gặp lần đầu đều đoán chị chắc chưa tới 60 mươi tuổi. Chị Sen vui vẻ tâm sự: Tôi từ bộ đội chuyển ngành về nông trường Đại Giang công tác, sau đó nghỉ hưu, bây giờ lương hơn 2 triệu đồng, chắt bóp chỉ đủ ăn, đủ mặc chưa kể đến chuyện hiếu hỷ cưới, kỵ làng xóm, bạn bè.

Thấy rừng là nguồn lợi chính đáng, tôi trồng 25ha rừng, 2ha cao su ngoài ra còn chăn nuôi lợn, đàn gà vài trăm con. Mô hình phát triển ổn định, cho thu nhập 300 triệu đồng/năm, tạo điều kiện cho 5 người trên địa bàn có việc làm. Có tiền chị cho các con dựng nhà, dựng cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, chị và các con của chị thuộc vào diện những người giàu có ở xã Văn Thủy hiện nay.

Rời nhà chị Sen, chúng tôi đến thôn Ba Canh gặp anh Trần Công Thận anh cho biết: Nhờ trồng rừng nên kinh tế ổn định, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm, có điều kiện nuôi con ăn học. 3 con của anh đỗ đạt cao vào các trường đại học, hai đứa đã ra trường có việc làm ở tỉnh Quảng Bình. Khu trang trại trồng rừng và nhà ở được xây dựng 2 tầng khang trang. Có tiền anh tích lũy cho các con mua đất làm nhà tại thành phố Đồng Hới để ổn định công tác lâu dài.

Bí thư và chủ tịch xã cùng tôi lướt xe máy trên những con đường còn nồng nàn mùi nhựa mới bao quanh khắp xã, không giấu nổi niềm vui. Chủ tịch Phạm Xuân Thuỷ tâm sự: “Văn Thủy là vùng đất đỏ ba gian, cây cối trồng xuống bén rễ lên xanh ngun ngút. Dân trồng đủ loại cây, nào là hoa màu, lúa, nào là cây ăn quả tốt tươi. Trước đây nhờ trồng cây mà dân Văn Thủy đã vượt qua những cơn đói giáp hạt, đói trái mùa. Nay cuộc sống khá lên người ta vẫn trồng cây nhưng là cây lâm nghiệp, cây công nghiệp để làm giàu như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Dẫn tôi đi thăm một số thôn, gặp người nào các anh cũng giới thiệu. Bà con Văn Thủy hồ hởi đón khách và mến khách. Vợ chồng anh chị Phan Thanh Hằng, Phạm Thị Năm có tới gần 10ha đất vườn đồi, vườn nhà, chỗ thì trồng rừng kinh tế keo lá chàm, tràm lá vàng chỗ thì rừng cao su, chỗ thì trồng cây hồ tiêu, cây ăn quả, thu nhập bình quân hàng năm trên 100 triệu đồng, bảo đảm cho 2 con ăn học đại học, có tích lũy phòng khi ốm đau. Đó là chưa kể anh chị còn làm thêm 2 mẫu ruộng, mua sắm máy xay xát lúa gạo quanh năm để tăng thu nhập.

Trở về trụ sở UBND xã Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy Cao Xuân Phùng tiếp tục câu chuyện. Anh cho biết, những chỉ thị, nghị quyết cấp trên khi về đều được triển khai nhanh chóng kịp thời. Cách làm khoa học và bài bản của anh được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương “tâm phục khẩu phục”. Anh bảo, làm cán bộ là phải gần dân, vận động nhân dân làm theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó cán bộ phải là những người gương mẫu đi đầu trong các công việc.

Thành công nhất trong thời gian qua là phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc làm cho môi trường quê hương xanh đẹp, phong trào xây dựng nông thôn mới được cán bộ xã gương mẫu thực hiện, cán bộ và nhân dân hiến đất, hiến cây, đóng góp hàng ngàn ngày công để chung sức, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp, tạo sự đoàn kết thống nhất.

Quả là sức dân như­ nước, chuyện làm giàu, chuyện đóng góp mở đường giao thông nông thôn, chuyện trồng rừng là niềm tự hào của người dân Văn Thủy hôm nay. Ngoài trồng rừng kinh tế, người dân Văn Thủy còn có 30ha cây hồ tiêu cho thu nhập cao. Cách đây 5 năm, hộ nghèo toàn xã chiếm tỷ lệ 30% nhưng đến năm 2016 chỉ còn 9,08%, đây quả thực là một sự vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Bây giờ về Văn Thủy bức tranh về một xã miền núi xưa vốn là nghèo khó không còn nữa, thay vào đó là điện, đường, trường, trạm khang trang, nhà ngói nhà cao tầng mọc lên trên những sườn đồi chen lẫn với rùng cây xanh tươi bát ngát. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”. 7/7 thôn được công nhận làng văn hóa. Đường nhựa liên thôn, liên xã chạy dài thẳng tắp.

Bút ký: Hoàng Đại Hữu