.

Những "lá chắn xanh" phòng lũ, bão của làng - Bài 1: Nghị quyết chống bão, lũ bằng... tre

Thứ Ba, 23/08/2016, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Trước sự biến đổi của khí hậu ngày càng khắc nghiệt, khó lường, việc tích cực chung tay chăm sóc, bảo vệ rừng đã và đang được nhiều địa phương ở tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Những khu rừng cộng đồng mà chúng tôi dẫn chứng dưới đây chính là những điển hình tiêu biểu trong việc tạo dựng "lá chắn xanh" để thích ứng hiệu quả với sự biến đổi khí hậu...

Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai, từ bao đời nay, người dân xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá đã chủ động trồng tre ngay sát mép sông Gianh và quanh vườn nhà để chắn gió, ngăn lũ, chống sạt lở, bảo vệ xóm làng.

Đến thời điểm 1981-1985, cây tre chính thức được Đảng bộ xã Mai Hoá đưa vào nghị quyết để phát triển lên thành cả khu rừng rộng lớn, tạo nên một "lá chắn xanh" vững chắc bảo vệ làng mạc, môi trường, đất sản xuất...

Trồng tre giữ đất, giữ làng

Xã Mai Hoá có vị trí địa lý nằm dọc theo bờ sông Gianh, nơi hợp lưu giữa hai nhánh sông lớn: Rào Trổ và Rào Nậy. Với địa hình sông núi chằng chịt, lồi, lõm khá phức tạp..., hầu như năm nào địa phương này cũng gánh chịu khá nhiều đợt bão, lũ rất hung dữ. Để giữ đất, giữ làng, người dân nơi đây đã chủ động trồng nhiều loại cây để che chắn, phòng ngừa bão, lũ. Và cây tre đã được bà con nơi đây chọn làm thứ cây trồng chính để thực hiện nhiệm vụ nói trên...  

Nhiều vị cao niên ở xã Mai Hoá cho biết, khi sinh ra và lớn lên thì đã thấy bờ tre xanh. Cụ Hà Văn Giáo, 75 tuổi, trú tại thôn Tây Hoá, xã Mai Hoá kể: Xã Mai Hoá trước đây có hai ngôi làng lớn, được gọi tên là Xuân Mai và Cổ Cảng. Dân của hai làng này chủ yếu dựng nhà, làm ruộng ngay sát mép sông Gianh, bởi đất đai ở đó tươi tốt, nhiều phù sa.

Nhờ đẩy mạnh trồng tre, xã Mai Hoá đã hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ sản xuất... rất hiệu quả.
Nhờ đẩy mạnh trồng tre, xã Mai Hoá đã hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ sản xuất... rất hiệu quả.

Tuy nhiên, vùng đất này lại thường xuyên xảy ra lũ lớn, bão mạnh. Có những năm lũ lớn, không ít nhà cửa, tài sản, vật nuôi của bà con đã bị lũ cướp mất, thậm chí cả tính mạng người. Chưa hết, sau các trận lũ dữ như thế, cát, đá, cây cối, rác rều... tấp vào làng nhiều vô kể. Nhiều nơi cát, đá theo dòng lũ cứ thế đùn lên cao tới chục mét, kéo dài đến hàng trăm mét. Một số nơi nước lũ khoét đất sản xuất nông nghiệp của bà con sâu hoắm tới vài mét.

Rồi nữa, do dòng chảy của sông Gianh biến đổi khó lường, tình trạng sạt lở đất ven sông cứ thế xảy ra thường xuyên, nhất là vào thời điểm có triều cường lớn. Không ít đoạn sông đã "ăn" đất, lấn sâu vào làng tới cả vài ha. Nếu không có những rặng tre này, chắc làng đã bị "xoá sổ" từ lâu...

Ông Trần Văn Huề, 65 tuổi trú tại thôn Nam Sơn, xã Mai Hoá tâm sự: Trước những năm 1980, cây tre ở xã Mai Hoá chỉ được người dân trồng thành từng khóm, bụi và phân bố rải rác ở ven sông. Sau đó, cây tre bắt đầu được người dân phát triển dày lên thành... rừng. Cây tre bây giờ được bà con trong xã trồng, chăm sóc và bảo vệ rất nghiêm ngặt, xem đây là "lá chắn xanh" để bảo vệ xóm làng rất hiệu quả. Cây tre đã gắn bó mật thiết với biết bao thăng trầm lịch sử của xã Mai Hoá.

Từ những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ cho tới tận hôm nay, cây tre đã giúp người dân địa phương rất nhiều việc như: trú tránh bom đạn của kẻ thù, dựng nhà để ở, làm trường học, rào nương vườn bảo vệ sản xuất, làm bè vượt lũ, làm nong để phục vụ nghề nuôi tằm, làm rá, rổ, sọt, đòn gánh, đũa ăn, lạt... phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp. Công dụng hữu ích của cây tre đối với bà con xã Mai Hoá có kể đến cả ngày cũng không hết. Tre đã gắn bó mật thiết với dân làng, thấm vào tận máu thịt của mỗi một người dân nơi đây...

Đưa tre vào nghị quyết

Đối với nhiều khu dân cư sinh sống dọc đôi bờ sông Gianh, việc trồng tre để giữ đất, giữ làng đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, để trồng, chăm sóc và phát triển tre thành cả khu rừng rộng lớn, kéo dài đến vài km như ở xã Mai Hoá hôm nay thì quả là hiếm gặp. Đặc biệt hơn, suốt mấy chục năm qua, cây tre đã "vinh dự" được Đảng bộ xã Mai Hoá đưa vào nghị quyết để phát triển thành rừng, tạo nên một "lá chắn xanh" vững chắc bảo vệ làng mạc, đất sản xuất, nguồn nước, môi trường sinh thái...    

Bí thư Đảng bộ xã Mai Hoá Trần Xuân Tân nói: Giai đoạn 1981-1985, nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm đối với nhân dân, thực hiện chủ trương mở rộng diện tích đất để phát triển sản xuất nông nghiệp..., Đại hội Đảng bộ xã Mai Hoá lần thứ XIV quyết định di dời khoảng 1/2 dân số của xã (chủ yếu là di dời dân của các thôn Đông Hoà, Đông Thuận, Bắc Hoá, Tây Hoá trực thuộc làng Xuân Mai) sinh sống tại mép sông Gianh vào sâu trong khu vực chân đồi.

Từ nghị quyết nói trên, tính đến năm 1985, khoảng 1/2 nhà dân ở xã Mai Hoá được chuyển vào sâu trong làng, nơi có vị trí cao ráo để tránh lũ, bão an toàn hơn. Đi cùng với việc di dời dân, địa phương đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại nơi sản xuất nông nghiệp cho bà con cho thật phù hợp, hiệu quả. Thời điểm đó, một nghị quyết về phòng chống bão, lũ và bảo vệ sản xuất nông nghiệp đã được Đảng bộ xã Mai Hoá lần thứ XIV xây dựng và duy trì thực hiện cho tới tận hôm nay. Nội dung của nghị quyết này xác định, để phòng chống lũ, bão có hiệu quả thì phải chú trọng trồng cây gây rừng.

Đặc biệt, tại khu vực sát mép sông Gianh cần phải chú trọng trồng thêm nhiều cây tre, tạo thành một lá chắn dày và kéo dài theo bờ sông... Sau khi có nghị quyết của xã ban hành, nhiều chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Mai Hoá cũng ra nghị quyết chuyên đề về chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây tre...

Bí thư Tân cho biết thêm: Sau khi các hộ dân di dời, địa phương liền tổ chức phát động trồng tre vào các vị trí đất trống sát mép sông Gianh. Suốt mấy chục năm qua, ngoài việc vận động nhân dân đẩy mạnh trồng cây gây rừng, cứ đến dịp "Tết trồng cây", xã Mai Hoá đều chỉ đạo mỗi hộ dân tại xã phải trồng được ít nhất một chục bụi tre. Địa phương đã giao việc quản lý, bảo vệ và khai thác rừng tre hợp lý, hiệu quả cho hai hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở xã, đó là Xuân Mai, Cổ Cảng.

Chính nhờ được chăm sóc, quản lý tốt, đến nay ở khu vực Xuân Mai đã có một khu rừng tre ken đặc ven sông Gianh với diện tích chừng 15 ha, kéo dài khoảng 4 km, có nơi rộng tới trăm mét; khu vực Cổ Cảng có một rừng tre chừng 7 ha. Tre đã tạo nên một "lá chắn xanh" vững chắc để bảo vệ xóm làng ở Mai Hoá trước nhiều trận bão mạnh, lũ giữ.

Hơn 160 ha đất lúa hai vụ và khoảng 150 ha đất màu hiện có ở địa phương cũng nhờ được rừng tre bảo vệ mà năng suất, sản lượng năm nào cũng "lọt" vào tốp đứng đầu toàn huyện. Bức tranh nông thôn mới của xã Mai Hoá ngày càng có sự khởi sắc hơn bởi rừng tre đã góp công to lớn trong việc nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí về môi trường, văn hoá...

Văn Minh

Bài 2: Khi mưng, bần… được trân quý