.

Minh Hóa-Những góc nhìn - Bài 2: "Nuôi rừng" và rừng "nuôi"

Thứ Hai, 29/08/2016, 07:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ khi mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng, người dân huyện Minh Hóa đã tích cực “nuôi” rừng kinh tế theo hướng nông lâm kết hợp. Không phụ công người, suốt 15 năm qua, những cánh rừng trồng bạt ngàn đã từng bước “nuôi” lại người dân Minh Hóa bởi hiệu quả kinh tế. Việc đẩy mạnh trồng rừng ở Minh Hóa đã góp phần nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 67%, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có tỉ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.

>> Bài 1: Chuyện của những con đường

Trước năm 2000, trên địa bàn huyện Minh Hóa còn hàng chục nghìn ha đất trống đồi trọc bị bỏ hoang. Thời đó, đời sống của người dân vẫn còn nghèo nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất này để trồng sắn và một số loại cây màu khác.

Rừng đang được trồng nhiều ở xã Trọng Hóa.
Rừng đang được trồng nhiều ở xã Trọng Hóa.

Sau năm 2000, nhiều hộ trên địa bàn bắt đầu manh nha trồng rừng nhưng họ vẫn chưa hiểu hết giá trị nên không mấy mặn mà chăm sóc, thậm chí nhiều người còn chặt rừng về để làm củi. Năm 2002, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm và làm việc với huyện Minh Hóa.

Trong chuyến đi này, đồng chí đã nhận thấy những tiềm năng và lợi thế của địa phương trong việc phát triển kinh tế rừng và chỉ đạo bà con trong huyện phải đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Từ đó, việc trồng rừng trở thành một trong những đề án phát triển kinh tế trọng điểm được đề ra trong các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa.

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Minh Hóa cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, người dân đã thấy được lợi ích của việc trồng rừng nên rất mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh trồng rừng bằng cách tận dụng triệt để quỹ đất, chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế cho bà con”. Hiện huyện Minh Hóa có trên 141.270ha diện tích đất tự nhiên.

Trong đó, có trên 670ha rừng trồng tập trung, 475 ha rừng trồng phân tán, 2.700ha rừng được chăm sóc; sản lượng gỗ khai thác rừng trồng từ đầu năm 2015 đến nay đạt trên 27.000m3. Ngoài ra còn có trên 28.000ha đất trống đồi trọc có thể trồng rừng. Hầu hết các địa phương trong huyện đều trồng rừng kinh tế, độ che phủ của rừng có tỷ lệ 78%, cao hơn mức bình quân của cả tỉnh.

Năm 2003, sau khi huyện Minh Hóa ban hành nghị quyết trồng rừng và chăn nuôi, xã Hóa Phúc cũng đã ban hành nghị quyết trồng rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương rồi vận động bà con tham gia trồng. Lúc đó, nhiều người phản đối rất quyết liệt, không chịu làm theo. Quyết tâm thực hiện nghị quyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và hai cán bộ văn phòng đã đi tiên phong, mỗi người nhận 2 ha đất để trồng rừng.

Ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc kể lại: “Thời đó, thấy chúng tôi trồng rừng, nhiều bà con ai cũng chê cười. Thậm chí có người còn nói là trồng rừng chắc để làm củi, mà đất này củi tràm, keo thì ai đốt mô”. Bỏ qua tất cả mọi nghi ngờ của người dân, cả 4 ông vẫn ngày tháng quyết tâm mở đất trồng rừng. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, những vườn keo, tràm lớn lên từng ngày thành những cánh rừng xanh tốt.

Khoảng 7 năm, gần chục ha rừng của các ông đã cho thu hoạch với số tiền mỗi hộ gần 100 triệu đồng. Thu hoạch xong lứa rừng đầu tiên, họ lại tiếp tục “đổ” vốn trồng rừng. Lúc này, người dân mới thấy được hiệu quả của rừng, hàng trăm hộ xung phong nhận đất trồng. Người trồng ít thì được 1 ha, người trồng nhiều trên chục ha.

Ông Đinh Minh Phận, một người dân ở thôn Sy, xã Hóa Phúc tâm sự: “Nhờ trồng rừng mà nhà tôi đã sớm thoát được nghèo, nuôi con khôn lớn, dựng vợ, gả chồng cho chúng”. Hiện gia đình ông Phận đã trồng được 12ha rừng keo, gần 2ha trầm hương, hàng ngàn cây ăn quả và khoanh nuôi bảo vệ 5 ha rừng tự nhiên. Ông đã bán được 2 lứa rừng trồng với số tiền trên 200 triệu đồng, có 3 ha đang chuẩn bị thu hoạch. Còn vườn cây ăn quả, sản phẩm từ chăn nuôi của nhà ông Phận mỗi năm cũng cho thu nhập được vài chục triệu đồng.

Hiện cả xã Hóa Phúc có gần 2.400ha đất rừng khoanh nuôi, trên 1.000 ha rừng được bảo vệ và trên 200 ha rừng trồng. Năm 2015, toàn xã đã khai thác được 400m3 gỗ keo, tràm, thu tiền tỷ.

Là xã biên giới, Trọng Hóa có trên 19.000 ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 18.000ha đất lâm nghiệp. Trong quỹ đất lâm nghiệp có trên 7.000ha đất rừng sản xuất, gần 11.000ha đất rừng phòng hộ. Để tạo điều kiện cho bà con trồng rừng, UBND tỉnh và huyện Minh Hóa đã giao đất, giao rừng cho nhân dân, cộng đồng bảo vệ. Với phương châm “cán bộ, đảng viên làm trước, làng nước theo sau”, xã Trọng Hóa đã giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt, khuyến khích họ đi đầu trong việc nhận đất để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để nhân dân làm theo.

Ông Hồ Lin, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa kể lại: “Trước đây, nhiều hộ dân trong xã được cấp đất, cho giống cây để trồng rừng nhưng không ai chịu trồng cả, nhiều người còn lấy cây vứt đi. Bởi đồng bào cho rằng, mình sinh ra từ rừng, xung quanh đã có rừng thì cứ thế mà khai thác, trồng chi cho mệt.

Từ quan điểm đó, nhiều người dân đã ngang nhiên đốt rừng làm rẫy khiến nhiều diện tích rừng bị phá. Để bà con nhận thức được việc trồng rừng, tôi đã mạnh dạn nhận giống cây về rồi vận động một số đảng viên cùng tham gia trồng rừng ở những nơi đất trống đồi trọc.

Sau hơn 10 năm, rừng đã phát triển xanh tốt và cho thu nhập cao”. Hiện Hồ Lin đã có 10ha rừng trồng keo, tràm. “Năm nhiều nhất tôi bán gỗ rừng trồng được trên 50 triệu đồng. Nhờ mình nuôi nó (rừng), giờ nó đã nuôi lại mình”, Hồ Lin phấn khởi. Cũng nhờ “nuôi” rừng, Hồ Lin đã mua được xe máy, ti vi, làm nhà cửa khang trang và lo chuyện cưới vợ cho con.

Thấy Hồ Lin trồng rừng có hiệu quả, nhiều hộ dân xã Trọng Hóa cũng đến học tập làm theo. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, ông đã tận tình bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cho nhiều bà con cách trồng. Nhờ đó, nhiều người đã mạnh dạn nhận đất, nhận cây về trồng và khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Chị Hồ Thị Mười, ở bản La Trọng 2 cho biết: “Từ khi được giao gần chục ha đất trồng rừng, mình đã bán bò để mua giống cây và đầu tư công sức để trồng. Ngày đó, được cán bộ xã lên tận rừng bắt tay, chỉ việc, hướng dẫn cụ thể mình mới biết cách trồng”. Hơn 10 năm trôi qua, cánh rừng bạt ngàn của Hồ Thị Mười đã phát triển xanh tốt, lứa rừng trồng đầu tiên đã mang lại cho gia đình chị 20 triệu đồng, lứa thứ 2 cho thu gần 50 triệu đồng. Còn những lứa rừng trồng tiếp sau cũng đang trong thời kỳ thu hoạch.

Đến thời điểm này, xã Trọng Hóa đã có hàng trăm hộ dân nhận đất trồng rừng. Theo số liệu thống kê, xã Trọng Hóa hiện có khoảng 600 ha đất có rừng trồng, trong đó có 178 ha do Dự án vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng hỗ trợ trồng những cây bản địa. Ngoài ra, toàn xã có 113 hộ được cấp đất lâm nghiệp với diện tích 558 ha; cấp cho cộng đồng 5.122 ha. Từ năm 2013 đến nay, toàn xã đã khai thác được trên 500 ha rừng trồng, số tiền người dân thu được hàng tỷ đồng.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Việc giao đất giao rừng đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã. Mặt khác, tạo được thói quen định canh định cư, giảm hiện tượng phá rừng làm rẫy, công tác bảo vệ rừng cũng được nâng cao.

Tại xã Xuân Hóa, phong trào trồng rừng kinh tế bắt đầu từ năm 2002. Thời điểm đó, có một dự án phủ xanh đất trống đồi trọc đã hỗ trợ cho bà con thôn Cầu Lợi 1 trồng 40 ha keo, tràm ở vùng Bát Nạt, Cha Cụ và Chôông Kè. Năm 2005, Dự án 661 tiếp tục hỗ trợ cho bà con trồng thêm 32 ha rừng thông. Ngoài ra, ngành Kiểm lâm đã và đang hỗ trợ trồng 75 ha keo tràm ở các thôn Cầu Lợi 1, Minh Xuân, Tân Xuân.

Một cánh rừng được khoanh nuôi bảo vệ ở xã Hóa Thanh.
Một cánh rừng được khoanh nuôi bảo vệ ở xã Hóa Thanh.

Phần hỗ trợ gồm có: kinh phí chăm sóc, bảo vệ và cử cán bộ trực tiếp lên rừng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cho bà con. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ đang hỗ trợ cho 12 hộ dân trong xã trồng 12 ha rừng tràm, keo để lấy gỗ. Trung bình mỗi hộ được 1 ha và số tiền hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Việc hỗ trợ giống, công chăm sóc đã tạo động lực, cũng như niềm tin cho người dân Xuân Hóa trong việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hiện toàn xã có trên 4.000ha đất tự nhiên, trong đó có trên 2.000ha đất rừng sản xuất.

Đến nay, toàn xã đã trồng được 414ha rừng tràm, 448ha rừng khoanh nuôi bảo vệ và phục hồi, 292ha rừng phòng hộ. Ông Đinh Văn Cơ, một người dân trong xã phấn khởi nói: “Sau khi nhà nước giao đất, giao rừng, tôi đã bán một con trâu để lấy tiền đầu tư trồng rừng. Lúc đó, nhiều người dân trong xã còn nghi ngờ về tính hiệu quả của trồng rừng nên họ cũng không mấy mặn mà. Sau 7 năm, 3ha rừng của tôi đã phát triển rất tốt và bán được hơn 100 triệu đồng”.

Ông Đinh Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, huyện đã kiểm tra, sàng lọc lại những diện tích rừng nghèo kiệt để giao cho bà con trồng rừng. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt được 2.800 ha và huyện đang đề xuất chuyển đổi thêm 20.000ha nữa. Nếu được phê duyệt, huyện sẽ sớm giao lại để cho dân tiếp tục trồng rừng”.

Có thể khẳng định rằng, Đề án trồng rừng là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với lòng dân và đang phát huy hiệu quả khi rừng đang “nuôi” lại những người trồng rừng ở huyện Minh Hóa.

Xuân Vương

Bài cuối: Độc đáo những chợ phiên