.

Minh Hóa-Những góc nhìn - Bài 1: Chuyện của những con đường

Thứ Sáu, 26/08/2016, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 26 năm, huyện Minh Hóa được tái lập sau khi tách ra từ huyện Tuyên Hóa. Do mới chia tách nên Minh Hóa còn bộn bề khó khăn, nhất là cơ sở vật chất và đời sống của nhân dân. Qua 26 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa đã phát huy nội lực, đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát triển.

Trước khi tái lập huyện, lên Minh Hóa phải vượt qua những con đường cấp phối hay đường đất. Phương tiện đi lại lúc đó chủ yếu là xe đạp và đi bộ nên vấn đề thông thương, đi ra khỏi huyện rất vất vả. Nhưng qua 26 năm, Minh Hóa đã đổi thay đến ngỡ ngàng khi những con đường lớn đã được mở, tạo “đòn bẩy” sự phát triển đi lên của toàn huyện.

Quốc lộ 12A đang có lượng người và phương tiện qua lại rất đông.
Quốc lộ 12A đang có lượng người và phương tiện qua lại rất đông.

Theo các cụ cao niên kể lại, trước Cách mạng Tháng 8- 1945, muốn lên huyện Minh Hóa chỉ có 2 con đường mòn mà người xưa quen gọi là đường cây Mang và đường cây Khế. Cả hai con đường này bắt nguồn từ đường 12A trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Đường cây Khế bắt nguồn từ xã Đức Hóa rồi cắt rừng đi bộ qua những ngọn núi cao về xã Tân Hóa, lên xã Minh Hóa, Quy Hóa rồi đến Quy Đạt.

Đường này đi lại khó khăn, nhưng gần hơn so với đường khác. Con đường còn lại men theo đường 12A bây giờ lên xã Hồng Hóa, Yên Hóa rồi đến Quy Đạt. Theo con đường này, người dân có thể đi lên đến Cha Lo, qua nước bạn Lào hoặc về các xã khác.

Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếp tục một con đường khác được mở đi qua bàn huyện Minh Hóa là đường mòn Hồ Chí Minh. Đường chạy qua các xã Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Hợp, Trung Hóa, Thượng Hóa rồi qua đèo Đá Đẽo về huyện Bố Trạch. Để mở được con đường này, quân và dân ta đã đổ xuống rất nhiều công sức, mô hôi, máu và nước mắt.

Và con đường trở thành huyết mạnh giao thông xuyên suốt từ Bắc chí Nam, đưa người và phương tiện vào miền Nam đánh giặc. Hòa bình lập lại, Nhà nước ta bắt đầu hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục lại nền kinh tế. Những tuyến đường lên Minh Hóa được mang tên Quốc lộ 12A, đường 15 nhưng chỉ là con đường đất đá.

Các phương tiện dưới xuôi lên Minh Hóa rất khó khăn vất vả, nhiều người có việc dưới xuôi vẫn còn đi bộ hoặc xe đạp theo đường cây Khế ra Đồng Lê đã bắt tàu hỏa vào Đồng Hới hoặc ra phía Bắc. Còn đường Hồ Chí Minh chủ yếu phục vụ cho người dân trong huyện đi lại chứ không mấy ai vượt đèo Đá Đẽo về xuôi. Ngày đó, nhiều người huyện khác nhìn Minh Hóa là vùng đất nghèo, cô lập giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thời điểm chia tách huyện vào năm 1990, đường lên Minh Hóa vẫn còn muôn vàn khó khăn vì bị ngăn khe cách núi. Thế nhưng, qua 26 năm, Minh Hóa đã đổi thay đến ngỡ ngàng, nhất là các con đường giao thông. Hiện huyện Minh Hóa đang có rất nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua.

Trong đó phải kể đến tuyến đường 12A có tổng chiều dài trên 55,7 km, rộng 9m nối từ thị trấn Đồng Lê của huyện Tuyên Hóa chạy qua xã Hồng Hóa, Yên Hóa, Quy Đạt, Quy Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa rồi nhập vào đường Hồ Chí Minh. Từ ngã ba Khe Ve thuộc xã Hóa Thanh, đường 12A tiếp tục đi qua xã Trọng Hóa, Dân Hóa rồi qua nước bạn Lào. Đây là một tuyến đường hết sức quan trọng nối giữa Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Tuyến đường này đang có lượng người và phương tiện qua lại rất lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh – quốc phòng của huyện cũng như của cả nước. Hiện Quốc lộ 12A qua địa bàn thị trấn Quy Đạt đang được mở rộng cả nền đường và mặt đường đã tạo điều kiện thuận lợi cho người và phương tiện đi lại.

Ngoài Quốc lộ 12A, huyện Minh Hóa còn có 50,5 km đường Hồ Chí Minh được đưa vào sử dụng năm 2003. Đường rộng 9m, mặt đường 7m chạy qua các xã Thượng Hóa, Trung Hóa, Hóa Hợp, Hóa Tiến, Hóa Thanh. Đây là một trong những con đường quan trọng bậc nhất của cả nước với chiều dài hàng nghìn km nối từ Bắc vào Nam. Từ khi con đường này được đưa vào sử dụng, tình hình kinh tế-xã hội cũng như đời sống của người dân các xã vùng cao ở Minh Hóa ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt, tuyến đường này rút ngắn thời gian, khoảng cách về thành phố Đồng Hới. Hiện đi ô tô theo đường này về thành phố mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, còn đi xe máy mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Từ khi đường Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng đã trở thành con đường về Đồng Hới thường xuyên của nhiều người dân huyện Minh Hóa và ngược lại.

Ngoài hai tuyến đường trên, Minh Hóa còn có tuyến Quốc lộ 12C từ Hồng Hóa về Hóa Phúc. Tuyến đường này còn được gọi là đường xuyên Á vì được thông với đường Hồ Chí Minh, đường 12A lên Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và ra huyện Tuyên Hóa rồi về huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) giao nhau với Quốc lộ 1. Một con đường quan trọng khác là Tỉnh lộ 559B vừa được đưa vào sử dụng có chiều dài 38,1km nối từ xã Minh Hóa về xã Cao Quảng huyện Tuyên Hóa.

 Đường về xã Hóa Sơn hôm nay.
Đường về xã Hóa Sơn hôm nay.

Từ con đường này có thể về các xã Quảng Sơn và một số xã của thị xã Ba Đồn trước khi cắt với Quốc lộ 12A cách phường Ba Đồn vài km. Tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian, và khoảng cách chừng 20km cho người dân các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa... muốn đến Quốc lộ 1 ở thị xã Ba Đồn trước khi đi ra Bắc hoặc vào Nam. Trên địa bàn huyện còn có nhiều tuyến đường quan trọng do huyện quản lý đã được bê tông hóa hoặc rải nhựa như: tuyến Quy Đạt – Xuân Hóa, Xuân Hóa – Hóa Hợp, Minh Hóa – Tân Hóa, Hóa Hợp - Hóa Sơn, tuyến vào vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, tuyến vào bản Lòm thuộc xã Trọng Hóa với chiều dài hàng chục km và hàng trăm tuyến đường liên thôn, liên xã đã được bê tông hóa...

Ông Đinh Hữu Niên, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Những năm qua, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã được đầu tư và đã có nhiều công trình được đưa vào sử dụng như: đường Hồ Chí Minh, đường vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Riêng tuyến Quốc lộ 12A đi qua địa bàn huyện đã được nâng cấp và mở rộng. Nhờ phát triển hệ thống giao thông nên đời sống của nhân dân trên địa bàn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư”. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 – 2015, huyện đã huy động nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực quan trọng như: giao thông, thủy lợi, y tế, trường học...với tổng nguồn vốn 621,303 tỷ đồng.

Nhờ giao thông phát triển đã kéo theo tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân 9,57%/năm; tỷ trọng thương mại - dịch vụ - du lịch đạt 32,31 %, tăng 7,7% so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 13 triệu đồng/năm. Đến nay, Minh Hóa cơ bản đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng đói đứt bữa, đói giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện bình quân giảm từ 7-9% mỗi năm (hiện chỉ còn trên 28% theo tiêu chí cũ)...

Ông Hồ Nhâm, nguyên đại biểu HĐND tỉnh ở xã Trọng Hóa phấn khởi: “Trước đây, muốn về tỉnh họp cũng mất khoảng 2 ngày đi xe ô tô, còn đi bộ thì mất cả tuần. Nhưng giờ có đường giao thông thuận tiện, tôi và người dân các xã biên giới về Đồng Hới chỉ mất một buổi sáng thôi. Không những đi lại thuận tiện, từ khi có đường, đồng bào dân tộc thiểu số mới được mở mang cái đầu, con em được về miền xuôi để theo học con chữ Bác Hồ, bà con biết chăn nuôi, biết trồng rừng nên đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc”.

Giờ đây, vấn đề đi lại về xuôi không còn là trở ngại quá lớn của người dân Minh Hóa. Minh Hóa đang dần chuyển mình đi lên chứ không còn nghèo nàn lạc hậu hay bị biệt lập như trước nhờ những con đường lớn đã mở.

Xuân Vương

Bài 2: “Nuôi” rừng và rừng “nuôi”