.

Trở về từ ký ức - Bài 1: Mối lương duyên Việt-Campuchia hồi sinh người lính tình nguyện

Thứ Ba, 28/06/2016, 07:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Đối với anh, một chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam “mất tin” năm 1986 tại Campuchia, gia đình nhận giấy báo tử tháng 11-1991, rồi 30 năm sau ký ức chợt thức tỉnh, anh tìm đường trở về Việt Nam, tìm ra gia đình, người thân. Cuộc hội ngộ sau 30 năm đầy máu, nước mắt, nỗi đau và hạnh phúc. Hành trình 30 năm trở về quê hương của anh là câu chuyện dài thấm đẫm nhân sinh.

 

Giấy báo tử của anh Nguyễn Xuân Thanh.
Giấy báo tử của anh Nguyễn Xuân Thanh.

Họ tên đầy đủ của anh là Nguyễn Xuân Thanh, sinh năm 1962, tên Campuchia là Soocvana, quê quán thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy. Nguyễn Xuân Thanh nhập ngũ tháng 2-1982, đơn vị: Hòm thư 9R-191, thành phố Hồ Chí Minh, cấp bậc chiến sỹ, nhiệm vụ lái xe đầu kéo, kéo các loại pháo vào trận địa.

Trong những giấy tờ gia đình anh còn lưu giữ được, chúng tôi tìm thấy tấm giấy báo tử do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình ký ngày 20-11-1991 xác nhận chiến sỹ Nguyễn Xuân Thanh “mất tin” tháng 9-1986 nhưng không rõ anh “mất tin”  tại nơi nào trên đất nước Campuchia. Bấm đốt ngón tay từ đó đến khi anh trở về quê hương, vùi đầu vào lòng mẹ già mắt mù lòa vì những tháng năm khóc thương con thì đúng 30 năm chẵn.

Một kỷ vật khác của anh là bức thư gửi cho vợ Nguyễn Thị Lan viết tại tỉnh Xiêm Riệp ngày 31-12-1985, sau chuyến công tác dài hơn 4 tháng. Anh viết: “Hôm nay anh về tuyến sau rửa xe nên có thằng bạn về nước trưa nay, nhân tiện anh ghi vội mấy chữ thăm em và gia đình vì quá lâu rồi Lan ạ!”. 9 tháng sau, gia đình anh ở Việt Nam cùng đồng đội không còn biết một chút gì về anh nữa.

Ký ức đứt đoạn, tiếng Việt Nam, thứ tiếng mẹ đẻ 30 năm nay chưa một lần sử dụng thành ra trọ trẹ, Nguyễn Xuân Thanh kể về những thăng trầm trên đất nước Campuchia từ lúc anh “mất tin”: “Một ngày tháng 9-1986, tôi cùng 5 đồng chí trong đơn vị có chuyến công tác đến phun (thôn) Puk Chhma, khum (xã) Anlong Vill, huyện Sangkae, tỉnh Battambang, một tỉnh nằm ở phía tây bắc Campuchia thì lọt vào ổ phục kích tàn dư Pôn Pốt. 6 anh em chúng tôi bị chúng bắt, dùng báng súng AK tra tấn dã man. Sau cùng, chúng lần lượt giết chết từng người, đồng đội tôi ngã xuống, người cuối cùng là tôi, một cú đánh mạnh vào đầu, tôi chìm vào khoảng tối đen, chẳng biết gì nữa”.

“Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trong ngôi nhà nhỏ của một gia đình người Campuchia tốt bụng tại phun Puk Chhma. Tôi không còn biết gì về chuyện quá khứ nữa? Tôi là ai? Quê quán ở đâu? Người thân ai còn ai mất?”.

“Người cứu tôi tên Sooc Thia. Ông ấy bảo tôi may mắn vì khi bọn Pôn Pốt chuẩn bị giết tôi thì ông ấy xuất hiện dùng tiền bạc, gạo trắng hối lộ cho chúng rồi đưa tôi về nhà chăm sóc. Nhằm tránh tai mắt tàn dư Pôn Pốt, Sooc Thia bắt tôi để tóc dài, uốn quăn lên giống người Campuchia thực thụ. Sooc Thia đặt tên Campuchia cho tôi là Soocvana”.

“Thực ra, gia đình ông Sooc Thia biết tôi bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhưng hỏi tôi quê quán ở đâu, tên tuổi là gì thì tôi không còn nhớ. Ông bảo, thôi mày làm người Campuchia đi, tao có đứa con gái Sooc Hiêng, mày ưng, tao gả cho, nên chồng, nên vợ. Sau đó, tôi với Sooc Hiêng nên duyên vợ chồng, cũng chẳng cưới hỏi gì”.

Bàn thờ chung của anh Thanh và người vợ Việt Nam Nguyễn Thị Lan.
Bàn thờ chung của anh Thanh và người vợ Việt Nam Nguyễn Thị Lan.

30 năm tại phun (thôn) Puk Chhma, khum (xã) Anlong Vill, huyện Sangkae, tỉnh Battambang, người lính tình nguyện Việt Nam đánh mất ký ức sống hạnh phúc cùng người vợ Campuchia.

Họ lần lượt có với nhau 6 người con, 3 trai, 3 gái. Thương chồng, cũng muốn biết “quê cha đất tổ” của chồng, Sooc Hiêng cùng các con cố tìm các phương thuốc đặc trị thần kinh chạy chữa cho chồng, cho bố.

Không biết có phải vì thế hay không mà Nguyễn Xuân Thanh- Soocvana dần dần nhớ lại. Ban đầu chỉ là chút đốm lửa sáng le lói phía cuối đường hầm khi trong anh bật lên cái tên: Lan! Lan- đó là vợ anh ở Việt Nam, họ quen nhau khi cả hai đang trong quân ngũ tại Hà Nội. Lan- họ thành chồng vợ chỉ trọn một tháng phép khi anh từ Campuchia về năm 1985. Lan-những dòng thư anh viết vội vàng gửi bạn chuyển cho vợ tại tỉnh Xiêm Riệp...

Từ tên Lan, Nguyễn Xuân Thanh nhớ thêm tên bố: Mua, tên mẹ: Giót, nhớ đến quê hương đâu đó ở Việt Nam có các địa danh: cây Đa, chợ Đôộng, ngày lên đường làm nghĩa vụ quốc tế xuất hành tại ga Thuận Lý. “Đó là chuyện của 2 năm về trước”- Nguyễn Xuân Thanh chậm rãi- “Tôi kể cho vợ, con... bảo họ muốn về Việt Nam, tìm lại người thân xem ai còn ai mất. Họ khuyên tôi lên Lãnh sứ quán Việt Nam tại PhnomPenh xem có giải quyết được gì không.

Lên đó, tôi trình bày câu chuyện của đời mình nhưng không chứng minh được mình là người Việt Nam, mặc dù là người Việt Nam chính cống. Ra về lòng nặng trĩu thất vọng, dù vậy ý chí tìm đường về Việt Nam cứ lớn dần trong tôi”.

Nguyễn Xuân Thanh bảo: “Một tháng trở lại đây, tôi nhớ Việt Nam quay quắt, đêm nằm không ngủ được. Biết ý tôi đã quyết, vợ cùng các con lặng lẽ chuẩn bị hành trang, đổi tiền Việt, dò la đường về Việt Nam cho tôi”. Từ huyện Sangkae, từ biệt đại gia đình thân yêu người Campuchia gắn bó cùng anh 30 năm, Nguyễn Xuân Thanh đón xe lên thủ đô PhnomPenh. Tại PhnomPenh, anh đi thẳng về thành phố Hồ Chí Minh.

Nhớ lại ngày lên đường, Nguyễn Xuân Thanh khởi hành ở một ga tàu có tên Thuận Lý, đâu đó xa tít tận miền Trung. Anh đến ga Sài Gòn hỏi dò ga Thuận Lý hiện tại thuộc tỉnh nào. Nhân viên đường sắt cho anh biết nay không còn tên ga Thuận Lý nữa mà đã đổi tên thành ga Đồng Hới, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Gia đình ở Campuchia của anh Thanh.
Gia đình ở Campuchia của anh Thanh.

Lên tàu, anh đến ga Đồng Hới. Ở ga Đồng Hới, tiếp tục hỏi dò cái tên đất, tên địa danh vụt về trong ký ức mong manh: cây Đa, chợ Đôộng. Rất may, chợ Đôộng vốn nổi tiếng và chỉ có duy nhất một cái chợ tên như thế, chợ Đôộng, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy. Cánh xe thồ tại ga Đồng Hới nhận đưa anh lên đó với giá 200 nghìn đồng tiền Việt.

Đến chợ Đôộng, chợ Đôộng vẫn còn, cây Đa làng già cỗi thăng trầm theo thời gian vật đổi sao dời vẫn đứng đó, cho người con quê hương, người lính tình nguyện Việt Nam “mất tin” 30 năm trên đất nước Campuchia lấy đó tìm thấy lối về. Nguyễn Xuân Thanh tạt vào ngôi nhà ven đường hỏi nhà ông Mua, bà Giót. Họ bảo, có, có gia đình đó, ông Mua mất năm 2006 rồi, chỉ còn bà Giót mù lòa vì khóc thương thằng con trai đầu Nguyễn Xuân Thanh đi bộ đội Campuchia mất tích 30 năm nay, giấy báo tử gửi về nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sỹ.

Người được hỏi thao thao bất tuyệt, kẻ lữ hành mỏi mệt tìm cội nguồn cảm giác kiệt sức khi chạm đến đích, nơi anh cần trở về sau 30 năm lưu lạc nơi xứ người.

Nguyễn Xuân Thanh hội ngộ với gia đình, người thân, quê hương bản quán như thế. Cuộc hội ngộ thấm đẫm máu, nước mắt và đậm dấu ấn nhân sinh.

Ngô Thanh Long

Bài 2: Chia ly... và hội ngộ!