.

"Vàng xanh" trên cát trắng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 07:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Võ Minh Nết, một nông dân có thâm niên trồng rau hơn 30 năm của thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) mỉm cười làm phép so sánh: “Nhà tui có 9 sào lúa, năng suất bình quân 3 tạ/sào, tính theo giá thành hiện nay cho thu nhập mỗi năm chỉ khoảng 15 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ với 3 sào đất trồng rau, tui đã có mức thu nhập 170 triệu đồng/năm. Bây chừ cả làng trồng rau. Nông dân vùng cát chúng tôi coi rau như vàng-vàng xanh”.

Ông Nguyễn Bá Trọng, Chủ tịch UBND xã Cam Thủy cho biết: Trước đây, người dân Cam Thủy nói riêng và các xã lân cận canh tác rau màu chủ yếu tự cung, tự cấp với quy mô nhỏ trong phạm vi vườn nhà (diện tích khoảng 15-25m2), phương thức canh tác thủ công, nguồn giống tại địa phương được bà con cất trữ sau mỗi vụ,...

Sản xuất rau an toàn đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo của người dân thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy).
Sản xuất rau an toàn đang trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo của người dân thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy).

Bởi thế mà năng suất, hiệu quả sản xuất rau màu không cao, chỉ được xem như là nghề phụ của người nông dân. Bây giờ, phong trào sản xuất rau màu phát triển rất mạnh, đã và đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương. Quy mô diện tích ngày càng mở rộng, chất lượng rau từng bước được nâng lên.

Đặc biệt là đã hình thành vùng sản xuất rau màu tập trung ở thôn Hòa Luật Nam với quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Ngày 22-9-2014, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký Quyết định số 567/QĐ-SNN công nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy (Lệ Thủy).

Kể từ đó, thương hiệu “Rau an toàn Hòa Luật Nam”, xã Cam Thủy (Lệ Thủy) dần khẳng định vị thế của mình không chỉ trên thị trường Quảng Bình mà còn ở các tỉnh lân cận. Tư duy phát triển diện tích rau thương phẩm của người dân Hòa Luật Nam cũng đã thay đổi căn bản từ sản xuất manh mún, tự cung tự cấp trước đây sang sản xuất tập trung theo quy trình đạt tiêu chuẩn an toàn.

Dạo một vòng quanh thôn Hòa Luật Nam, cảm nhận chung của chúng tôi là một vùng sản xuất rau an toàn được người dân tổ chức rất bài bản, khí hậu rất mát mẻ. Hầu như nhà nào cũng có vài ba sào đất trồng rau. Tất cả đều được bố trí trong các nhà lưới và một hệ thống ống nước tưới được lọc cẩn thận qua các bể cát. Người dân chỉ cần mở một van xả là nước sẽ đến được những diện tích hoa màu cần tưới thông qua hệ thống ống dẫn.

Ông Dương Văn Kỷ, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam cho biết: Để bảo đảm chắc chắn số lượng rau thương phẩm người dân sản xuất ra là an toàn, Tổ hợp tác đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết với những nội dung cụ thể về chất lượng giống, nguồn nước tưới, phân bón. Tổ hợp tác thực hiện vai trò cầu nối giữa người sản xuất với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm lượng rau an toàn sản xuất ra sẽ tiêu thụ hết trong từng quãng thời gian cụ thể với giá thành tương ứng. Hiện tại, thị trường tiêu thụ rau an toàn không chỉ giới hạn trong huyện, tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh bạn như Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh...

Đang khẩn trương thu hoạch phần diện tích cải mầm còn lại để cung ứng cho đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Quảng Trị, ông Võ Minh Lân, tổ viên Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam chia sẻ: Với diện tích 1 sào đất, tôi trồng các loại rau cải, rau cần, ngò..., giá bình quân cho các loại rau này là 40.000/kg, mỗi tháng cho thu hoạch 4 lứa, bình quân mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 50-60 triệu đồng.

Để phục vụ nhu cầu thu gom, vận chuyển sản phẩm rau an toàn tiêu thụ cho các hộ dân, tôi mạnh dạn đầu tư sắm một chiếc xe ô tô. Qua hơn 1 năm hoạt động, cơ bản tôi đã trả xong nợ và thu lãi. Hiện tại, khó khăn chung cho các hộ dân tham gia sản xuất rau an toàn là bạn hàng chưa thực sự tin tưởng chất lượng sản phẩm; diễn biến thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của các loại rau. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật canh tác của địa phương và các ngành liên quan còn hạn chế.

Liên quan đến việc chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, ngoài vùng sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy và các địa phương lân cận cũng đã tích cực thực hiện. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, đến thời điểm cuối năm 2015, tổng diện tích trồng rau cả năm của toàn vùng Quốc lộ 1 đạt trên 900ha, tăng gần 250ha so với năm 2013.

Mỗi xã đều phát triển một số loại chủ lực như: Hồng Thủy tập trung phát triển trồng ớt, su hào...; Thanh Thủy phát triển mạnh diện tích khoai lang; Cam Thủy phát triển các loại rau; Hưng Thủy phát triển mạnh diện tích mướp đắng, nén;... Sản xuất rau màu đã và đang thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng cát, góp phần quan trọng để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

Theo ước tính sơ bộ, tổng thu bình quân rau màu đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với sản xuất lúa, trong đó có 150ha rau màu, quả và 115ha khoai lang tại các Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy có giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Người nông dân các xã vùng Quốc lộ 1 của huyện Lệ Thủy đang rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất hoa màu.
Người nông dân các xã vùng Quốc lộ 1 của huyện Lệ Thủy đang rất tin tưởng vào hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất hoa màu.

Để phát triển vùng rau an toàn trong thời gian tới, theo chúng tôi, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các vùng sản xuất rau màu tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông sản sạch, sản xuất tập trung.

Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau màu, đặc biệt là các quy trình sản xuất sạch theo tiêu chuẩn Vietgap; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết người dân trong sản xuất. Bên cạnh đó cần tiếp tục đào tạo nghề và tập huấn về kiến thức, kỹ năng, phương pháp sản xuất rau màu sạch và mở rộng thị trường tiêu thụ rau màu;...

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Trong chương trình nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, huyện xác định vùng Quốc lộ 1 là địa bàn chủ yếu để phát triển diện tích đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, Đề án sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn huyện giai đoạn 2009-2015 cũng đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất rau màu là tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap tại vùng Quốc lộ 1.

Bên cạnh đó, phát triển vùng rau màu tập trung an toàn cũng đã được xây dựng trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững của huyện. Hiện tại, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng thực hiện các bước cần thiết để tiến hành đăng ký sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Trước mắt là ký hợp đồng với một số nhà hàng, khách sạn tại thành phố Đồng Hới để ổn định việc cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.

“Chúng tôi đang chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với Hội LHPN huyện vận động một số tiểu thương xây dựng ki-ốt rau an toàn tại chợ trung tâm huyện để quảng bá sản phẩm và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho người dân trên địa bàn”.-Ông Sơn nói.

Nguyễn Hoàng