.
28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma (14-3-1988 - 14-3-2016):

28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma - Bài 3: "Khi Tổ quốc gọi... chúng tôi lại lên đường"

Thứ Tư, 16/03/2016, 09:53 [GMT+7]

(QBĐT) - 28 năm trôi qua, nỗi đau mất mát còn đó. Xương máu các anh hòa cùng nước biển như nhắc nhở cho thế hệ con cháu mai sau về truyền thống yêu nước quật cường của dân tộc. Và lớp lớp người lại lên đường khi Tổ quốc gọi...

>> Bài 2: Sức sống của người lính Gạc Ma

>> Bài 1: Lịch sử không thể nào quên

Mâm giỗ chung của 64 liệt sĩ

Có chiến tranh, có mất mát, đó cũng là lẽ thường tình. Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước có biết bao người con đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Nhưng có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Cứ vào dịp đầu tháng 3, mắt cụ Hoàng Nhỏ (SN 1928) ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy lại chùng xuống mỗi khi sắp đến ngày lễ kỷ niệm trận hải chiến Gạc Ma.

Cụ Hoàng Nhỏ bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy mỗi năm đều làm mâm giỗ cúng 64 liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma.
Cụ Hoàng Nhỏ bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy mỗi năm đều làm mâm giỗ cúng 64 liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma.

Liệt sỹ Túy là đứa con thứ 4 trong 6 đứa con của cụ Nhỏ, hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma ngày 14-3-1988. Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Nhỏ vẫn nhớ như in cái lần cuối cùng gặp con.

“Năm đó, nó chỉ về thăm nhà được một ngày vào hôm 30 Tết. Đón giao thừa xong thì nó bảo phải quay vào đơn vị luôn. Tôi có hỏi nó sao đi gấp thế thì nó nói phải chấp hành tốt để tháng 3 tới được ra quân về nhà. Tôi còn nhớ nó kể, khi nó xin về thăm nhà, ông thủ trưởng của nó bảo ở lại thêm mấy ngày nữa, rồi khoảng mồng 5, mồng 6 gì đó về cùng với ông ấy. Nhưng nó nhất quyết xin về cho được để đón giao thừa cùng gia đình.

Có ngờ đâu, đó lại là đêm giao thừa cuối cùng của nó”, mắt cụ Nhỏ ngấn lệ khi kể về đứa con trai. Năm 2004, gia đình cụ Nhỏ lập mộ gió cho liệt sỹ Túy ở nghĩa trang liệt sỹ của xã. Cứ đến ngày lễ, ông lại bảo đứa con út chở lên nghĩa trang thắp hương cho con trai.

Trong số 14 liệt sĩ quê Quảng Bình có 2 người đã tìm được hài cốt và đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà  năm 2009 là: Liệt sĩ Trần Văn Quyết, xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn và liệt sĩ Trần Quốc Trị, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch.

Mấy năm trở lại đây, cứ vào ngày 27 tháng giêng âm lịch (tức ngày dương lịch 14-3-1988), gia đình cụ đều làm giỗ chung cho 64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Mỗi lần làm giỗ, cụ Nhỏ đều nhắc con cháu phải đếm đủ 64 cái bát, 64 đôi đũa. Cụ bảo: "Anh em hắn cùng nằm xuống một chỗ, đếm cho đủ, thiếu là tội lắm...".

Bà Trương Thị Bảo, (SN 1941), ở xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, mẹ của liệt sĩ Trương Minh Thương nhòe nước mắt mỗi khi nhắc đến con trai. Bà Bảo kể lại: "Năm đó lúc về phép cả nhà giục hắn lấy vợ mà hắn không chịu. Nói chờ ít tháng nữa ra quân rồi tính. Trước lúc lên đường hắn còn hứa giữa năm về sẽ cưới vợ cho mạ mừng. Rứa mà hắn đi biền biệt đến chừ...".

Tiếp bước cha anh

Thấm thoắt 28 năm đã trôi qua, từ trận chiến giữ đảo Gạc Ma năm 1988 đã có biết bao thế hệ thanh niên lên đường làm nhiệm vụ. Hiện con gái của liệt sĩ Trần Văn Phương là chị Trần Thị Thủy hiện cũng công tác ở đơn vị cũ của bố là Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Còn con trai anh Mai Xuân Hải là Mai Tiến Duẫn cũng ở Lữ đoàn 83 Hải quân, đóng quân ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, họ đều chung một trách nhiệm là gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bà Trương Thị Bảo, mẹ của liệt sĩ Trương Minh Thương nhòe nước mắt mỗi khi nhắc đến con trai.
Bà Trương Thị Bảo, mẹ của liệt sĩ Trương Minh Thương nhòe nước mắt mỗi khi nhắc đến con trai.

Qua điện thoại, Duẫn bảo, em tự hào vì bố và các đồng đội của mình đã hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và nguyện hết mình nối tiếp các thế hệ đi trước, chắc tay súng, cảnh giác trước mọi thế lực thù địch...

Những người lính Gạc Ma năm nào giờ có người đã lên chức ông nội, ông ngoại nhưng khi nghe tin về biển đảo cũng rạo rực như thuở thanh niên. Cựu binh Mai Xuân Hải kể, năm 2014, nghe tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào lãnh hải của nước ta mà thấy hậm hực lắm. Năm sau anh động viên con trai nhập ngũ luôn. Mấy bữa nay nghe đài, báo nói về tình hình biển Đông căng thẳng thấy cũng lo. Dù nước mình còn nghèo, chỉ nên đấu tranh ngoại giao nhưng quyết không sợ quân xâm lược.

"Mỗi năm anh em cựu binh Gạc Ma còn sống trở về lại gặp nhau một lần vào dịp ra tết để đi thắp hương cho các đồng đội và hàn huyên chuyện cũ. Mặc dù sức khỏe không còn được như xưa nữa nhưng chỉ cần Tổ quốc gọi chúng tôi lại lên đường..." anh Hải nói.   

Xuân Phú