.

Một rừng cây một đời người

Thứ Ba, 09/02/2016, 01:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một ca khúc với giai điệu và ca từ thật đẹp: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ  về một rừng cây tôi thường nghĩ về nhiều  người...”. Mỗi lần nghe bài hát “Một đời người, một rừng cây” của Trần Long Ẩn, không hiểu sao tôi thường nghĩ ngay đến những con người, những rừng cây của vùng cát quê mình.

1. Ngày trước, mỗi lần nhắc đến Quảng Bình người ta thường nghĩ ngay đến đó là vùng đất "Ô châu ác địa" với đặc sản “gió Lào và cát trắng”. Có lúc nghĩ cũng buồn, nhưng đất trời dựng lập làm sao thay đổi được. Phía tây, dãy Trường Sơn chạy từ bắc vào nam đến địa phận Quảng Bình lại muốn vươn ra biển cả.

Rồi mưa nguồn nước lũ tràn qua những dãy núi đá vôi, những dãy đồi nham thạch mà làm thành sông, thành suối. Sông ngắn, nước chảy xiết, bốn mùa xanh trong, thơ mộng đấy nhưng lại nghèo phù sa chỉ đủ bồi đắp cho những cánh đồng chật hẹp.

Trước mặt là biển cả, hàng triệu năm biển ném cát lên tạo thành bãi, thành cồn phơi mình trong nắng gió. Một dải bờ biển dài hơn trăm cây số từ Đèo Ngang cho đến tận cùng Sen Thủy chỉ cát là cát. Cát vun thành cồn, cát dồn thành núi, cát bay, cát lấn làng xóm ruộng đồng làm cho vật đổi sao dời.

Thế kỷ XV, sách Ô châu cận lục của Dương Văn An còn nói đến phá Nhật Lệ “nghìn khoảnh mêng mông, một bầu trong vắt, khuấy không thể đục, lắng không trong thêm” ấy thế mà nay còn đâu. Cát lấp cửa phá nối ra cửa biển Nhật Lệ để ngày nay còn lại một hồ nước được gọi là Bàu Tró.

Nghìn năm, từ buổi khai sơn phá thạch người Quảng Bình phải trải qua bao cuộc chiến tranh để bảo vệ non sông xã tắc. Thiên tai ác nghiệt, người dân ven biển phải chịu nạn cát xâm lấn xóm làng, đồng ruộng cũng suốt nghìn năm ấy.

Để chống nạn cát lấp,  người dân ở vùng ven biển phải đan những tấm liếp bằng cây sậy chắn quanh làng, quanh mỗi ngôi nhà nhưng không ngăn được cát lấn. Từ Quảng Trạch, Bố Trạch vào đến Quảng Ninh, Lệ Thủy cát lấn ruộng, lấn vườn vào tận đường quốc lộ. Cuộc chiến với “giặc cát” cũng hết sức khốc liệt. Để giữ đồng ruộng, xóm làng người dân vùng cát chỉ có một phương pháp hiệu nghiệm là trồng cây chống cát.

Sách “Địa lý, lịch sử Quảng Bình” của tác giả Lương Duy Tâm cho biết, từ năm 1934 ở Quảng Bình người ta đã bắt đầu thực hiện dự án chống cát lấn bằng cách “Khoanh vùng trồng cây trên các dải cồn cát dọc theo bờ biển ngăn cách các làng Phú Ninh (Đồng Phú ngày nay) và Phú Hội (Quang Phú ngày nay) với biển đông.

Chu vi khu vực trồng rừng này nằm ở địa phận các làng Phú Ninh và Phú Hội, phía đông giáp biển Đông Hải, phía nam giáp sông Nhật Lệ gần cửa sông, phía tây nam sát con Đường địa phương (rout locale) với Đường thuộc địa số 1 (đường quốc lộ), phía tây bắc giáp các cồn cát của làng Lý Nhân Nam. Phải lập một dải rừng trên các dải cát và đụn cát ven biển giữa địa phận Quảng Khê (Thanh Trạch ngày nay) và chân đèo Lý Hòa...”.

Khi hòa bình lập lại năm 1954, chính quyền cách mạng phát động phong trào trồng cây gây rừng chống cát ở vùng ven biển. Nhân dân hăng hái tham gia và trong phong trào ấy đã xuất hiện người Anh hùng trồng cây, một trong hai Anh hùng Lao động đầu tiên ở Quảng Bình. Đó là cụ Ngô Mốc, 57 tuổi người ở xã Ngư Thủy huyện Lệ Thủy.

Đại tướng Võ NGuyên Giáp tặng quà cho Anh hùng Lao động PHẠM Thị NGÈNG trong chuyến về thăm quê hương. Ảnh: C.T.S

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng quà cho Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê hương.

Ảnh: C.T.S

Từ khi lập làng, người dân Ngư Thủy phải chấp nhận sống chung với cát dù phải trải qua nhiều phen di dời bởi nạn cát bay, cát chảy. Để bảo vệ xóm làng, đồng ruộng họ bắt đầu sự nghiệp trồng cây gây rừng trên cát từ rất sớm nhưng phải đến khi sau hòa bình 1954 mới phát triển mạnh mẽ và người đi đầu trong phong trào ấy là cụ Ngô Mốc đã ngoài tuổi năm mươi.

Suốt 8 năm từ 1954 đến 1962 cụ đi tìm mua hàng chục vạn cây phi lao làm giống gánh về tận nhà cho người dân trong xã trồng. Chỉ riêng vụ thu - đông năm 1961-1962 cụ gánh hơn 12 vạn về cho hợp tác xã. Kết quả toàn xã đã trồng được 72 vạn cây thành một dải trường thành chạy dài 23 km trên các cồn cát ven biển.

Với thành tích đi đầu trong phong trào trồng cây trên cát cụ Ngô Mốc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3, tháng 5 năm 1962 cụ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhất.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc,  rừng cây Ngư Thủy đã trở thành pháo đài cho dân làng bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”. Rừng cho cây làm hầm “che xương che máu”; rừng cho cây làm trận địa và lát đường kéo pháo phòng không, pháo mặt đất ra tận bờ bãi, bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương. Và cũng như những cánh rừng Trường Sơn, rừng Ngư Thủy cũng “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Dưới những cánh rừng phi lao ấy các đơn vị dân quân Ngư Thủy đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, và C gái pháo binh Ngư Thủy đã lập nên chiến công hiển hách, bắn cháy 5 tàu chiến, góp phần viết nên trang sử oanh liệt của Ngư Thủy anh hùng.

Cũng dưới cánh rừng phi lao ấy, năm 1969, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm trận địa C gái anh hùng đang vương mùi thuốc súng, và năm 1973 nhân dân Ngư Thủy được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Phiđen Castrô người bạn lớn của nhân dân Việt Nam đến từ bãi biển Ca ri bê anh hùng với câu nói nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến dòng máu nóng của mình”.

2. Trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 cùng với cụ Ngô Mốc, Nhà nước còn tuyên dương Anh hùng Lao động cho một người con vùng cát Quảng Bình. Đó là ông Lê Trạm, chủ nhiệm hợp tác xã Quang Phú (nay là xã Quang Phú), thành phố Đồng Hới.

Chủ nhiệm hợp tác xã Lê Trạm năm đó mới ngoài ba mươi là người đầu tiên phát triển nghề khơi ở vùng bãi ngang, mạnh dạn đưa xã viên vươn xa, mở rộng ngư trường đánh cá. Hợp tác xã Quang Phú trở thành lá cờ đầu nghề cá toàn miền Bắc được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng Lao động năm 1966.

Nhưng để trụ lại bên bờ biển cả xây dựng Quang Phú ngày một giàu hơn không chỉ ra khơi bám biển mà phải trồng cây chống cát bảo vệ xóm làng. Hàng năm sóng dập, sóng dồi đào khoét bờ bãi, rồi cát bay, cát lấp đồng ruộng thôn xóm. Đội trồng cây của hợp tác xã được thành lập và người đội trưởng đầu tiên đó là bà Phạm Thị Nghèng.

Vạn sự khởi đầu của bà Phạm Thị Nghèng và mấy chục chị em gái trong đội trồng cây là hai bàn tay trắng và những đồi cát trắng. Tận dụng các cồn bãi ven khe nước chảy ra từ cát họ trồng khoai, trồng sắn, trồng các loại rau màu để có cái ăn và góp thêm lương thực, thực phẩm cho xã viên hợp tác xã ra khơi bám biển. Nhưng nhiệm vụ chính của đội là trồng cây gây rừng trên một dãy đồi cát từ cuối xã Nhân Trạch (Bố Trạch) vào đến Bàu Tró, Đồng Thành (nay là Hải Thành) thị xã Đồng Hới.

Khi chưa có cây giống bà cùng chị em trong đội đi xa hàng chục cây số, vào tận Lâm trường Nam - Lệ Thủy, ra tận Thanh Khê - Quảng Trạch mua cây con về trồng. Cơm niêu, nước lọ cõng thêm củ sắn, củ khoai băng đồng, lội ruộng đi mấy ngày đường mới đem về vài gánh cây con. Mua cây giống không kịp trồng bà tổ chức làm vườn ươm ngay tại xã.

Thức khuya, dậy sớm chăm bẵm đến khi nảy mầm, cây lớn thêm một chút mới ươm ra từng bầu cho cứng cáp mới được đem trồng, mất cả năm trời. Trồng cây trên cát không dễ, chỉ có thể trồng vào mùa mưa, cát mát cây mới bám rễ đâm chồi. Mùa hè phải đi sớm về muộn chị em gánh hàng trăm gánh nước chạy trên cát bỏng tưới từng gốc cây mới mong được cây sống.

Cứ thế, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác công sức, mồ hôi của các chị đổ xuống cát trắng cho rừng phi lao xanh tốt phủ kín hàng trăm héc-ta đồi cát dọc bờ biển từ Nhân Trạch, vào tận Bàu Tró, Nhật Lệ. Ngày chia tỉnh phong trào trồng cây được đẩy mạnh để hình thành một rừng cây với tên gọi thân thương: Rừng cây Mẹ Nghèng.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hai lần về thăm Quang Phú. Lần thứ nhất sau khi hợp tác xã Quang Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động năm 1966. Đó là ngày mồng một Tết Đinh Mùi (4-2-1967) khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt nhất. Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Quang Phú, Đại tướng biểu dương thành tích của hợp tác xã: “Vừa qua Quốc hội, Chính phủ tặng cho hợp tác xã Quang Phú danh hiệu Anh hùng.

Các đồng chí và bà con xã viên đã sản xuất tốt nhưng phải sản xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay đã anh hùng rồi nhưng làm thế nào giữ và anh hùng lần thứ hai nữa...” Phát huy truyền thống anh hùng trong sản xuất, nhân dân Quang Phú đã nỗ lực phấn đấu, đến năm 1972 Quang Phú lại được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như Đại tướng mong đợi.

Trong chiến công chung ấy không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng của mẹ Nghèng và đội trồng cây của mẹ. Tháng 11 năm 2000 mẹ Phạm Thị Nghèng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Lần thứ hai, năm 1999 Đại tướng về lại Quang Phú. Ông dành thời gian thăm và nói chuyện nhiều với mẹ Nghèng. Đó là một ngày trời trong xanh, biển trong xanh, dưới cánh rừng phi lao gió hát, các cháu thiếu niên cổ quàng khăn đỏ ríu rít bên hai mái đầu tóc bạc, một của vị Đại tướng đánh thắng hai đế quốc to, một của người mẹ Anh hùng 40 năm trồng rừng.

Đại tướng hỏi thăm chuyện làng, chuyện xã mừng Quang Phú ngày càng đổi mới và không quên dặn dò: “Bác Hồ nói vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người nên chúng ta phải trồng nhiều rừng hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát. Trồng rừng cho con cháu đời sau hưởng lợi, hiệu quả của rừng phi lao chắn cát không phải ngày một ngày hai mà mãi mãi”.

Đến với Quảng Bình ai cũng mừng cho quê hương đổi mới. Bên cạnh Di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng là những bãi biển đẹp thu hút du khách. Tôi chợt nghĩ, nếu không có những rừng cây, những đời người như cụ Ngô Mốc, mẹ Phạm Thị Nghèng và nhiều thế hệ trồng cây quê mình liệu “vật đổi sao dời” đến đâu. Những cuộc đời sống trong cát trở về trong cát cho cây rừng vẫn mãi mãi xanh tươi bên bờ biển biếc...

Đồng Hới những ngày cuối năm Ất Mùi
                 Phan Viết Dũng