.

Đi lên từ gian khó

Thứ Sáu, 19/02/2016, 14:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Người phụ nữ ấy có trong tay những tài sản vô giá mà nhiều người phụ nữ khác phải ao ước: một gia đạo yên ấm, một cơ ngơi khang trang và một sự nghiệp vững vàng. Chị bảo: để có quả ngọt như ngày hôm nay, anh chị đã phải chật vật, lăn lộn giữa bao giông bão của cuộc đời, hạnh phúc phải đánh đổi bằng những chát mặn của mồ hôi và nước mắt.

Với chị Nguyệt, sự hòa thuận vợ chồng là điểm tựa thành công.
Với chị Nguyệt, sự hòa thuận vợ chồng là điểm tựa thành công.

Buổi đầu gặp gỡ ở ngôi nhà chị tại xã Hạ Trạch (Bố Trạch), khuôn mặt của người phụ nữ ấy ánh lên vẻ rạng ngời, hạnh phúc như chính cái tên mà bố mẹ đã đặt cho chị-Nguyễn Thị Nguyệt. Sau những ngày sấp ngửa giữa cuộc mưu sinh, ở cái tuổi ngấp nghé 60, chị vẫn miệt mài với bao dự định, thắp lửa những ước mơ làm giàu.

Chị Nguyệt nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, ngày chia tách tỉnh, hai vợ chồng bồng bế con trở về quê với đôi bàn tay trắng. Không nghề nghiệp, chẳng ruộng vườn, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ đứng trước muôn trùng khó khăn. Thương chồng, con, chị bươn bả đủ nghề để kiếm tiền lo bữa ăn qua ngày.

Những ngày lăn lộn ở các chợ lớn nhỏ, người phụ nữ tháo vát ấy nhận thấy hầu hết những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ trong vùng đều không tìm được đầu ra ổn định. Họ phải chấp nhận bán lẻ với mức giá bấp bênh. Vậy là ý tưởng thành lập nhóm thu mua thủy hải sản lóe lên trong chị. Nghĩ là làm, mà đã làm là làm đến cùng! Không có tiền, chị quyết định cầm cố xe máy-tài sản duy nhất của hai vợ chồng ngày về quê-để lấy ít vốn khởi nghiệp.

Chị cùng 14 người bạn khác lập nhóm thu mua, buôn bán các mặt hàng thủy sản cho bà con trong vùng. “Vạn sự khởi đầu nan”, chẳng thể nào kể hết những vất vả buổi ban đầu ấy, nhất là ở cái thời điểm cơ chế kinh doanh còn khá chật vật. Nhưng bằng quyết tâm và sự nỗ lực vươn lên từ chính từ trong gian khó, nhóm của chị đã dần tìm được chỗ đứng vững vàng trên thị trường.

Năm 1996, vợ chồng chị tách ra làm ăn riêng. Lợi nhuận thu về bắt đầu tỉ lệ thuận với chính công sức, sự vất vả phải trải qua. Chị kể: Có những khi khó khăn đến nỗi cả gia đình chấp nhận ở luôn trong xưởng tanh nồng mùi tôm cá để căn nhà lại cho thuê, kiếm tiền làm ăn hàng tháng. Sinh con 17 ngày, chị đã phải chạy đôn chạy đáo theo xe vận tải khắp trong Nam ngoài Bắc để thu mua thủy sản vì nếu nghỉ dài ngày, coi như mất luôn những mối hàng mà bấy lâu nay tìm kiếm, vun đắp. Nhiều lúc nghĩ lại, chẳng hiểu được vì sao ngày ấy chị có thể bươn bả vượt qua được những khó khăn không tưởng ấy.

Năm 2001, tổ dịch vụ kinh doanh hải sản do chị làm chủ bắt đầu mua sắm ô tô vận tải. Giờ thì cơ sở của chị đã có đến 10 chiếc xe chạy suốt đường thiên lý, phạm vi kinh doanh cũng bắt đầu mở rộng dần ra các tỉnh Nam Trung bộ. Công việc kinh doanh chủ yếu là thu mua các sản phẩm thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh, rồi giải quyết dùm họ khâu đầu ra. Với những hộ nuôi, khai thác nhỏ lẻ, chị làm cầu nối môi giới, tư vấn giúp họ tìm được nguồn đầu ra ổn định.

Khi địa bàn trong tỉnh hết mùa thu mua, chị lại tất tả đi tìm những nguồn hàng mới tận Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... Mỗi tháng thì cũng có đến 20 ngày ròng rã chị không ở nhà mà phải lặn lội thu mua, buôn bán ở hầu khắp các tỉnh thành miền Trung. Hơn 20 năm qua, những cung đường gian khó đã in hằn dấu chân của người phụ nữ ấy, thấm đẫm cả những giọt mồ hôi, nước mắt của chị trên hành trình nuôi lớn ước mơ làm giàu.

Chuẩn bị cho chuyến hàng mới.
Chuẩn bị cho chuyến hàng mới.

Giờ thì tổng doanh thu mỗi tháng của tổ dịch vụ kinh doanh hải sản Hạ Trạch do chị làm chủ đạt con số 7,5 tỷ đồng. Lợi nhuận hằng năm lên đến hàng tỷ đồng. Cơ sở của chị đã tạo công ăn việc làm cho 30 lao động địa phương, thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Chưa có khó khăn nào chưa từng nếm trải nên chị hiểu để bắt đầu một cuộc hành trình thoát nghèo thì phải đối diện với muôn trùng khó khăn.

Hiểu thế nên người phụ nữ ấy sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ những người dân nghèo quê chị vay vốn làm ăn. Việc làng, việc xã, hễ việc gì cần sự đóng góp là chị lại chẳng nề hà. Người dân Hạ Trạch nể chị, quý chị như một Mạnh Thường Quân sẵn sàng giúp đỡ những ai khó khăn, những hoàn cảnh bất hạnh trên địa bàn. Nhưng chị không muốn kể nhiều về những việc làm công đức ấy bởi theo chị, đơn giản đó là việc nên làm.

Chị bảo, để được như hôm nay là cả một quá trình lăn lộn mưu sinh, chấp nhận thất bại và may sao, trời còn thương chị, còn cho chị sức khỏe mới có thể bươn bả từ năm này qua tháng khác trên những cung đường gian khó như thế. “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, hơn ai hết, chị hiểu, đằng sau những quả ngọt như ngày hôm nay không thể thiếu vắng sự hỗ trợ, động viên của chồng và cả những đứa con ngoan.

Giờ thì ngoài việc kinh doanh thành công, tổ ấm của chị là niềm mơ ước của bao người phụ nữ khác khi những đứa con chị bắt đầu trưởng thành, được học hành đàng hoàng và có nghề nghiệp ổn định. Đứa con gái lớn của chị là nghệ sỹ đàn bầu khá nổi tiếng Trần Thị Hương Giang, hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sự thành đạt của con cái, sự ấm êm của gia đình mới là thành quả đáng quý nhất trả nghĩa cho những tháng ngày người phụ nữ ấy chật vật với cuộc mưu sinh.

Diệu Hương