.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ cuối: Trọn nghĩa vẹn tình cùng sóng nước Trường Sa

Thứ Hai, 25/01/2016, 14:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-1-2016, tàu 561 tiếp cận vùng đảo chìm Đá Đông, trong chuyến hải trình trên biển, đoàn phóng viên, nhà báo chúng tôi đã đặt chân đến Trường Sa Lớn-“thủ đô” của Quần đảo Trường Sa, đảo chìm Đá Lát, cụm đảo Đá Tây, Trường Sa Đông và hôm nay, vào một ngày biển động cấp 5, cấp 6, thuyền CQ đưa chúng tôi lên điểm cuối cùng: cụm đảo Đá Đông.

Thực ra đảo chìm Đá Đông bao gồm 3 điểm đảo: Đá Đông A, Đá Đông B và Đá Đông C. Để thực hiện chuyến thăm, tặng quà, chúc tết trọn vẹn cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên các điểm đảo, chúng tôi phải di chuyển thành vòng tròn mất hẳn thời gian một ngày.

Hội ngộ trên điểm đảo Đá Đông C.
Hội ngộ trên điểm đảo Đá Đông C.

Đón đoàn nơi cầu cảng, thượng úy Phạm Việt Anh, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông C cười hạnh phúc: “Quý hóa quá! Lâu lắm rồi đảo chúng tôi mới có dịp được nhiều phóng viên báo chí thăm đảo như thế này. Đây là món quà tết ý nghĩa nhất đối với cán bộ, chiến sỹ trên đảo”.

Thượng úy Phạm Việt Anh cho biết: “Tết này cán bộ, chiến sỹ điểm đảo Đá Đông C có một cái tết rất đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi tổ chức cho anh em đón tết trong không khí đầm ấm, vui tươi, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, bảo vệ Đảng, bảo vệ chủ quyền biển đảo... gửi đất liền một mùa xuân yên bình, hạnh phúc”.

Điểm đảo Đá Đông A xa xôi nhất, vào giữa trưa, chúng tôi mới đến được đảo. Ấn tượng đầu tiên chính là vườn rau thanh niên cánh lính đảo dành nhiều công sức, thời gian xây dựng tựa như một khu vườn treo độc lập trên biển. Trong vườn treo này trồng đủ các loại rau xanh tốt bời bời: rau muống, mồng tơi, cải xanh, rau dền, lá mơ lông...

Đại úy Hồ Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Đông A bảo rằng: “Trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nguồn tiếp tế rau xanh phụ thuộc vào những chuyến tàu hậu cần, lính đảo đá chìm chúng tôi xác định cần phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, chế độ ăn uống hàng ngày cho bộ đội, trong đó nguồn rau xanh luôn bảo đảm đầy đủ. Vườn rau xanh Đá Đông A trở thành một mô hình trồng rau sạch tiêu biểu trên những đảo chìm”.

Bữa cơm trưa trên điểm đảo Đá Đông A trở thành bữa cơm chia tay của cánh phóng viên chúng tôi với bộ đội Trường Sa. Cơm trắng, thịt kho, cá hấp, rau xào... chủ nhà cùng khách ngồi quây quần trên sàn nhà trong cái gió lồng lộng thổi, trong vị mặn mòi muối biển, trong tình cảm bồi hồi trước giây phút chia tay...

Ảnh 10 : Vườn rau thanh niên trên đảo Đá Đông A.
Vườn rau thanh niên trên đảo Đá Đông A.

Tôi chợt nhớ đến buổi sáng đầu tiên trên thị trấn Trường Sa, tham dự buổi lễ chào cờ với quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió. Lời thề người lính đảo dõng dạc cất lên vang vọng giữa muôn trùng sóng nước. Người lính Trường Sa nguyện một lòng trung thành với Đảng, với nhân dân; sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Lời thề người lính đảo theo chân chúng tôi đi hết chuyến hải trình Trường Sa. Đến bất cứ một đảo nào, người lính vẫn tâm thế ấy, vẹn nguyên lời thề ấy, sẵn sàng cống hiến và được cống hiến.

Tôi chứng kiến cuộc tao ngộ của họ, khoảng khắc ngắn ngủi trên tàu 561 trước khi một người theo tàu vào đất liền, một người lên nhận nhiệm vụ trên đảo Đá Đông. Họ là hai anh em ruột, đồng hương của tôi, quê Quảng Bình.

Trung úy quân y Nguyễn Quang Ngọc sinh năm 1983 (quê quán xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), em trai Ngọc, thượng úy Nguyễn Lệ Sơn, sinh năm 1985, đều bộ đội Trường Sa. Tháng 1-2014, Ngọc đặt chân lên điểm đảo Đá Đông B. Một năm sau đó, tháng 1-2015, Nguyễn Lệ Sơn lên đường đến đảo Trường Sa Đông. Nguyễn Quang Ngọc công tác trên Đá Đông B đến tháng 8-2015 thì trở vào đất liền và lần này anh lại ra điểm đảo Đá Đông C, cùng đồng đội đón tết trên đảo chìm. Nguyễn Lệ Sơn tết này đơn vị cho nghỉ phép, từ đảo Trường Sa Đông ra tàu 561 để vào đất liền, bất ngờ gặp anh trai. Hai anh em qua quýt với nhau vài lời hỏi thăm sức khỏe, Ngọc phải theo đồng đội xuống xuồng CQ kịp vào đảo.

Câu chuyện hai anh em trong một gia đình tình nguyện viết đơn ra Trường Sa, đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 Vùng IV Hải quân tự hào khoe với đội ngũ phóng viên báo chí trong cả nước khi thăm điểm đảo Đá Đông C. “Đặc biệt hơn, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Lệ Sơn vẫn kiên định lên đường khi mẹ mình, bà Dương Thị Men, sinh năm 1960 bị căn bệnh ung thư vú. Như vậy đó, khi Tổ quốc cần, quê hương, đất nước đã cho chúng tôi những người lính kiên trung!”- đại tá Dương nhấn mạnh.

Ảnh 11 : Bữa cơm trưa của những người lính đảo chìm Đá Đông
Bữa cơm trưa của những người lính đảo chìm Đá Đông.

Tôi gặp lại trung úy Nguyễn Quang Ngọc trên Đá Đông C, anh cho biết thêm về hoàn cảnh gia đình mình: “Năm 2013 thì phát hiện mẹ bị ung thư vú, dù sức khỏe yếu nhưng bà vẫn động viên em an tâm lên đường. Em xa nhà chỉ biết động viên mẹ cố gắng chiến thắng bệnh tật thông qua các cuộc điện thoại. Gần một năm sau đó, mẹ tiếp tục tiễn em Ngọc ra Trường Sa. Mẹ bảo, khi Tổ quốc cần anh em bây cố gắng ở nơi tuyến đầu, vì Tổ quốc trên hết. Đất nước lâm nguy thì còn chi là gia đình!”. Ngồi với tôi, Ngọc kể về mẹ đầy tự hào. “Tết năm ni, thằng Sơn về với mẹ. Như vậy mẹ mừng lắm. Em ở ngoài đảo xa, gánh trách nhiệm canh giữ biển đảo cho cả hai anh em”.

Chia tay, Nguyễn Quang Ngọc bảo: “Em gửi về quê hương Quảng Bình lời chúc mùa xuân hạnh phúc, an khang. Quê hương hãy vững tin vào những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc nhé!”. Trên tàu 561, trò chuyện cùng thượng úy Nguyễn Lệ Sơn, Sơn kể: “Em cưới vợ chỉ được 5 ngày thì nhận lệnh ra đảo Trường Sa. Vợ em tên Nguyễn Thị Khánh Ngân, sinh năm 1988, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường thị xã Ba Đồn. Cưới nhau xong là đi, hy vọng dịp tết này về bù đắp vẹn tròn cho vợ, cho mẹ”

9 giờ sáng 21-1: Trên đại dương bao la, tàu 561 kéo ba hồi còi dài báo hiệu kết thúc chuyến hải trình thăm, tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, tạm biệt đảo nổi, đảo chìm trở về đất liền. Đứng trên bong tàu ngắm đại dương đang trở mình báo hiệu thời tiết xấu dần, tôi nhớ những ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay thật chặt của những người lính đảo... Trên đảo chìm, đảo nổi, người lính Trường Sa cất lên khúc hát tự hào “... Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sỹ Trường Sa, hát tiếp bài ca những tấm gương anh hùng. Đem chí trai giữ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta. Giữ chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Giữa muôn gương mặt lính đảo ngời sáng trên đảo chìm, đảo nổi Trường Sa, ở đâu tôi cũng hội ngộ, chuyện trò với những người con Quảng Bình. Nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa, chính các anh đã viết tiếp bản anh hùng ca bất diệt về quê hương “Hai giỏi”.

Thanh Long
Trường Sa Xuân Bính Thân 2016

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 8: Nghĩa tình đồng đội trên đảo Trường Sa Đông

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 7: Ngôi nhà chung của ngư dân trên biển

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 6: Đá Tây-"Thành phố" đảo chìm

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 5: Đá Lát-Bản tình ca trên sóng

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 4: Lên đảo

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 3: Trên biển

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 2: Lên đường

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 1: Hội ngộ