.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 8: Nghĩa tình đồng đội trên đảo Trường Sa Đông

Chủ Nhật, 24/01/2016, 14:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 18-1, đoàn phóng viên báo chí chúng tôi cùng lực lượng bộ đội tăng cường cho các tuyến đảo Trường Sa trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đặt chân lên đảo Trường Sa Đông. Tính đến thời điểm này, sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi đã thực hiện thành công hai phần ba chuyến hải trình thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng đóng quân thực thi chủ quyền biển đảo trên Quần đảo Trường Sa thân yêu.

Đoàn phóng viên báo chí chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông.
Đoàn phóng viên báo chí chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa Đông.

Đảo Trường Sa Đông là một bãi cát nằm trên rạn san hô nhô lên giữa biển. Trường Sa Đông cách cụm đảo chìm Đá Tây 6 hải lý về phía đông bắc và cách đảo Đá Đông 13 hải lý theo hướng tây bắc.

Ấn tượng đầu tiên khi đoàn chúng tôi đặt chân lên Trường Sa Đông là đảo nhỏ thanh bình đến kỳ lạ với một màu xanh ngát bàng vuông, cây tra, bàng đất liền... Những lối đi nhỏ bằng bê tông xuyên dưới tán bàng vuông, cây tra đã vào tuổi cổ thụ, cảm giác như đang trên một làng quê biển ở đất liền.

Trung tá Hoàng Văn Hạnh, Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông trước sự ngạc nhiên của cánh báo chí kể ngay câu chuyện làm quà: “Những gốc cây xanh trồng giữa phong ba, bão táp khó khăn gấp bội lần so với đất liền. Mỗi gốc cây bám rễ chắc vào đảo là cả kỳ công. Người lính đảo không biết từ bao giờ xem bàng vuông, cây tra như những người bạn, người thân.

Hiện tại toàn đảo có 120 cây bàng vuông và 70 gốc tra. Ban chỉ huy đảo cho tiến hành đánh số rồi giao về tận từng cán bộ, chiến sỹ, từng phân đội chăm sóc, quản lý xem đây là một trong những nội dung thi đua, đánh giá hàng năm”.

Sau công trình điện gió, điện mặt trời hoàn thành làm thay đổi diện mạo đảo Trường Sa Đông, món quà đầy ân tình của đất liền gửi tặng cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo là hệ thống máy lọc nước ngọt từ nước biển. Được vận chuyển ra đảo và tiến hành lắp ráp, chạy thử nghiệm từ tháng 8-2015, công suất lọc khoảng 600 lít nước ngọt/ngày. Đây chiếc máy lọc nước ngọt từ nước biển thứ hai trên quần đảo Trường Sa (sau đảo An Bang, công suất 1.200 lít nước ngọt/ngày).

Ảnh 8 : Ấm tình đồng đội
Ấm tình đồng đội.

Trung tá Trần Văn Luận, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Đông xúc động cho biết: “Nước ngọt cho bộ đội Trường Sa phần lớn đều nhờ “giếng trời”, khó khăn nhất vào mùa khô. Với Trường Sa Đông, từ khi đưa vào sử dụng máy lọc nước ngọt từ nước biển, bộ đội trên đảo chủ động, bảo đảm được nguồn nước sinh hoạt hàng ngày. Đây là món quà ý nghĩa nhất đối với đảo trong dịp Tết Nguyên đán 2016 này”.

Những ngày đoàn công tác lưu lại trên đảo Trường Sa Đông là những ngày chúng tôi đón nhận trọn vẹn tình cảm chân tình của những người lính đảo đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời thiêng liêng Tổ quốc, chắt chiu, chu đáo từng bữa cơm, nhường nơi ngủ chật hẹp cho khách... Nghĩa tình đất liền dành cho lính đảo qua những món quà Tết, lương thực, thực phẩm đưa lên đảo.

Nghĩa tình gói trọn trong từng tấm bánh chưng xanh mà cánh phóng viên báo chí cùng bộ đội gói, thức trọn đêm canh nấu; là lời ca, tiếng hát trao gửi trong đêm dạ hội văn nghệ hái hoa dân chủ mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới.

" Chút thời gian ngắn ngủi, tôi chỉ kịp kể sơ qua cho đồng hương lính đảo chút chuyện Quảng Bình làm quà.

Thế thôi mà ấm lòng... để quê hương vẫn hiện diện bên các anh thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình".

Tôi bắt gặp những người lính trẻ sau giờ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu lại cùng nhau tăng gia sản xuất, chăm sóc đàn lợn, đàn gà, vườn rau xanh... Ở hội trường lớn của đảo, các chàng trai lính đảo tuổi mười tám đôi mươi chuẩn bị cho “ra lò” những ấn phẩm báo chí số đặc biệt mừng Đảng, mừng xuân mà tôi tin chắc ít nơi nào còn duy trì được: báo tường.

Trung úy Lê Thanh Tâm kể: “Tờ báo tường gắn chặt với cuộc sống người lính trên đảo, món ăn tinh thần không thể nào thiếu được, mặc dù để có một sản phẩm báo tường, lính đảo phải khắc phục rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về giấy viết, bút mực, in ấn... Mỗi số báo tường ra đời chứa đựng tất cả tâm huyết người lính, tập trung cổ vũ, tuyên dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào tuổi trẻ xung kích, từ đó giúp cán bộ, chiến sỹ trên đảo sống lạc quan, yêu đời, đoàn kết, sẵn sàng, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió”.

Trên đảo Trường Sa Đông, chúng tôi theo chân đại tá Bùi Đình Dương, Lữ đoàn phó Quân sự Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác đến thắp hương cho thiếu úy Ngô Quyết Thắng, sinh năm 1988, quê quán huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương mất tại đảo chìm Đá Tây A tháng 4-2014. Nơi phần mộ Thắng, tôi gặp thiếu úy Lê Nghiêm Nam, sinh năm 1988, quê quán huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cán bộ quản lý Lữ đoàn 146 Hải quân. Câu chuyện Lê Nghiêm Nam kể bên phần mộ Ngô Quyết Thắng làm tôi càng thấm thía hơn về tình bạn, tình đồng chí, đồng đội của những người lính Trường Sa.

Thiếu úy Lê Nghiêm Nam bên mộ bạn thân Ngô Quyết Thắng trên đảo Trường Sa Đông.
Thiếu úy Lê Nghiêm Nam bên mộ bạn thân Ngô Quyết Thắng trên đảo Trường Sa Đông.

Hai người bạn Nam - Thắng tuy khác quê nhưng nhập ngũ một ngày, tháng 3-2008; cùng theo học tại Học viện Hải quân. Sau khi tốt nghiệp đôi bạn cùng nhau tình nguyện công tác tại huyện đảo Trường Sa. Ngô Quyết Thắng ra đảo Song Tử, Lê Nghiêm Nam đến đảo Nam Yết. Tình cờ ngày Nam được đơn vị cử đi học quản lý tại Học viện Tài chính, lại gặp Thắng cũng đang học ở đó, tình bạn thân càng thân hơn. Bạn bè, thầy cô trong lớp rất quý hai người, những chàng lính Hải quân Trường Sa hiền hậu, dễ thương.

Trở lại Trường Sa, Ngô Quyết Thắng nhận công tác trên đảo chìm Đá Tây A. Đến bây giờ Lê Nghiêm Nam vẫn cứ bàng hoàng khi nhớ giây phút định mệnh ấy, ngày 28-4-2014, tin dữ bay về đất liền, đồng đội Thắng trên Đá Tây A qua điện thoại thông báo cho Nam rằng Thắng mất rồi, mất vì một cơn đột quỵ trong khi làm nhiệm vụ. Ngô Quyết Thắng được đơn vị truy điệu và đưa về an táng tại đảo Trường Sa Đông.

Mùa xuân này, anh an nghỉ bên chân sóng, giữa tình đồng đội, đồng chí gần hai năm tròn. Lê Nghiêm Nam tâm sự: “Từ ngày Thắng mất, mỗi chuyến công tác ngang qua Trường Sa Đông, em đều xin thủ trưởng lên thắp hương viếng mộ bạn. Hai năm trôi qua, hình ảnh Thắng vẫn cứ dày lên trong em. Viếng bạn, ngoài hoa tươi, em còn cố gắng mua cho bạn ít gói bánh đậu xanh đặc sản Hải Dương, ngày còn sống, Thắng thích bánh đậu xanh quê mình lắm!”.

Ngô Quyết Thắng mất, Lê Nghiêm Nam thay bạn làm con trong gia đình Thắng. “Bố mẹ bạn em đều đã già. Vẫn đau đáu ước muốn một lần ra thăm Trường Sa, thăm nơi người con trai yêu quý mình nằm lại vì biển đảo Trường Sa, vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ... Từ ngày bạn mất, có dịp đi công tác miền Bắc em lại về với hai cụ” - Nam chia sẻ.

Trên Trường Sa Đông, trung tá Trần Văn Luận giới thiệu cho tôi những người con quê hương Quảng Bình đang công tác tại đảo: trung úy Trương Quốc Toản quê xã Cao Quảng; trung úy Nguyễn Ngọc Khảm, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa); đại úy quân y Nguyễn Thành Trung, quê xã Hoa Thủy (Lệ Thủy)... Chút thời gian ngắn ngủi, tôi chỉ kịp kể sơ qua cho đồng hương lính đảo chút chuyện Quảng Bình làm quà. Thế thôi mà ấm lòng... để quê hương vẫn hiện diện bên các anh thủy chung, trọn nghĩa vẹn tình.

Thanh Long

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 7: Ngôi nhà chung của ngư dân trên biển

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 6: Đá Tây-"Thành phố" đảo chìm

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 5: Đá Lát-Bản tình ca trên sóng

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 4: Lên đảo

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 3: Trên biển

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 2: Lên đường

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 1: Hội ngộ