.

Nhật ký Trường Sa - Kỳ 7: Ngôi nhà chung của ngư dân trên biển

Thứ Sáu, 22/01/2016, 14:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong 3 điểm đảo thuộc cụm đảo chìm Đá Tây, Đá Tây A tựa như một con thuyền lớn vững chãi, bao dung trên biển Đông bao la. Những người lính biển mỗi khi tàu ngang qua Đá Tây A đều đặt tay lên ngực mình hướng về phía đảo. Trên ngư trường rộng lớn ở Trường Sa, ngư dân tìm thấy cho mình một chỗ dựa an toàn cũng chính từ điểm đảo Đá Tây A. Từ bao đời nay, những người vươn khơi bám biển thân mến gọi Đá Tây A là ngôi nhà chung của mình.

Đền thờ Lý Thường Kiệt trên điểm đảo Đá Tây A.
Đền thờ Lý Thường Kiệt trên điểm đảo Đá Tây A.

14 giờ ngày 16-1: Như một quy luật bất di bất dịch trong chuyến hải trình thăm, chúc Tết quân và dân quần đảo Trường Sa, khi đến vùng biển các đảo chìm vào hôm trước, tàu 561 neo lại cho anh em phóng viên báo chí nghỉ ngơi đến chiều hôm sau, khi thủy lên, tàu 561 hạ xuồng CQ đưa mọi người lên đảo.

Trong tất cả các đảo chìm mà chúng tôi ghé thăm, Đá Tây A tạo một ấn tượng mạnh cho thành viên trong đoàn công tác khi phía trước đảo là một âu thuyền mênh mông, yên bình - nơi trú tránh bão, tiếp nhận lương thực, thực phẩm, nước ngọt của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến tận cực nam Tổ quốc.

Đại úy Lâm Thế Phong, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây A hướng dẫn đoàn công tác đến thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt ngay phía trước âu thuyền. Đại úy Phong kể rằng đền thờ Lý Thường Kiệt hình thành trên đảo không biết từ bao giờ, trước khi những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đến đảo.

Người dân đi biển, giữa muôn trùng sóng nước, giữa hiểm nguy rình rập, giữa ranh giới mong manh sống chết, họ muốn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua tất cả và danh tướng Lý Thường Kiệt với bài thơ thần - Bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt đã được lựa chọn: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Những câu thơ thần như tiếp thêm sức mạnh không chỉ đi với người lính mà cả với ngư dân bám biển. Những chuyến ra khơi, người lính biển, ngư dân đều ghé lại Đá Tây A thắp hương tại đền thờ Lý Thường Kiệt như một sự khẳng định biển đảo, vùng trời này là của Việt Nam, chẳng có một thế lực ngoại bang nào có thể xâm phạm được.

Trung tâm dịch vụ hậu cần (DVHC) đảo Đá Tây thuộc Công ty một thành viên (MTV) Dịch vụ khai thác biển Đông chính thức hoạt động từ tháng 5-2005, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ cho tàu thuyền ngư dân Việt Nam như lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nước ngọt miễn phí...; nhận sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; kết hợp với bộ đội Hải quân sắp xếp, bố trí tàu ngư dân vào âu thuyền Đá Tây trú, tránh bão an toàn; làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

 

 Âu thuyền tránh, trú bão thuộc Trung tâm DVHC đảo Đá Tây.
Âu thuyền tránh, trú bão thuộc Trung tâm DVHC đảo Đá Tây.

Ông Chu Minh Sơn, Trưởng ban quản lý Trung tâm DVHC đảo Đá Tây đưa chúng tôi dạo một vòng quanh “cơ ngơi” đơn vị dày công tạo nên sau hơn 10 năm bám biển, bám đảo, đồng hành cùng quân và dân Quần đảo Trường Sa: “Trung tâm được xây dựng trên diện tích 3.000m2 có đầy đủ các khu: văn phòng, nhà điều hành, xưởng sửa chữa cơ khí, trang thiết bị lặn, cứu hộ, cứu sinh, trạm thông tin liên lạc...

Các bồn chứa nhiên liệu, dầu DO trên 337m3; bồn chứa nước ngọt gần 1.000m3 phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên trên đảo Đá Tây A và cung cấp miễn phí cho tàu cá ngư dân. Đặc biệt trung tâm có một đội tàu hùng hậu gồm 8 chiếc, 1 botong chứa nước ngọt, nhiệm vụ chủ yếu vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo; thường trực trên đảo 24/24 sẵn sàng nhận lệnh tuần tra, cứu hộ, cứu nạn, thu mua hải sản lưu động cho ngư dân, xua đuổi tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Năm 2015, Trung tâm DVHC thực hiện vận tải tại Quần đảo Trường Sa 25 chuyến tàu cung ứng hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm, nhiên liệu... giá cả ngang bằng đất liền; tiếp nhận 890 lượt tàu vào âu thuyền tránh trú bão; có 420 lượt tàu vào tiếp trên 200.000 lít nhiên liệu, 23 tấn lương thực, thực phẩm; hỗ trợ miễn phí 1.527m3 nước ngọt. Trung tâm cũng đã sửa chữa thành công 18 tàu cá ngư dân bị hư hỏng máy; cứu hộ 2 tàu trôi dạt trên biển; tiến hành 6 chuyến vận chuyển cấp cứu bệnh nhân đến các đảo Trường Sa Lớn và Trường Sa Đông

Ông Nguyễn Văn Túy, ngư dân tỉnh Phú Yên, chủ tàu cá PY 95041TS có mặt trên điểm đảo Đá Tây A cho biết: “Tàu của tôi đang đánh bắt tại ngư trường Trường Sa thì bị gãy ống van dẫn dầu. Liên lạc cho Trung tâm DVHC đưa tàu ra lai dắt vào tiến hành sửa chữa hoàn toàn miễn phí. May mắn cho chúng tôi không phải lênh đênh trên biển, phí tổn lúc đó chẳng thể nào tính hết được”.

Ngư dân Phạm Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu KH 98435TS so sánh: “Trước đây, khi Trung tâm DVHC chưa đi vào hoạt động, chi phí mỗi chuyến đi biển dài ngày rất lớn. Đơn giản hành trình từ đất liền ra ngư trường Trường Sa mất khoảng 70 triệu đồng tiền dầu. Bây giờ nhiện liệu tiếp từ trung tâm giá bằng đất liền; sản phẩm đánh bắt được trung tâm thu mua ngay trên biển, rất tiện lợi và hiệu quả kinh tế cho ngư dân bám biển dài ngày. Từ lâu chúng tôi xem Trung tâm DVHC đảo Đá Tây như là ngôi nhà chung của mình”.

“Góp phần xây nền móng vững chắc cho ngôi nhà chung của ngư dân trên đảo chìm Đá Tây không thể không kể đến vai trò bộ đội Hải quân. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, bộ đội đang trở thành người bạn đồng hành hàng ngày của ngư dân”- thượng úy Ngô Quang Điền, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây A khẳng định với tôi như vậy khi cùng anh đứng trên lan can ngôi nhà ba tầng khang trang, quà tặng nhân dân cả nước thông qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh phát động- “Ngày mai mình sẽ giới thiệu nhà báo tiếp xúc với một người để hiểu rõ hơn vấn đề này”- Chính trị viên Điền bật mí!

8 giờ sáng 17-1: Thì ra người mà thượng úy Ngô Quang Điền muốn tôi gặp là Nguyễn Viết Toàn, thượng úy, bác sỹ quân y của đảo chìm Đá Tây. Toàn đồng hương Quảng Bình, sinh năm 1976, quê xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh kể: “Mình nhập ngũ năm 1996, lúc đang là sinh viên Trường CĐSP Quảng Bình. Quân đội cho đi học ngành y đến năm 2012 thì về công tác tại Đội điều trị, Vùng IV Hải quân. Năm 2013, ra đảo Núi Le và bây giờ thì ở đảo Đá Tây”.

Đoàn công tác cùng cán bộ chiến sỹ đảo chìm Đá Tây trồng cây trên đảo nhân dịp xuân mới.
Đoàn công tác cùng cán bộ, chiến sỹ đảo chìm Đá Tây trồng cây trên đảo nhân dịp xuân mới.

Bác sỹ Nguyễn Viết Toàn phụ trách công tác chăm sóc, điều trị sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng đứng chân trên đảo chìm Đá Tây-một khu vực biển đảo rộng lớn chỉ có thể di chuyển bằng thuyền CQ. Khó khăn bộn bề, nhưng với trách nhiệm cao cả của người lính-bác sỹ, anh để lại ấn tượng khó phai trong lòng đồng chí, đồng đội, ngư dân. Năm 2015, bác sỹ quân y đảo Đá Tây khám, điều trị, thu dung cho 392 trường hợp bệnh nhân, trong đó có 22 trường hợp nặng.

Tôi hỏi anh về những kỷ niệm nào sâu sắc trong nghề hay không? Toàn cười dung dị: “Nhiều lắm chứ! Còn nhớ vào khoảng tháng 5-2015, mình tiếp nhận bệnh nhân Phan Văn Đồng, quê quán Lệ Thủy, Quảng Bình, công nhân xây dựng trên đảo, bị sốt xuất huyết độ 2. Do chủ quan, tự điều trị, đến bác sỹ quá muộn, bệnh trở nên nặng. Sau khi khám, chuẩn đoán chính xác và điều trị cắt cơn, mình đề xuất cấp trên tiếp tục chuyển bệnh nhân sang đảo Trường Sa Lớn để theo máy bay vào Bệnh viện quân y 175, Bộ Quốc phòng.

Một trường hợp khác là ngư dân Nguyễn Văn Tý, quê Khánh Hòa, đi trên tàu cá KH 95446TS. Khi quay máy, bị tay quay trả ngược trở lại đánh dập cằm, đứt môi, tay rách dài 9cm. Khi nghe tin bác sỹ quân y nhanh chóng có mặt, vệ sinh vết thương và khâu lại...”.

Bác sỹ Toàn bảo ngư dân trên ngư trường Trường Sa, giữa bốn bề mênh mông sóng nước, đau ốm, bệnh tật, tai nạn... chỉ còn biết dựa vào bộ đội. Với anh, chữa lành cho một bệnh nhân, cứu sống một người trên biển, thấy hạnh phúc nhân lên gấp bội lần.

Bác sỹ Nguyễn Viết Toàn có một gia đình nho nhỏ ở quê nhà. Vợ anh, chị Cao Thị Minh Trang là cán bộ thư viện Trường THCS Thạch Hóa. Anh chị có hai cháu nhỏ Nguyễn Ngọc Phương Lê và Nguyễn Cao Thắng. Mùa xuân này, ngôi nhà nhỏ nơi miền quê nghèo Thạch Hóa, niềm vui sẽ ngập tràn khi người chồng, người cha được nghỉ phép về quê đón Tết, vui xuân với gia đình.

Thanh Long

Kỳ 8: Nghĩa tình đồng đội trên đảo Trường Sa Đông

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 6: Đá Tây-"Thành phố" đảo chìm

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 5: Đá Lát-Bản tình ca trên sóng

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 4: Lên đảo

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 3: Trên biển

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 2: Lên đường

>> Nhật ký Trường Sa - Kỳ 1: Hội ngộ