.

Khi người lính trở về

Thứ Sáu, 29/01/2016, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghe tiếng còi xe ngoài cổng, anh Bùi Tiến Cảm cùng vợ lật đật chạy ra đón khách. Chợt nhận ra khách vốn là những người đồng chí, đồng đội của mình từng một thời vào sinh ra tử, anh Cảm xúc động: “Chào các thủ trưởng, thật quý hóa, lâu các thủ trưởng mới lên. Xin báo cáo với các thủ trưởng, từ nay vợ chồng chúng em... thực sự hết nghèo rồi ạ!”

CCB Bùi Tiến Cảm cùng lãnh đạo Hội CCB huyện Quảng Ninh trước ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”.
CCB Bùi Tiến Cảm cùng lãnh đạo Hội CCB huyện Quảng Ninh trước ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội”.

Từ nghĩa tình đồng đội

Trong ngôi nhà xây kiên cố nằm khá tách biệt tại vùng rừng núi Khe Ồ Ồ, thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh), vợ chồng anh Bùi Tiến Cảm pha nước mời khách vừa kể: “Chuyện về cuộc đời tôi dài lắm, nhọc nhằn và biết bao gian khổ đến mức tưởng không thể gượng dậy nổi. Cho đến một ngày, những đồng đội, đồng chí của tôi xuất hiện, vực dậy ý chí, nghị lực, tiếp thêm sức mạnh, tôi đã vững vàng đi lên trong cuộc chiến thoát đói, hết nghèo, hướng đến những ngày tháng ấm no”.

Trước đó, theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Mậu Quyết, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Ninh và ông Lê Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội, chúng tôi đã hình dung phần nào về gia cảnh CCB Bùi Tiến Cảm, sinh năm 1957 và chị Nguyễn Thị Hường, sinh năm 1981.

“Năm 1977, tôi nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, đến năm 1983, phục viên trở về quê rồi xin vào làm công nhân tại Nông trường Lệ Ninh. Năm 1992, do vết thương tái phát, tôi được cho nghỉ theo chế độ 176”- anh Bùi Tiến Cảm bắt đầu kể về cuộc đời “ba chìm, bảy nổi” của mình- “Không nơi cắm dùi, sống đơn thân, tôi xin xã lên lập nghiệp tại khu vực đồi núi phía tây xã, vùng khe Ồ Ồ bây giờ. Không đồng vốn dắt lưng, hành trang chỉ là cái cuốc, con dao. Đất rộng, tiềm năng nhiều nhưng nghèo rồi vẫn hoàn nghèo”.

Ở thôn Áng Sơn, có cô gái con nhà nghèo đẹp người đẹp nết, thua anh Bùi Tiến Cảm đến 2 giáp tuổi, thương anh đơn thân, lại cùng cảnh ngộ, “rổ rá cạp lại” nên duyên chồng vợ. Thành vợ, thành chồng, hai số phận nghèo nhân đôi thành một gia đình nghèo. Do ảnh hưởng nhiều vết thương lúc còn ở chiến trường, anh Cảm cứ nhớ nhớ, quên quên. Chuyện gia đình nặng gánh trên vai chị Hường, vợ anh Cảm.

Đàn dê của CCB Bùi Tiến Cảm.
Đàn dê của CCB Bùi Tiến Cảm.

Đầu năm 2014, những người lính, là đồng đội xưa lên thăm đôi vợ chồng Bùi Tiến Cảm, Nguyễn Thị Hường trong túp lều bị cơn bão số 10 năm 2013 làm xiêu vẹo. Họ đã thắp lên ánh lửa niềm tin trong lòng vợ chồng CCB Bùi Tiến Cảm, sức khỏe anh từ đó ổn định dần.

Khởi đầu là ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” được xây dựng thay cho túp lều rách nát. Hội CCB các cấp và các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm... hỗ trợ anh 50 triệu đồng. Từ đây, an cư rồi mới tính đến chuyện lạc nghiệp. Đất đai gia đình anh Cảm sở hữu tại vùng khe Ồ Ồ rộng lắm, sức người vốn cần cù, chịu khó nhưng đồng vốn để đầu tư lại không dễ bao giờ.

Ông Nguyễn Mậu Quyết, Chủ tịch Hội CCB huyện Quảng Ninh góp vào: “Thêm một lần nữa, chúng tôi bàn với anh em trong Ban chấp hành Huyện hội, Hội CCB xã Vạn Ninh dồn tiềm lực cho Bùi Tiến Cảm. Hơn lúc nào hết, chúng tôi thầm hiểu, mỗi người lính trở về ngoài nỗ lực bản thân, điều cần nhất là sự giúp đỡ, đồng hành từ đồng chí, đồng đội”. 40 triệu đồng là số tiền Hội CCB huyện Quảng Ninh đứng ra tín chấp vay cho anh Bùi Tiến Cảm. Từ nguồn vốn liếng này, vợ chồng CCB Bùi Tiến Cảm bắt đầu cuộc chinh phục vùng đất đá sỏi khe Ồ Ồ.

Đến quyết chí làm giàu

Chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ, thế mạnh trong trang trại gia đình CCB Bùi Tiến Cảm.
Chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ, thế mạnh trong trang trại gia đình CCB Bùi Tiến Cảm.

Anh Bùi Tiến Cảm mời thủ trưởng Quyết, thủ trưởng Kỷ cùng khách đi thăm một vòng quanh cơ ngơi trang trại của mình. Thoát nghèo sau khi có ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” và được Hội CCB tỉnh hỗ trợ nguồn vốn ban đầu, tận dụng lợi thế đất đai, CCB Bùi Tiến Cảm bắt tay vào đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, đào ao thả cá..., trong đó tập trung nuôi dê thương phẩm, trồng rừng, cây thanh long ruột đỏ. Đến nay, ngoài 5 ha trồng keo, tràm, bạch đàn, anh Cảm có 2 sào thanh long ruột đỏ với hơn 100 gốc sắp cho thu hoạch; đàn dê sinh sản và thương phẩm 60 con và 1.500m2 ao thả cá...

Trong vòng 2 năm, vùng khe Ồ Ồ đã đổi thay một cách bất ngờ, sự no ấm đang hiện hữu qua màu xanh mướt của vườn thanh long ruột đỏ; qua đàn dê đang nhởn nhơ gặm cỏ và nơi mặt nước ao hồ sóng gợn của đàn cá quẫy khi anh Cảm cho thức ăn. “Khối trị giá hai vợ chồng tích cóp đầu tư vào đây đã hơn 200 triệu đồng rồi các thủ trưởng ạ!”- anh Cảm cho biết - “Năm 2015, kinh tế vườn, chăn nuôi cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, đều dành cho trả nợ và tái đầu tư lại cho chăn nuôi, chú trọng đến đàn dê, nuôi thêm lợn nái, mở rộng diện tích thanh long ruột đỏ”.

Chúng tôi thấy hạnh phúc dâng trào nơi gương mặt người vợ đảm Nguyễn Thị Hường và niềm vui khi CCB Bùi Tiến Cảm say sưa kể chuyện làm giàu. Hạnh phúc hơn trong ngôi nhà “Nghĩa tình đồng đội” - tổ ấm của họ có thêm hai con trẻ, đủ trai, đủ gái chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành qua năm tháng cơ hàn, gian khổ, đói nghèo cùng bố mẹ.

Chia tay chúng tôi, CCB Bùi Tiến Cảm khẳng khái rằng: “Không còn nghèo nữa đâu. Xin hứa với các thủ trưởng, với đồng chí, đồng đội như vậy. Sẽ giàu lên thôi, để khỏi phụ lòng tin của mọi người đã cùng đồng hành trên đoạn đường gian khó để hai vợ chồng có được ngày hôm nay”.

Hương Trà