.

Để du lịch biển, đảo Quảng Bình "cất cánh"

Thứ Bảy, 27/09/2014, 11:06 [GMT+7]

(QBĐT) - Với hơn 116 km bờ biển, cùng với hệ thống đảo mang vẻ đẹp hoang sơ đã tạo cho du lịch tỉnh ta nhiều tiềm năng phát triển. Nét đặc trưng ít nơi nào có được là, biển Quảng Bình rất gần rừng. Du khách chỉ cần 1 giờ đồng hồ là lên được với Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng và cũng chỉ cần mất ngần ấy thời gian là về với biển Nhật Lệ để được đắm mình trong khung cảnh thơ mộng, với cát trắng, biển xanh...

 

Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm du lịch văn hoá tâm linh đặc biệt ở tỉnh ta.
Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm du lịch văn hoá tâm linh đặc biệt ở tỉnh ta.

Tiềm năng du lịch biển, đảo

Quảng Bình có nhiều bãi biển đẹp như Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú, Đá Nhảy, Hải Ninh, Nhân Trạch... Bờ biển thoai thoải, có nhiều cồn cát trắng uốn lượn đẹp như tranh vẽ, nước biển trong xanh rất thuận lợi cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, dịch vụ thể thao biển.

Quảng Bình cũng là nơi có thành phố biển Đồng Hới duyên dáng, trẻ trung đang trên đà phát triển, đây là lợi thế mà không phải nơi nào cũng có. Từ khi được công nhận đô thị loại II, thành phố biển Đồng Hới đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực để xây dựng thành phố từng bước trở thành trung tâm du lịch của khu vực Bắc Trung bộ.

Tiềm năng du lịch biển, đảo Quảng Bình rất phong phú. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu sử học, tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái cho biết: “Biển Quảng Bình có đặc trưng riêng. Bờ biển cạn và xa. Biển Quảng Bình có lợi thế là vùng nước quẩn, do địa thế đèo Ngang và đèo Hải Vân chắn ở hai đầu. Nhờ hội tụ của nhiều dòng hải lưu nên tạo ra ngư trường đánh bắt hải sản phong phú. Chất lượng hải sản cũng đặc biệt ngon.

Biển Quảng Bình có tới 5 cửa sông: Sông Roòn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh, sông Nhật Lệ, từ đó hình thành nhiều tụ điểm dân cư ven biển, nhiều trung tâm văn hóa như thành phố biển Đồng Hới, làng biển Cảnh Dương, Lý Hòa, Nhân Trạch, Quang Phú, Bảo Ninh. Biển Quảng Bình gắn liền với những đồi cát cao và đẹp, giữ được nguồn nước cho đới ven bờ. Bên cạnh đó, địa hình Quảng Bình hẹp tạo cho Quảng Bình thể thống nhất về văn hóa biển. Tất cả những yếu tố trên đã cho Quảng Bình tiềm năng phong phú về du lịch biển, đảo...”.

Ông Nguyễn Châu Á- một doanh nhân thành đạt trên lĩnh vực du lịch cũng nhận xét: “Hiếm nơi nào biển và rừng đẹp như ở Quảng Bình. Đây là một tiềm năng và lợi thế để vừa phát triển loại hình du lịch thám hiểm hang động vừa phát triển loại hình du lịch biển, đảo”.

Cần đánh thức tiềm năng...

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với sự phát triển của các loại hình du lịch tham quan thám hiểm hang động Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, loại hình du lịch biển cũng đã có những bước tiến đáng kể. Quảng Bình đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nói chung, phát triển loại hình du lịch biển nói riêng như sân bay, bến cảng, cầu Nhật Lệ I, cầu Nhật Lệ II; tăng cường dự án, xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch biển.

Một góc thành phố Đồng Hới.
Một góc thành phố Đồng Hới.

Tỉnh đã chú trọng quy hoạch toàn bán đảo Bảo Ninh - “hòn ngọc” bên bờ sông Nhật Lệ - trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp với các khu resort, nhà thi đấu đa chức năng, quảng trường biển, khu vực vui chơi giải trí, làng chài đánh bắt, chế biến hải sản. Nhờ đó, du lịch biển đang trở thành điểm đến thân thiện của du khách gần xa.

Theo số liệu của ngành Du lịch Quảng Bình, cơ sở hạ tầng du lịch ven biển vẫn là nơi có khu nghỉ dưỡng đạt các tiêu chuẩn cao nhất tỉnh. Với việc được xếp hạng 5 sao, khu nghỉ dưỡng Sun Spa Resort Mỹ Cảnh của Tập đoàn Trường Thịnh tại khu vực biển Bảo Ninh là nơi có cơ sở hạ tầng cao cấp nhất tỉnh ta hiện nay. Ngay cả lao động trong ngành du lịch, lao động du lịch biển chiếm tỷ lệ cao nhất, với trên 60%.

Tuy vậy khách quan mà nói, tiềm năng du lịch biển thì nhiều, nhưng việc khai thác phát huy tiềm năng biển của tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Việc đầu tư cho du lịch biển còn nhỏ, lẻ. Tỉnh ta còn quá thiếu nơi vui chơi giải trí cho du khách ở khu vực ven biển. Một số loại hình như đánh bắt thủy hải sản, câu cá, câu mực, dịch vụ tắm biển chưa đa dạng. Có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển như dự án Hoàn Cầu ở khu vực Đá Nhảy vừa kéo dài thời gian, vừa mất mỹ quan đã làm lãng phí tài nguyên du lịch biển.

Các loại hình thể thao biển như bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, thuyền buồm, lướt ván còn chưa được phát triển. Một khó khăn lớn ảnh hưởng đến du lịch biển là thời tiết mưa bão kéo dài suốt cả mùa đông, tạo nên tính thời vụ mà chưa thể một sớm một chiều có thể khắc phục được. Đó là chưa nói tới hạn chế trong khâu quản lý du lịch ven biển; vấn đề an ninh trật tự ven biển; vệ sinh môi trường...

Bên cạnh đó, nạn ăn xin, chèo kéo khách du lịch diễn ra cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa, văn minh du lịch. Vấn đề phân cấp siết chặt quản lý bãi tắm, dịch vụ ăn uống ven biển phải được quản lý như thế nào để phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất cũng đang đặt ra cho các nhà quản lý. 

... Và hướng đi phù hợp

Năm 2013, một sự kiện quan trọng đưa đến sự gia tăng đột biến số lượng du khách đến với tỉnh ta, đó là sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại vùng biển Vũng Chùa- Đảo Yến, xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch). Bước qua năm 2014, con số du khách đến với Quảng Bình tăng kỷ lục với trên 2,5 triệu lượt khách chỉ trong 9 tháng đầu năm.

Bản vẽ phối cảnh cầu Nhật Lệ II.
Bản vẽ phối cảnh cầu Nhật Lệ II.

Có thể nói, chưa bao giờ du lịch biển tỉnh ta đứng trước nhiều thời cơ như hiện nay. Điều này cũng đặt ra cho các nhà quản lý du lịch những nhiệm vụ mới. Trước hết, phải tăng cường xúc tiến, quảng bá giới thiệu tiềm năng “thương hiệu” du lịch biển Quảng Bình.

Đặc biệt, cần quan tâm đầu tư tôn tạo cơ sở hạ tầng dịch vụ tuyến du lịch văn hóa tâm linh Vũng Chùa-Đảo Yến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách viếng thăm, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một tín hiệu vui đến từ các nhà doanh nghiệp Hàn Quốc, khi họ có kế hoạch đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Nhật Lệ hoặc Bảo Ninh với quy mô 300 phòng trở lên và đầu tư khai thác mỏ nước khoáng Bang, phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh.

Nói tới định hướng phát triển du lịch biển, đảo, ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, kiêm Chủ tịch hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho biết: “Định hướng những năm tới, để phát triển du lịch biển - đảo, ngành du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh quy hoạch chi tiết du lịch biển - đảo. Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch biển.

Trong quá trình này phải có sự phối, kết hợp với cơ sở hạ tầng đường giao thông phục vụ an ninh- quốc phòng. Đây cũng là chiến lược chung của Tổng cục Du lịch Việt Nam với đề án: Phát triển du lịch biển - đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển - đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH,HĐH, làm cho đất nước giàu mạnh ”.

Quảng trường biển Bảo Ninh.
Quảng trường biển Bảo Ninh.

Để phát triển du lịch biển, đảo ở tỉnh ta, ông Lê Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch tỉnh đề xuất: “Bên cạnh tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch vùng ven biển, cần quan tâm xây dựng những điểm vui chơi giải trí, đẩy mạnh các hoạt động thể thao bãi biển tầm cỡ nhằm thu hút du khách. Hình thành các tour du lịch trải nghiệm cùng ngư dân đánh bắt hải sản, câu mực về đêm.

Có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực với những loại hải sản ngon đặc trưng của vùng biển Quảng Bình. Áp dụng kinh nghiệm quản lý nhằm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường biển như khoán gọn công tác bảo vệ môi trường đến từng hộ dân, từng tổ dân phố, nhằm làm cho các bãi biển xanh-sạch- đẹp. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các điểm du lịch biển, đảo; tăng cường các hoạt động triển lãm, giới thiệu quảng bá văn hóa làng biển tạo cho du khách sự hiểu biết về truyền thống văn hóa độc đáo của các làng biển Quảng Bình...”.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tình yêu biển, đảo, truyền thống anh hùng của quân và dân trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tăng cường liên doanh, liên kết học hỏi kinh nghiệm, kết nối tour với địa phương bạn có hoạt động du lịch biển phát triển, nhằm phát triển “thương hiệu” du lịch biển, đảo Quảng Bình.

Có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hướng dẫn viên du lịch biển, đảo; thu hút lao động chất lượng cao vào dịch vụ du lịch biển, đảo. Tăng cường khả năng quảng bá, xúc tiến du lịch biển vào các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, các nước EU, các nước ASEAN, đặc biệt là nước bạn Lào, Thái Lan. Tạo điều kiện cho các nhà báo, các nhà làm phim tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch biển, đảo Quảng Bình.

Phát triển du lịch biển, đảo sẽ là định hướng phù hợp với bối cảnh chung của đất nước, chẳng những làm phong phú sản phẩm du lịch, góp phần tạo sức mạnh toàn diện về phát triển kinh tế biển, mà còn góp phần tăng cường ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Phan Hòa