.

"Rừng" tông dưới đáy sông

Thứ Ba, 26/08/2014, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm bên hữu ngạn sông Gianh, từ bao đời nay, người làng Thanh Châu, xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) sống nhờ vào "rừng" tông (rong) dưới đáy sông. Hằng năm, từ sau Tết Nguyên đán đến trước mùa mưa lũ, các loại tông lá, tông mây, tông nhún đua nhau mọc xanh rì dưới đáy sông.

"Rừng" dưới đáy sông

Làng Thanh Châu hiện có 131 hộ dân, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông, cả làng chỉ có khoảng 2,4ha đất canh tác nhờ vào các bãi bồi ven sông trồng ngô đậu. Trước đây, người làng chủ yếu sống trên các thuyền nhỏ, dựa vào "rừng" tông dưới đáy sông để kiếm sống. Bởi vậy, làng còn có tên gọi khác là xóm Tông. Xóm Tông nằm ở trung tâm vùng tông mọc thành "rừng" dưới lòng sông Gianh đoạn từ Đồng Hóa đến Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa), dài chừng 25km.

Đây cũng là mỏ cá khổng lồ bao đời nuôi sống các cư dân vạn chài. Một điều lạ là tông ở đây mọc rất nhanh nhưng khi lũ về thì biến mất. Từ dịp sau Tết Nguyên Đán đến mùa lũ, các loại tông mây, tông lá, tông nhún mọc xanh rì cả mặt sông. Bám vào chân tông là tôm cá, đủ loại, nước ngọt, nước lợ, đến cả trăm loại... Mùa nào cá ấy, cá nhiều như... tông.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Thông kể, xưa, cá ở đoạn sông Gianh qua đây đúng là xúc được. Dịp tháng hai, tháng ba âm lịch, mùa cá mòi từ biển ngược sông Gianh qua xóm Tông, dịp ấy tông mới mọc nhun nhún, nhiều khi đàn cá mòi đông làm cả vùng tông sáng lóa. Có những buổi đánh lưới thu cả tạ cá mòi... gỡ mỏi tay.

Từ bao đời nay, dân vạn chài Thanh Châu dựa vào
Từ bao đời nay, dân vạn chài Thanh Châu dựa vào "rừng" tông để kiếm sống.

Những gia đình ở Thanh Châu thường rất đông con, mỗi nhà cứ 7-8 người con và lớn lên đều nhờ cá. Trưởng thôn Nguyễn Văn Thông 8 người con, phó thôn Mai Văn Cảnh có tới 9 người con. Hỏi các ông chuyện nuôi con... ai cũng cười: “Nuôi bằng cá”. Ngày ngày xuống sông thu cá rồi vác cá đi đổi lấy gạo, sắn, khoai. Những năm đói kém, gánh cá đi đổi... nhọc lắm, rổ cá có khi đổi được lưng rổ khoai, còn gạo thì có khi chỉ được mấy lon. Nấu cháo cả nhà chục miệng ăn, cho có hơi bột.

Người làng Thanh Châu thủa ấy sáng tạo ra cả trăm loại cháo cá: cháo cá củ chuối, cháo cá rau rừng, cháo rau khoai nước... Những món cháo ấy nay thất truyền cả, cũng bởi cá giờ hiếm, được con cá có người đón mua ngay. Các món rau củ ấy loại nào vừa miệng một chút cũng thành đặc sản, khó kiếm, như món củ rau má, kiếm được đủ nồi cháo chắc... còng lưng.

“Trạng Nguyên cá”

Cá về cư ngụ ở xóm Tông  nhiều đến cả trăm loại. Nghề bắt cá ở đây cũng lạ, nhất là cái loòng khoòng đặc thù bắt cá "rừng" tông. Cụ Khấn kể, xưa dân xóm Tông bủa lưới rồi cũng dùng cách gõ vào mạn thuyền để xua cá. Cách ấy hiệu quả kém, cá trong rừng tông, thấy động chúi xuống núp vào bụi tông dày, gõ mỏi tay mà cá không chạy. Không biết ai nghĩ ra cách làm cái loòng khoòng, có lẽ nó sinh ra thời chiến tranh bởi gắn với chiếc ca tút đạn pháo. Ống ca tút đồng cho thêm hai viên bi sắt, bịt kín, gắn vào đầu cây sào vẫn dùng để chống thuyền.

Mỗi khi cây sào lao xuống nước, chạm đáy chiếc ống đồng rung lên... l...òng... khoòng. Tiếng âm rung truyền từ đáy sông, cá bị đuổi từ gốc tông phải ngược ra mà mắc lưới. Làm nghề cá ở xóm Tông đến độ "dị" phải kể đến cụ Mai Văn Nguyên. Cụ Nguyên nếu còn sống năm nay cũng đến hơn trăm tuổi, dân xóm hãi cái tài bắt cá mà ghép tên cụ thành “Trạng Nguyên cá”.

Lạ ở chỗ là cụ không bắt cá dưới nước mà bắt cá trên mặt nước. Những người già ở xóm Tông kể lại, cụ Nguyên làm cái dãy bằng tre trên sông, chắn ngang đường cá đi, dẫn luồng cá vào cuối dãy, tức, nhảy ngược lên vào lưới cụ treo giữa không trung. Cá đủ sức nhảy phải to, cụ “chịu khó” nằm vắt chân chữ ngũ trong lều đợi động ra nhặt cá.

Cụ Nguyên chỉ động dãy khi nhà hết gạo, cũng chỉ bắt mấy con đủ mua gạo ăn là thôi. Ai hỏi, xin kể, xin học nghề cụ chỉ cười. Dân xóm Tông tôn cụ là  “Trạng Nguyên cá”, cụ mất, nghề bắt cá trên trời của cụ cũng thất truyền, chỉ còn lại giai thoại, gần chục người con không ai biết cách mà làm như cụ. Nghề đánh cá ở xóm Tông nay cũng còn vài người, cả ngày chơi, đột nhiên xách loòng khoòng ra sông về là có cá nhưng cỡ như cụ Nguyên thì chẳng ai bằng được.

Cơ cực nghề nuôi cá bằng tông

Người làng Thanh Châu, nay không còn sống trên thuyền nữa, đa số họ đã chuyển lên bờ xây nhà ở. Cá sông ngày càng ít dần, đa phần dân đi làm đủ nghề: Đi rừng, vào miền Nam làm thuê... thoát ly khỏi rừng tông. Cả làng cũng chỉ còn hơn 30 hộ sống dựa vào rừng tông nhờ nghề nuôi cá lồng. Hầu hết những hộ này là người già hoặc sức khỏe yếu không làm được những việc khác mới phải nuôi cá lồng.

Ngày hai bữa, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng lặn dưới đáy sông vớt tông về nuôi cá.
Ngày hai bữa, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng lặn dưới đáy sông vớt tông về nuôi cá.

Mỗi cái lồng được làm bằng tre hoặc ống nhựa, chi phí cũng hết 5 - 6 triệu đồng, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ bởi được cái lợi vốn ít, chỉ 500 đến 1 triệu đồng là đủ mua nghìn con giống cỡ ngón tay. Thức ăn chủ yếu cho cá là tông vớt dưới đáy sông Gianh. Có lẽ nhờ được nuôi bằng tông nên cá lồng ở Thanh Châu nổi tiếng là ngon, thịt cá săn chắc hơn nuôi ở những vùng sông nước khác.

Đến mùa thu hoạch, nhiều thương lái đến đặt cọc tiền sẵn, rồi cứ thế mà bắt về. Dân nuôi cá lồng lúc túng thiếu cũng bắt cá bán “non” để có tiền trang trải cuộc sống. Nói là nói vậy nhưng ở làng Thanh Châu chưa ai giàu có nhờ vào nuôi cá lồng cả, ngoài nuôi cá người dân phải lăn lộn làm thêm việc khác mới đủ sống. Anh Nguyễn Văn Hoàng chủ lồng cá chia sẻ, ngày hai bữa sáng chiều, phải lặn dưới nước để vớt tông cho cá bất kể nắng mưa. Vất vả là thế nhưng may mắn lắm, mỗi năm cũng chỉ thu được 10 - 15 triệu đồng đủ mua gạo cho cả gia đình còn của để dành thì chẳng dám nghĩ tới.

Trưởng thôn Nguyễn Văn Thông cho biết, nghề nuôi cá lồng ở Thanh Châu được mất cũng nhờ trời, có khi nuôi từ đầu năm đến cuối năm chưa kịp thu hoạch thì lũ tràn về, nhấn chìm hết lồng cá xuống đáy sông. Đó là chưa kể cá bị dịch bệnh chết giữa chừng, người nuôi cụt vốn. Người làng Thanh Châu bao đời trông vào rừng tông, giờ phải trông vào đội ngũ đi làm thuê khắp nơi mới mong có tiền xây nhà dựng cửa, chứ trông vào nghề nuôi cá lồng chỉ luẩn quẩn ở mức nghèo...  

Xuân Phú