.

Hành trình về với mẹ - Bài cuối: Trả lại đúng tên anh trên mộ chí

Thứ Sáu, 25/07/2014, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày tháng 7, trong khi tại Quảng Bình, tôi lần tìm theo từng địa chỉ các gia đình của liệt sỹ được trở về cùng gia đình sau mấy chục năm trời đằng đẵng bặt tin, thì tại Hà Nội, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ- Marin cũng chính thức khởi động dự án “Trợ giúp pháp lý trong việc điều chỉnh, bổ sung thông tin liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ” cho 500 gia đình nhận lại chính xác phần mộ người thân mình đang an nghỉ tại các nghĩa trang: Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Kon Tum và Bình Định. Lời tôi nhớ khi chia tay Hằng tại thành phố Đồng Hới “Marin cố gắng... cố gắng không mệt mỏi cùng với các cấp, các ngành trả lại đúng tên các liệt sỹ trên mộ chí!”.

>> Bài 3: Marin và những câu chuyện liệt sỹ hồi hương

>> Bài 2: Ngày về cuốn nhật ký thép của người con đất Cảng

>> Bài 1: Ông Liên "khùng" và ngày về của một liệt sỹ miền Nam sau 40 năm

Ông Đinh Xuân Đoài trước bàn thờ của mệ Độ  và 3 người thân liệt sỹ.
Ông Đinh Xuân Đoài trước bàn thờ của mệ Độ và 3 người thân liệt sỹ.

Đứng trước ngôi nhà nhỏ tại thôn Bắc Sơn, xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Cao Viết Minh giới thiệu với tôi: “Đây là nhà mệ Phan Thị Độ, bà mẹ Việt Nam anh hùng có ba người con trai đều liệt sỹ và là mẹ của liệt sỹ Đinh Minh Đoán”.

Chúng tôi vào nhà, từ nơi bậu cửa, đập vào mắt khách là di ảnh mệ Phan Thị Độ và 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công của 3 liệt sỹ đặt trang trọng trên nóc tủ dùng làm nơi thờ phụng.

Ông Đinh Xuân Đoài, 78 tuổi, đảng viên trên 50 năm tuổi Đảng, người con trai thứ tư của mệ Độ, thắp nhang lên bàn thờ, nghẹn lời nói với khách: “Mạ tui mất năm 1992... Ông mệ sinh hạ năm người con, một người tham gia công tác tại địa phương bị mất, do bom, ba người đi bộ đội hy sinh ở ba chiến trường. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, mạ tui vẫn không biết phần mộ các con nằm ở mô, có ai hương khói cho hay không?”.

Cũng xin trở lại với thông tin ban đầu do Marin cung cấp: Trong lần cùng với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, Ban quản lý Nghĩa trang Quốc gia đường 9 khớp nối thông tin chính xác cho 25 liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, huyện Tuyên Hóa có 6 liệt sỹ gồm: Đinh Minh Đoán, Đinh Xuân Hội (Bắc Sơn, xã Thanh Hóa); Trần Văn Phục, Hoàng Thanh Đính (xã Kim Hóa), Hà Văn Thịnh và Ngô Xuân Quế (xã Đồng Hóa). Sau khi hoàn thành điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sỹ, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã có công văn số 898/SLĐTBXH-NCC ngày 10- 6- 2014 thông báo về tận các gia đình. Và điều bất ngờ nhất, cũng xót xa thay... do mấy chục năm thông tin trên các phần mộ liệt sỹ bị sai lệch, nên dù cất công đi tìm thì thân nhân liệt sỹ vẫn không bao giờ thấy con em mình.

Ông Đinh Xuân Đoài kể: “Hai anh trai Đinh Xuân Bồi, hy sinh năm 1951 tại tỉnh Hòa Bình; Đinh Minh Đông, hy sinh năm 1965 tại chiến trường Lào. Cuối năm đó mạ tui nhận thêm giấy báo tử em Đinh Minh Đoán, hy sinh tại mặt trận phía Tây. Ngày mạ còn sống mọi người trong gia đình một năm đều vài lần đi tìm mộ em Đoán, căn cứ chút thông tin ít ỏi, mơ hồ trên giấy báo tử, nhưng càng tìm, càng vô vọng.

Một lần gia đình đến Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, thấy phần mộ ghi liệt sỹ Đinh Xuân Đoán,

Phần mộ liệt sỹ Đinh Minh Đoán khi chưa được  điều chỉnh thông tin.
Phần mộ liệt sỹ Đinh Minh Đoán khi chưa được điều chỉnh thông tin.

đơn vị D6, hy sinh 17- 10- 1965... không có quê quán, không ngày tháng năm sinh. Cứ phân vân chẳng biết phải đứa em út Đinh Minh Đoán đây chăng?”. Rồi hạnh phúc vỡ òa ra khi gia đình nhận được công văn thông báo chính xác về phần mộ liệt sỹ Đinh Minh Đoán từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị. Vậy là sau gần 50 năm bặt tin giữa mênh mông mộ chí nơi Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, liệt sỹ Đoán mới được đoàn viên.

50 năm trước, cũng tại thôn Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, gia đình bà Đinh Thị Nông nhận giấy báo tử của anh trai mình, liệt sỹ Đinh Xuân Hội. Hòa bình lập lại, mọi người cất công tìm liệt sỹ, nhưng biết tìm ở đâu trong hơn 3.000 nghĩa trang cả nước. Giấy báo tử lại ghi chung chung: hy sinh tại mặt trận phía Nam. Liệt sỹ Hội chỉ còn có một người chị gái và một em gái. Chị gái trông em mòn mỏi, bệnh tật, già nua. Em gái gánh vác trọng trách tìm anh trai thay chị, tìm anh như thể mò kim đáy bể.

Ông Đinh Xuân Thường, chồng bà Đinh Thị Nông nhớ lại: “Tình cờ đầu năm 2013, gia đình biết đến Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ- Marin tại Hà Nội.

Theo yêu cầu, chúng tôi làm đơn, cung cấp dữ liệu thông tin về anh trai cho Marin. Gửi thông tin đi rồi nhưng thú thật... trong nhà chẳng ai dám tin sẽ tìm thấy anh ấy đâu. Rồi cách đây hơn một tháng, chị Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Marin điện thoại cho gia đình bảo chuẩn bị tinh thần đi nhận anh ấy về. Anh ấy nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9 đấy thôi với họ tên bị viết lệch thành Đinh Xuân Hoa”. Mới đây, ngày 14- 7, cả đại gia đình chúng tôi theo sự hướng dẫn của Trung tâm Marin có chuyến hành trình vào nhận anh mình đúng 50 năm ngày anh ấy hy sinh”.

“Nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn băn khoăn anh ạ! Liệu rằng phần mộ liệt sỹ Đinh Xuân Hoa có đúng là Đinh Xuân Hội anh tôi hay không? Trung tâm Marin căn cứ vào đâu để khẳng định chắc chắn như thế?”- Ông Thường hỏi tôi. Tôi đem thắc mắc này, không phải từ gia đình ông Thường mà thêm cả 5 gia đình còn lại tại huyện Tuyên Hóa được đoàn viên với liệt sỹ, người thân của mình sau mấy mươi năm bặt vô âm tín chuyển đến Marin.

Phần mộ của liệt sỹ Đinh Xuân Hội khi chưa bổ sung, điều chỉnh thông tin (viết thành Đinh Xuân Hoa)
Phần mộ của liệt sỹ Đinh Xuân Hội khi chưa bổ sung, điều chỉnh thông tin (viết thành Đinh Xuân Hoa)

Ngô Thị Thúy Hằng giải thích: “Câu chuyện đằng sau việc kiểm tra, xác thực, khớp nối rồi đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung thông tin chính xác trên bia mộ liệt sỹ để từ đó các anh trở về với gia đình không đơn giản chút nào. Mỗi một phần mộ liệt sỹ bổ sung thông tin đều trải qua hàng chục cuộc họp, trao đổi, so sánh, khớp nối thông tin giữa Trung tâm Marin với những cơ quan hữu quan như các Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Quốc phòng, Ban quản lý các nghĩa trang... Các thông tin về liệt sỹ đều rất chính xác, khách quan, khoa học”.

Theo đó, sau khi tiếp nhận yêu cầu trợ giúp từ phía thân nhân liệt sỹ, Trung tâm Marin tìm trong ngân hàng dữ liệu thông tin về 900.000 liệt sỹ của mình, khớp nối với trích lục quân nhân tại Bộ Quốc phòng; giấy báo tử; căn cứ thực tế sơ đồ trận đánh, vị trí liệt sỹ hy sinh, nơi chôn cất ban đầu; nơi quy tập hiện tại... Nếu các dữ liệu này trùng khớp mới tiến hành bổ sung, điều chỉnh thông tin trên bia mộ. Từ đó mới có hàng loạt liệt sỹ được về với mẹ, với người thân, với quê hương...

Trên cơ sở các nguồn dữ liệu lưu trữ, Trung tâm Marin điều chỉnh thông tin đầy đủ cho các liệt sỹ Quảng Bình: Đinh Minh Đoán, quê quán Bắc Sơn,  xã Thanh Hóa; sinh năm 1939; cấp bậc hạ sỹ, đơn vị E29; ngày hy sinh 17- 12- 1965. Đinh Xuân Hội, quê quán Bắc Sơn, xã Thanh Hóa; sinh năm 1944; cấp bậc hạ sỹ, đơn vị E29; ngày hy sinh 19- 11- 1965. Hoàng Thanh Đính, quê quán xã Kim Hóa, Tuyên Hóa; sinh năm 1944; cấp bậc binh nhất, đơn vị E29; ngày hy sinh 19- 11- 1965. Trần Văn Phục, quê quán xã Kim Hóa, Tuyên Hóa; sinh năm 1942; đơn vị C3, D6, QK4 ngày hy sinh 7- 1- 1965.  Ngô Xuân Quế, quê quán xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa; sinh năm 1944; đơn vị C1, D4, QK4; ngày hy sinh 12- 12- 1965. Hà Văn Thịnh, quê quán xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa; sinh năm 1944; đơn vị C3, D6, QK4; ngày hy sinh 1- 11- 1965.

Các anh hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tên các anh tạc vào lòng đất, ghi dấu trên những nẻo đường đi qua, ở lại với nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều dòng tên nay không còn riêng tư nữa, trở thành tên chung. Lại có những cái tên bị sai lạc, mù mờ... Nay tên các anh trở về đúng danh, đúng phận, đúng quê hương, để người thân đón các anh trong hành trình vạn dặm.

Ngô Thanh Long