.

Về lại với rừng

Thứ Sáu, 10/01/2014, 14:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Mặt trời nhô lên từ đỉnh núi đằng đông, hắt những tia nắng đầu tiên xuống bản Kè. Những nếp nhà sàn bắt đầu hiện ra trong lớp sương mù buổi sáng. Một ngày mới lại bắt đầu.

 

Một góc bản Kè.
Một góc bản Kè.

Hồ Phình tay cầm rựa, đầu đội mũ, chân đeo giày và không quên đeo thêm vào cổ tấm thẻ do cán bộ kiểm lâm Hà Đức Trường cấp. Hồ Phình chuẩn bị lên rừng. Dạo này Hồ Phình thường dậy sớm. Mà không chỉ mình Hồ Phình, cả bản Kè này ai cũng dậy sớm như thế. Thanh niên, người già không còn say rượu, phụ nữ không phải vào rừng một mình, trẻ em đến lớp chăm hơn... “Tất cả nhờ có cái rừng ở phía bên kia khe Rèng Rèng”- Hồ Phình nói.

Sau tiếng hú dài của Hồ Phình độ mười phút, lũ trai bản đã tập trung đông đủ ở bờ suối, mỗi người có một tấm thẻ thành viên quản lý rừng do Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa cấp. Những chiếc thẻ này cùng với quyết định giao đất giao rừng của UBND huyện, họ đã chính thức trở thành chủ nhân thực sự của rừng Mò O. Hôm nay 20 trai bản vào rừng để làm cái việc phát dây leo, bụi rậm. Hồ Phình lại nói: “Cán bộ hướng dẫn rồi, phải phát những dây leo, bụi rậm để cây lớn phát triển, chỗ nào cây ít thì phải trồng thêm cây mới. Cái rừng bây giờ là của người Mã Liềng miềng rồi. Miềng và dân bản phải bảo vệ cho tốt”.

Người Mã Liềng ở Lâm Hóa hiện có 106 hộ với 457 khẩu, sống ổn định ở bản Kè, bản Chuối và bản Cáo từ năm 1992 theo chương trình định canh định cư của huyện Tuyên Hóa. Trước đó họ sống rải rác trong rừng sâu thuộc dãy núi Giăng Màn. Cái ăn hàng ngày chủ yếu dựa vào sản phẩm săn bắt và hái lượm. Nay mặc dù đã định canh, định cư nhưng cuộc sống của người Mã Liềng vẫn hết sức nghèo nàn và lạc hậu. Một phần do đất đai để canh tác ít, cả xã có ba bản với 106 hộ nhưng chỉ có 9 ha đất sản xuất. Trong đó đất trồng lúa nước chỉ có 3,2 ha, chủ yếu là đất đồi mới khai hoang nên cho năng suất thấp.

Bên cạnh đó, mặc dù sống gần rừng nhưng người Mã Liềng chỉ biết khai thác tài nguyên từ rừng làm sinh kế qua ngày, còn làm gì để có cuộc sống ổn định từ rừng thì lâu nay họ chưa nghĩ tới được. Thế nên qua nhiều mùa rẫy, cộng đồng người Mã Liềng ở bản Kè nói riêng và xã Lâm Hóa nói chung vẫn sống nghèo bên rừng.

Thế rồi, niềm vui đã đến với đồng bào dân tộc Mã Liềng ở Lâm Hóa khi ngày 20-2-2013 UBND tỉnh đã

Hồ Phình chuẩn bị lên rừng.
Hồ Phình chuẩn bị lên rừng.

có quyết định thu hồi 700 ha đất rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa để giao cho UBND huyện làm thủ tục cấp đất cho đồng bào dân tộc Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo. Người Mã Liềng ưng cái bụng lắm. Già Cao Dụng- Trưởng bản Kè nói: “Cái rừng sẽ giúp cuộc sống của bà con mình không còn đói nghèo nữa, không còn tình trạng đứt bữa nữa... Miềng ưng cái quyết định của tỉnh lắm”.

Rót ly chè mời khách, già Cao Dụng kể về ngày xưa, cái thời cực khổ, tăm tối trong rừng sâu thâm u đầy hiểm nguy rình rập. Người Mã Liềng dắt díu nhau đi hết cánh rừng này đến cánh rừng kia. Ngày xưa đốt rừng làm rẫy, được hai mùa lại chuyển đi nơi khác. Ngày xưa lấy vỏ cây độp làm áo. Ngày xưa đào củ nâu, củ mài để ăn. Ngày xưa nhà làm bằng nứa, lợp lá tro, lá chuối trong rừng...

Ngày xưa ấy đã qua. Giờ đây người Mã Liềng đang ở trong những ngôi nhà kiên cố do Nhà nước và dự án làm cho, bữa ăn đã có gạo trắng, đông đến không sợ rét, lũ trẻ đã biết mặt con chữ... Nhưng, người Mã Liềng vẫn nghèo, vẫn đói, họ chỉ biết chờ đến kỳ nhận gạo cứu trợ của Chính phủ.
- Có rừng, có đất chắc chắn cuộc sống của người Mã Liềng sẽ khá lên. Anh Ngô Văn Hồng, Giám đốcTrung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển tại Tuyên Hóa nói một cách đầy tin tưởng...

Anh Hồng là người đã gắn bó với đồng bào dân tộc ở đây từ khi Trung tâm về đóng chân và hoạt động trên địa bàn huyện năm 1997. Hơn 15 năm hoạt động, Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đồng bào dân tộc Mã Liềng hòa nhập và phát triển cùng cộng đồng.

Riêng việc giao đất giao rừng cho bà con lần này, Trung tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan lập dự án, hỗ trợ kinh phí và tiến hành các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng người Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo. Trong tổng số 700 ha đất rừng được giao có 115 ha đất rừng sản xuất, 16 ha đất để khai hoang, còn lại là đất có rừng khoanh nuôi bảo vệ.

Anh Hồng cho biết, đây là mô hình giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng đầu tiên được triển khai tại Tuyên Hóa nói riêng và Quảng Bình nói chung. Trước đây chúng ta chỉ mới giao đất chứ chưa giao rừng. Còn với mô hình này chúng ta đã giao luôn phần tài sản trên đất trên cơ sở đã đo đếm và khảo sát về hiện trạng rừng trước khi giao. Từ đó người dân sẽ tính toán được mức độ hưởng lợi, tức là phần tăng thêm trong quá trình bảo vệ rừng.

Rời bản Kè, chúng tôi đến thăm vườn ươm của bản Cáo, nơi những người phụ nữ Mã Liềng đang thoăn thoắt nhổ cỏ, tưới nước cho cây. Một khu đất rộng chừng 500m2 được bao phủ bởi một màu xanh tươi non của hàng vạn cây keo giống. Anh Hồng cho biết, hơn 60 nghìn cây keo giống đang lên xanh tốt kia đều do bàn tay những người phụ nữ Mã Liềng làm nên. Nay thì phụ nữ Mã Liềng ai cũng biết đóng cái bầu, gieo hạt giống và chăm cái cây cho chóng lớn.

Họ tin tưởng rằng, những mầm xanh kia sẽ làm cho cái rừng giàu thêm, cái cây sẽ nuôi sống dân bản, người phụ nữ Mã Liềng sẽ không còn phải băng rừng một mình để kiếm cái ăn còn đàn ông thì ở nhà ôm con như trước đây nữa.

Nay thì phụ nữ Mã Liềng ai cũng biết đóng đất vào bầu, gieo hạt giống và chăm cái cây cho chóng lớn.
Nay thì phụ nữ Mã Liềng ai cũng biết đóng đất vào bầu, gieo hạt giống và chăm cái cây cho chóng lớn.

Phấn khởi trước thành quả bước đầu, bà Phạm Thị Lâm- Trưởng bản Cáo nói: “Trước đây phụ nữ dân tộc Mã Liềng chưa biết làm vườn ươm như thế này. Nay được cán bộ huyện, dự án hỗ trợ và hướng dẫn trực tiếp, lại cho một số em về Đồng Lê tập huấn, sau đó về hướng dẫn lại cho dân bản nên đến nay, mặc dù chưa thạo lắm nhưng phụ nữ trong bản ai cũng đã biết làm. Tin tưởng rằng, với vườn ươm này rồi sẽ trồng thêm được nhiều rừng, người Mã Liềng ở bản Cáo sẽ khá lên, không còn đói nghèo nữa”.

Còn nhớ, ngày 29-7-2013, ngày mà UBND huyện Tuyên Hóa tổ chức bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng dân tộc Mã Liềng ở bản Kè và bản Cáo, ngày đó đã trở thành ngày hội của bà con ở bản làng xa xôi hẻo lánh này. Từ người già đến lớp trẻ, từ cán bộ đến người dân, nét mặt ai nấy đều thể hiện niềm phấn khởi. Bởi ai cũng biết, với người Mã Liềng rừng là văn hóa, là không gian sinh tồn của cuộc sống. Có rừng, họ sẽ có tất cả.

Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết: Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp lần này có ý nghĩa rất lớn, đáp ứng được sự mong mỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là của bà con nhân dân 2 bản nhằm tạo điều kiện cho người dân ở đây được khai thác, sử dụng lâm sản và các lợi ích khác của rừng; được sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp; được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên diện tích được giao, góp phần nâng cao kinh tế hộ gia đình nhằm xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy quản lý bảo vệ rừng một cách bền vững.

Rời Lâm Hóa lúc mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Chúng tôi lại nhìn về phía rừng Mò O, nơi Hồ Phình cùng đám trai bản đang quyết tâm bám đất, bám rừng lo làm ăn để thoát nghèo. Tôi chợt nghĩ: Người Mã Liềng, những con người bước ra từ rừng ấy, nay đang có một cuộc trở về với rừng. Nhưng lần về này là về để làm chủ, để phát triển, chứ không phải là trở về với cuộc sống cơ cực như những ngày xưa tăm tối.

Văn Tư